“Chưa thể tăng viện phí tại thời điểm này”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ Y tế trước thông tin “điều chỉnh viện phí mới từ 1/8”.

“Chưa thể tăng viện phí tại thời điểm này” - 1

Bệnh nhân vạ vật chờ khám bệnh tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội

Chưa tăng từ 1/8

Trước thông tin được nhiều người quan tâm về việc điều chỉnh tăng viện phí từ ngày 1/8, trả lời phóng viên sáng nay, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính- Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn đang bàn bạc về lộ trình cũng như cách thức tăng, do vậy chưa chốt được thời điểm tăng.

“Việc tăng viện phí từ tháng 8/2016 như dự kiến vẫn chưa thể triển khai”, ông Liên khẳng định.

Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến. Tuy nhiên, hiện ý kiến các bên liên quan vẫn chưa đồng thuận do vấn đề viện phí liên quan trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

“Nếu tăng dịch vụ y tế, chỉ số CPI sẽ bị tác động và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Do vậy, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quyết định chưa thể thực hiện tăng giá viện phí vào thời điểm này”, ông Nguyễn Nam Liên nói.

Tuy nhiên, nếu tăng, giá viện phí sẽ tăng ở giá khám bệnh, phân theo hạng bệnh viện (bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 chung mức giá); giá ngày giường bệnh phân theo hạng và chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính lý giải, tăng giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh viện. Đây là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội thay mặt cho người dân thanh toán với bệnh viện.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, tăng giá dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng tới hơn 80 triệu người dân Việt Nam. Do vậy, khung giá mới không thể vừa lòng tất cả đối tượng. Đối tượng này bị ảnh hưởng, đối tượng kia không được thụ hưởng, song nếu tính trên tổng thể, đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn.

Ngoài ra, việc tăng giá này cũng chỉ đủ bù đắp chi phí của bệnh viện còn việc tăng chất lượng cũng cần một lộ trình. Khi giá tính đủ sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ ngay trên địa bàn.

Cân nhắc đến cuối năm 2016

Còn theo ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, vừa qua Bộ Y tế đã trình Chính phủ Dự thảo tăng giá dịch vụ y tế từ 1-8 ở những địa phương có số thu cao, có tỷ lệ tham gia BHYT lớn, để đảm bảo nguồn chi thường xuyên.

Mặc dù, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế họp đã thống nhất lùi thời hạn tăng viện phí đợt 2 năm 2016 vào tháng 8 này. Tuy nhiên, vừa qua, phía BHXH và Bộ Y tế đã quyết định chưa thực hiện trong tháng 8 vì lo ngại viện phí tăng sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thời điểm này.

Trả lời về thời gian dự kiến triển khai việc tăng viện phí đợt 2 năm 2016, ông Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế vẫn tiếp tục phải cân nhắc từ giờ tới cuối năm. 

Cũng theo lộ trình được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất, ngoài đợt tăng viện phí thứ hai trong năm 2016, từ cuối 2016 đến nửa đầu 2017 sẽ tiếp tục có thêm nhiều đợt điều chỉnh viện phí mới. Dự kiến mỗi đợt điều chỉnh viện phí sẽ thực hiện ở 8 - 12 tỉnh, thành phố (theo thứ tự các địa phương có độ bao phủ BHYT từ cao xuống thấp và những áp dụng trước tại những tỉnh có mức tác động CPI thấp).

Trước đó, từ ngày 1/3, tất cả 1.400 bệnh viện trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh, riêng các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn (hầu hết bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh) đã thu viện phí bao gồm cả lương thầy thuốc.

Theo dự kiến trước đây của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ ngày 1/8, mức viện phí gồm các loại phụ cấp, lương của y, bác sỹ tiếp tục được áp dụng mở rộng thêm tại 10 địa phương. Với mức thu mới, giá của 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các dịch vụ có cơ cấu lớn chi cho nhân lực y tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN