Con nhỏ viêm loét dạ dày, cha mẹ ngỡ ngàng

Cha mẹ không ngờ trẻ còn nhỏ đã bị viêm loét dạ dày. Vì thế, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, đại tiện ra máu...

Con nhỏ viêm loét dạ dày, cha mẹ ngỡ ngàng - 1

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm loét dạ dày, trong đó có chế độ ăn bất hợp lý (Ảnh minh họa)

2 tuổi rưỡi đã viêm loét dạ dày

Bé Nguyễn V. H. (2 tuổi rưỡi, Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng da nhợt, đi ngoài phân đen và nôn ra máu... Mẹ bé cho hay, thấy biểu hiện nặng quá, gia đình vội vã gọi xe cấp cứu lên thẳng BV Nhi T.Ư. Tại đây, sau khi thăm khám, làm xét nghiệm và nội soi, bác sĩ chẩn đoán con bị viêm loét dạ dày, tá tràng. Nguyên nhân được xác định do cha mẹ đã cho còn uống nhầm liều lượng thuốc giảm sốt Ibuprofen, khiến trẻ bị kích ứng dẫn đến loét dạ dày. Bệnh nhi buộc phải nhập viện điều trị viêm dạ dày cấp.

Cũng tại Khoa Tiêu hóa, BV Nhi T.Ư, bé Nguyễn Tr. H. (12 tuổi, Thanh Oai, HN) vừa nhập viện điều trị được 5 ngày. So với bạn đồng lứa, H. trông nhỏ con hơn rất nhiều, chỉ khoảng 26kg, da nhợt nhạt. Bố bé H. cho biết, ban đầu bé H. không có biểu hiện gì cụ thể chỉ thấy râm ran đau bụng quanh rốn, ăn ít, mệt mỏi và da kém sắc. Thấy con đau bụng suốt tuần, thỉnh thoảng nôn ra dịch vàng, gia đình đưa con đến khám tại BV ĐK Thanh Oai, bác sĩ nghi ngờ bé bị xuất huyết đường tiêu hóa, cho chuyển lên tuyến trên. Ở BV Nhi T.Ư, bác sĩ chẩn đoán H. viêm loét dạ dày, phải nhập viện điều trị nội trú.

Theo TS. BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, BV Nhi T.Ư, tại khoa số trẻ đến điều trị bị mắc viêm dạ dày chiếm đến 1/3. “Rất nhiều người cho rằng viêm loét dạ dày, tá tràng không thể xảy ra ở trẻ, nên chủ quan trong việc phát hiện, điều trị, khiến nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng xuất huyết dạ dày nặng. Điều này dẫn đến việc điều trị tốn kém hơn và khó khăn hơn rất nhiều”, BS. Hà cho biết.

Theo các bác sỹ, có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ, có thể do thuốc điều trị, chống viêm; hoặc viêm do hoá chất như: Kiềm, axit, hoá chất sinh hoạt mà trẻ vô tình nuốt phải bị ngộ độc... Mặt khác, nguyên nhân viêm dạ dày còn có thể bắt nguồn từ chế độ ăn quá nhiều chất hại dạ dày như chua, cay; hay vấn đề của bệnh lý dạ dày, viêm dạ dày do tự miễn, phì đại niêm mạc dạ dày… Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là loại vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) dễ gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc có thể dẫn đến ung thư dạ dày.

Chỉ 50% bệnh nhân viêm dạ dày HP được chữa khỏi

BS. Hà chia sẻ, tỷ lệ người mắc viêm dạ dày do vi khuẩn HP trong cộng đồng rất cao. Theo điều tra trên người bình thường khỏe mạnh nhiễm 70-80% và ở trẻ nhỏ là 35%. “Nhiều người có suy nghĩ cứ nhiễm vi khuẩn HP là sẽ ung thư, nhưng không phải vậy. Thực tế, nhiều người viêm loét dạ dày HP nhưng không chuyển sang ung thư dạ dày”, BS. Hà khẳng định.

Viêm dạ dày của trẻ em không giống người lớn, trẻ thường đau bụng bất thường, dấu hiệu đau vùng thượng vị của trẻ nhỏ chỉ 30% còn lại đau quanh rốn, và đau lan tỏa. Trẻ có thể ợ hơi, ợ chua, nôn, biếng ăn, hơi thở hôi… Khi trẻ có dấu hiệu trên cần cho đi khám để sàng lọc sớm nhằm phát hiện và điều trị kịp thời. 

Lý giải về nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc viêm dạ dày HP cao trong cộng đồng, bà Hà cho rằng, điều kiện nhà chật chội, ăn uống chung hay việc trẻ không rửa tay trước khi ăn, đi vệ sinh, sử dụng nhà vệ sinh không hợp lý, nguồn nước không sạch, cha mẹ nhai mớm cho con… đều có thể khiến tỷ lệ nhiễm bệnh tăng.

Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa, điều trị viêm dạ dày HP gặp khó khăn. Theo phác đồ chuẩn, nếu trên thế giới có khoảng 70-80% bệnh nhân khỏi, thì ở VN con số này chỉ đạt 50% và tái nhiễm rất cao. Theo một nghiên cứu trên điều trị 240 bệnh nhân sau một năm chữa khỏi thì 28% tái nhiễm và tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tái nhiễm lên đến 50%.

Đáng nói, việc điều trị viêm dạ dày HP ở trẻ nhỏ phải trải qua quá trình dài ngày; thuốc dạng viên khiến trẻ khó uống, gây tác dụng phụ nên nhiều gia đình bệnh nhi bỏ cuộc… Cũng chính vì thế mà tình trạng kháng thuốc càng cao và cơ hội điều trị thành công cho trẻ lại càng giảm xuống. “Hiện các bác sĩ cân nhắc, với các trường hợp nguy cơ cao như có loét nặng, bố mẹ từng ung thư, hay u dạ dày nhiễm HP… mới chỉ định phải điều trị HP”, BS. Hà cho biết và cảnh báo: “Rất nhiều cha mẹ chủ quan với lịch tái khám cho trẻ hay việc bỏ thuốc giữa chừng sau khi thấy biểu hiện bệnh của trẻ giảm rõ rệt… Trẻ sẽ tái nhiễm chính vì những lý do này và việc điều trị sau này vô cùng khó khăn”.

Đừng mong trẻ hết còi cọc, ốm yếu nếu cha mẹ cho con ăn theo cách này

Bữa ăn kéo dài quá lâu, ăn nhiều đồ ngọt, tẩm bổ quá mức…là những chăm sóc sai lầm tai hại của cha mẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Anh (Báo Giao Thông)
Bệnh về dạ dày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN