Con bị tiêu chảy, tự chữa bằng lá ổi rất nguy hiểm

Mỗi lần con bị tiêu chảy, chị Hà lại lấy lá ổi non giã ra vắt nước cho con uống để hết tiêu chảy. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết cách làm này rất nguy hiểm.

Con bị tiêu chảy, tự chữa bằng lá ổi rất nguy hiểm - 1

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết về bệnh lý tiêu chảy mùa hè ở trẻ nhỏ.

Nguy kịch vì chữa tiêu chảy bằng lá ổi

Bé Nguyễn Mạnh H. 14 tháng tuổi con chị Hà trú tại Yên Phong, Bắc Ninh mới đi học mẫu giáo được vài hôm thì bé bị tiêu chảy không ngớt. Bố mẹ bé tưởng con bị tiêu chảy do thức ăn ở trường không hợp nên tìm biện pháp trị tiêu chảy bằng dân gian vì ngại cho sử dụng thuốc kháng sinh.

Hai ngày uống nước lá ổi giã cộng với lá hồng xiêm đủ kiểu nhưng tình trạng vẫn không đỡ. Chị Hà thấy con ngày càng xọp đi và mệt lả ra. Lúc này, vợ chồng chị vội vàng đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ khám và cho làm xét nghiệm bé H. bị tiêu chảy do vi rút rota chứ không phải do thức ăn nên có uống kháng sinh hay sử dụng lá ổi đều không có tác dụng.

Trường hợp của bé Trần Gia M. trú tại Gia Lâm, Hà Nội cũng tương tự. Bé M. 8 tháng tuổi bị tiêu chảy. Mẹ và bà bé tưởng con đi tướt để bò nên cứ để bé ở nhà. Mỗi lần thấy còn xì xoẹt, mẹ của bé lại mua thuốc cầm tiêu chảy và lấy lá ổi non nhai ra cho bé nuốt. Tuy nhiên cả tuần liền bé vẫn bị đi tiêu chảy, đi 3- 4 lần/ ngày. Đến khi phần hậu môn của bé đỏ tấy và bé quấy khóc bố mẹ mới cho con vào viện để khám.

Lúc này, bác sĩ cho biết cháu bị tiêu chảy do trước đó bị viêm mũi họng mẹ cháu tự mua kháng sinh về cho con uống quá lâu gây ra tình trạng loạn khuẩn ở ruột nên bị tiêu chảy. Gia đình không biết lại chỉ cho cháu ăn nõn ổi mà không dừng thuốc kháng sinh nên không cải thiện tình hình.

Tại khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ thường xuyên gặp các bệnh nhi bị tiêu chảy nặng, mất nước thậm chí sốc nhiễm khuẩn vì phụ huynh tự chữa tiêu chảy. Có trẻ ngày đi 10 lần nhưng bố mẹ vẫn mời bác sĩ về khám kê thuốc mà không đưa con đến viện kiểm tra.

Bệnh của mùa hè

PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mùa hè, ngoài các bệnh viêm hô hấp liên quan đến nắng nóng thì bệnh tiêu chảy ở trẻ em là căn bệnh thường gặp nhất.

Bác sĩ Dũng cho biết bệnh tiêu chảy ở trẻ do nhiều nguyên nhân, có thể do vi rút hoặc vi khuẩn, là hai nguyên nhân thường gặp nhất. Vào mùa hè nắng nóng, liên quan đến thức ăn dễ bị ôi thiu, đặc biệt là trẻ đi chơi xa mà các chuyên gia y tế thường gọi đó là tiêu chảy du lịch do thay đổi sinh hoạt ở thành phố và nông thôn. 

Nhiều gia đình sau chuyến du lịch về con bị ốm, tiêu chảy. Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì thay đổi thời tiết, chế độ ăn đặc biệt là những trẻ được bố mẹ đưa du lịch về những vùng điều kiện sinh hoạt kém rất dễ mắc tiêu chảy.

Ngoài ra, tiêu chảy do vi rút Rota vào mùa hè cũng tăng cao hơn nhiều tiêu chảy cấp do vi rút rota thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 đến 24 tháng tuổi. Biểu hiện để không bị nhầm với các bệnh khác đó là bé sẽ nôn trước, sau khoảng 1 - 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Bé có thể ho, sốt nên cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, thậm chí nghĩ rằng bé ho, sốt vì mọc răng.

Khi trẻ bị tiêu chảy, bác sĩ Dũng cho biết cha mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy, các loại lá ổi, lá hồng xiêm theo kinh nghiệm dân gian vì các thuốc đó không có tác dụng.

Nếu là tiêu chảy do vi rút mà còn làm giảm nhu động ruột khiến phân không được thải ra ngoài, dẫn đến tình trạng đầy trướng bụng, nguy hiểm cho trẻ. Cha mẹ phải ưu tiên trước nhất là bù nước (oresol) để tránh rối loạn điện giải, rất quan trọng với bệnh nhân tiêu chảy. Trong trường hợp bù điện giải mà trẻ vẫn tiêu chảy và kèm nôn cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân có biện pháp điều trị kịp thời.

Khi trẻ bị tiêu chảy cần đi khám bác sỹ nhi khoa để xác định mức độ mất nước, dấu hiệu tiêu chảy nhiễm khuẩn (sốt, phân nhầy máu, thối khẳn…). Nếu chỉ mất nước ở mức độ nhẹ (khát nhẹ, miệng khô, còn tiểu được…) có thể điều trị tại nhà để bù nước và điện giải (ORS, pha đứng theo chỉ dãn, uống theo nhu cầu của trẻ). Kháng sinh nên có chỉ định của bác sỹ. Chế độ ăn lỏng và ít hơn ngày thường. Vệ sinh thân thể cháu bé và môi trường sạch sẽ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN