Chữa bệnh... giọng nói: Cuộc chiến sau phòng mổ

Sự kiện: Thời sự

Tỉnh lại trên giường bệnh, họ đau đớn biết mình đã mất đi khả năng giao tiếp với thế giới. Sau những ca phẫu thuật, họ nhìn vào gương thấy khuôn mặt đã vẹn toàn nhưng không dễ để nói với ai về hạnh phúc ấy

Chữa bệnh... giọng nói: Cuộc chiến sau phòng mổ - 1

Phẫu thuật điều trị sứt môi - hở hàm ếch ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM

“Nhìn thấy cảnh đó, tôi khó chịu lắm!”. Đó là bộc bạch của ông Lê Khánh Điền - Phó trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Y học cổ truyền, Trưởng Đơn vị Âm ngữ trị liệu Bệnh viện (BV) An Bình - khi kể về những bệnh nhân sau tai biến phải khổ sở nói mà không ai hiểu.

Nỗi niềm khó tỏ

Hơn 20 năm làm công việc của một cử nhân vật lý trị liệu, giúp nhiều người sau tai biến tập luyện để tìm lại khả năng vận động, cái “khó chịu” đó vẫn đeo đuổi ông khi không thể giúp họ tìm lại tiếng nói. So với người bị liệt tay chân thì người bị “mất” giọng nói có lẽ còn khổ sở hơn nhiều phần bởi nuốt một miếng cơm cũng thấy khó, muốn gọi tên vợ con cũng bất lực.

Điều này đã thôi thúc ông Lê Khánh Điền đi học văn bằng 2 Anh ngữ rồi ra nước ngoài tìm hiểu về âm ngữ trị liệu. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở lớp đào tạo sau đại học, ông vội đăng ký ngay khóa đầu. Cái “khó chịu” dần được giải quyết để mở ra một hành trình vất vả nhưng cũng nhiều hạnh phúc mới.

Một cụ ông mong được gặp người con thứ năm, cố nói mãi không ai hiểu. Mấy ngày trôi qua, người con ấy đến thăm, ông khóc không thành lời. Khi ấy, con cháu mới vỡ lẽ mấy hôm nay, những chữ ú ớ không tròn mà ông cố gắng bằng tất cả sức lực là để gọi tên con.

Hoặc một nam bệnh nhân khác, sau những ngày điều trị tai biến, thèm được ăn một chén canh khổ qua dồn thịt nên nói với vợ. Người vợ không hiểu. Các con không hiểu. Ý muốn giản đơn ấy như giọt nước cuối cùng, ông không còn chịu nổi việc nói mà không ai hiểu, đỏ mặt lên rồi ngã xuống, vào cơn tai biến lần thứ hai. Tại BV An Bình, đây là dạng bệnh nhân tìm đến âm ngữ trị liệu nhiều nhất. Với họ, động tác nuốt một miếng thức ăn - vốn làm như vô thức trước đây - có thể khó khăn đến vô cùng.

Âm ngữ trị liệu cho những bệnh nhân này có khi như một bài học sơ khai về ngôn ngữ, cùng nhặt những tấm hình, gọi tên sự vật không khác gì trẻ được điều trị âm ngữ trong các BV nhi. Có khi đơn giản là những buổi tập ăn bởi cơn tai biến còn làm ảnh hưởng đến động tác nuốt. Ông Điền tâm niệm: “Mục tiêu chính mà phục hồi chức năng mang lại không phải là để bệnh nhân đi đứng được hay trò chuyện được mà là đưa họ trở lại với cuộc sống trước đây”.

Mất thanh quản vẫn tìm lại tiếng nói

Người bị ung thư thanh quản phải cắt bỏ thanh quản toàn phần, thông khí quản qua da ở cổ để thở cũng đồng nghĩa mất hẳn tiếng nói. Tuy nhiên, như một màn ảo thuật đầy ý nghĩa, âm ngữ trị liệu đã giúp họ bắc lại chiếc cầu âm thanh ở đời.

Trong đoạn clip mà BS Trần Thị Thu Trang - Đơn vị Thanh học, Khoa Nhi Tổng hợp BV Tai Mũi Họng - đưa cho chúng tôi xem, cụ ông đang say sưa gọi điện thoại cho người em gái ở nước ngoài. Đoạn clip được con của cụ quay, gửi cho bác sĩ. Dấu tích duy nhất của cơn bạo bệnh là chiếc khăn choàng mỏng quấn quanh cổ để che vị trí mở khí quản ra da. “Chị có thể thử gọi điện thoại nói chuyện với ông, ông rất vui vẻ” - BS Trang đề nghị khi chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông cụ không còn thanh quản!

BS Trang cho biết thứ ông cụ dùng là một chiếc “thanh quản điện tử”, có thể hiểu là một loại máy giúp ông nói. Theo chị, nhược điểm duy nhất của máy là chỉ có 2 tông giọng và giọng khá giống giọng robot. Tuy nhiên, người sử dụng lại có thể dễ dàng tập luyện và nói thành thục.

Một số bệnh nhân bị cắt bỏ thanh quản khác được hướng dẫn một phương pháp cũng kỳ thú không kém: nói bằng... thực quản - cơ quan trước giờ chỉ có nhiệm vụ làm “đường dẫn” cho thức ăn. Nuốt hơi vào bụng, tập luyện cho thực quản làm cái việc nó chưa từng biết vốn dài lâu và vất vả hơn dùng thanh quản điện tử. Tuy nhiên, công sức ấy được đền đáp bằng một chất giọng có phần trầm đục hơn giọng trước kia nhưng rõ ràng và không phải nhờ đến bất cứ loại máy móc nào hỗ trợ.

Trau chuốt tiếng nói, nâng bước vào đời

Ông Hoàng Văn Quyên, kỹ thuật viên trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng BV Nhi Đồng 1, tâm sự ông nhớ nhất là một cô gái trẻ, tốt nghiệp Trường ĐH Marketing đi xin việc chỗ nào cũng bị từ chối, dù thừa năng lực.

Cô gái đã trải qua một tuổi thơ đầy thiệt thòi, bị trêu chọc, khó khăn giao tiếp vì tật hở hàm ếch. Trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, cô đã tìm lại được vẻ ngoài xinh đẹp nhưng giọng nói vẫn ngọng nghịu. Đó là khó khăn chung của các bệnh nhân sứt môi - hở hàm ếch. Khiếm khuyết giải phẫu làm giọng nói không tròn, cho dù có được phẫu thuật, họ vẫn cần được tiếp tục chỉnh âm để có thể nói chuyện như bình thường.

“Sau khi cô ấy gặp tôi và được điều trị, giọng nói đã trở nên dễ hiểu, mạch lạc hơn. Cô đã tìm được một công việc đúng chuyên ngành, nghe đâu môi trường làm việc, thu nhập cũng rất tốt” - ông vui vẻ kể.

Bệnh nhân mà chị Lê Thị Đào, chuyên viên âm ngữ trị liệu thuộc Khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2, nhớ nhất cũng là một cô bé sứt môi - hở hàm ếch rất nặng. Cô bé mồ côi được người mẹ nuôi tốt bụng nhận về và đưa đi khắp nơi, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật từ nhỏ đến giờ để tìm lại dung nhan.

Giờ đây, trong những tấm ảnh trên Facebook là một cô bé xinh xắn, tươi vui. Nhưng ngoài đời, nét mặt cô bé luôn đượm buồn, ngại tiếp xúc bởi giọng nói không tròn, khá khó nghe. Cô nữ sinh lớp 12 học giỏi và mơ ước vào trường y. Cô bé sẽ còn phải phẫu thuật và chỉnh âm rất nhiều, giọng nói còn làm người khác khó hiểu nhưng so với ngày đầu tìm đến bác sĩ, giờ đây, cô bé đã biết hiện thực ước mơ, sống hòa đồng với mọi người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN