Coi chừng vô sinh vì quai bị

Đây là bệnh “đến hẹn lại lên” và xảy ra rải rác trong năm, xuất hiện nhiều hơn ở đầu mùa hè.

Tại địa bàn huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) đang có hơn 20 trường hợp quai bị, chủ yếu là trẻ em. Theo TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm bệnh viện đã điều trị hơn 40 ca bệnh quai bị.

Biểu hiện của bệnh quai bị là người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm, sau đó tuyến mang tai sưng to dần trong 2-3 ngày rồi giảm sưng. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên, thậm chí còn lan đến vùng má, ngực, gây phù xương ức khiến bệnh nhân bị đau vùng sưng. Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị không có triệu chứng bệnh lý.

Coi chừng vô sinh vì quai bị - 1

Một em bé bị bệnh quai bị.

Bệnh quai bị thường gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay, nhiều người lớn vẫn mắc bệnh. Theo thống kê của BV Nhiệt đới T.Ư, 60-70% là người lớn và 50% bị biến chứng viêm tinh hoàn (nam giới) và còn lại là viêm buồng trứng ở nữ, viêm tụy và viêm não.

“Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh, biến chứng não gây rối loạn ý thức, sốt cao, co giật. Tuy rất hiếm có trường hợp tử vong do quai bị nhưng quá trình điều trị tốn kém, kéo dài 3-4 tuần. Đối với nam giới viêm tinh hoàn thì phải theo dõi biến chứng sau 5 năm để xem có bị vô sinh hay không“ - TS Kính nhận định.

Điều đáng lo ngại là hiện nay ở nhiều vùng nông thôn bà con tự chữa bệnh rất nguy hiểm. Bác sĩ Lữ Văn Luân (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, bà con nơi đây vẫn duy trì các bài thuốc chữa viêm quai bị bằng cách giã hạt gấc và tỏi rồi bôi, đắp lên chỗ sưng.

“Bài thuốc” này khá nguy hiểm vì vết sưng dễ nhiễm trùng, sưng to hơn. Bệnh nhân cũng không được điều trị nên có thể gặp biến chứng khi được điều trị muộn. Trung tâm y tế huyện cũng đã phải điều trị cho một ca viêm tinh hoàn do biến chứng của bệnh quai bị. Quá trình điều trị phức tạp, mất thời gian và tốn kém.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Kiệt (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN