Cảnh báo lạc, gạo mốc chứa chất cực độc gây ung thư gan

Sự kiện: Ung thu gan

Thói quen tích trữ thực phẩm của người dân và thời tiết nhiệt đới ở nước ta nên nhiều thực phẩm, đặc biệt là các loại hạt như lạc, gạo, ngô rất dễ bị nấm mốc. Nếu ăn phải nấm này có thể gây ra bệnh ung thư.

Ngỡ ngàng vì bị ung thư

Tại Bệnh viện K Hà Nội, các tấm biển ghi chú cảnh báo các yếu tố nguy cơ gây ung thư đều có ghi chú không nên ăn các thực phẩm ôi thui, nấm mốc. Điều này không thừa vì rất nhiều bệnh nhân khi được bác sĩ tư vấn đều ngỡ ngàng đã dùng lạc, gạo bị nấm mốc nhiều lần mà không biết.

Bà Nguyễn Thị Làn 57 tuổi, trú tại Hải Dương đến tư vấn tại hội ung thư Việt Nam trong tình trạng mệt mỏi vì căn bệnh ung thư gan. Bà Làn kể cách đây hai tháng bà thấy người mệt, đau bụng, sụt cân, da vàng. Nhưng đang bận bịu nên bà chưa đi kiểm tra sức khỏe. Khi đau quá không chịu được, nước tiểu lại có màu sẫm nên bà mới đi khám. Tại bệnh viện tỉnh bác sĩ chụp CT ổ bụng phát hiện gan của bà có vết ố nên nghi ngờ u gan. 

Cảnh báo lạc, gạo mốc chứa chất cực độc gây ung thư gan - 1

Nấm mốc trong lương thực có chứa độc tố gây ung thư gan.

Bác sĩ cảnh báo nhiều loại nước chấm đóng chai ở nước ta cũng có thể chứa độc tố aflatoxin gây ung thư gan vì nguyên liệu sản xuất đầu vào đã bị nấm mà họ không để ý đến.

Bà Làn được con đưa lên Bệnh viện K trung ương khám lại. Kết quả chẩn đoán ung thư gan. Ngay sau đó bà được lên phác đồ điều trị nút mạch và truyền hóa chất. Điều bà Làn ngỡ ngàng là căn bệnh khiến bà bất ngờ vì bà rất cẩn thận, ăn chín, uống sôi vẫn mắc bệnh.

Khi được các bác sĩ phân tích nguyên nhân gây ung thư. Bà Làn đều quả quyết mình không uống rượu, không hút thuốc, trong nhà cũng không có ai hút thuốc, không mắc viêm gan B, gan nhiễm mỡ. Chỉ đến khi bác sĩ tư vấn đến phần thực phẩm, bà Làn nghi ngờ có thể do thực phẩm ăn uống hàng ngày của mình lâu dần gây nên bệnh ung thư.

Bà Làn kể gia đình trồng lạc và để ăn quanh năm. Hạt lạc nhiều dầu có khi bị mốc thì bà lại đêm rửa mốc và phơi khô. Một phần vì nghĩ không ảnh hưởng vì bà đã rửa hạt lạc mốc nên vẫn ăn được, hai là vì tiếc của không bỏ đi.

Soi xét thói quen từ gia đình, bà Làn giật mình, gạo mốc bà cũng không dám bỏ đi mà vo sạch nấu cơm. Vì nhà ẩm thấp, gạo bỏ trong thùng nhựa. Mỗi lần xay thóc bà xay 30 kg gạo. Nhà chỉ có 3 người ăn, hai con ăn bữa tối nên hai tháng mới hết bao gạo. Có những lần cuối thùng gạo mốc xanh nhưng bà lại phơi ra hoặc vo sạch nấu cơm ăn. Bà không nghĩ đó có thể là yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư của mình.

Nấm mốc độc tố nguy hiểm

Bác sĩ Đặng Thế Căn - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết, rất nhiều bệnh nhân đến tư vấn đều không biết vì sao mình bị ung thư. Đa số họ lo lắng và cho rằng mình bị trừng phạt. Tuy nhiên, việc ăn uống có ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh ung thư, nhất là ung thư gan. Bác sĩ Căn cho biết nấm mốc ở lương thực, thực phẩm như lạc, ngô, gạo, mì rất nguy hiểm vì nấm mốc này sản sinh ra độc tố aflatoxin đây là một yếu tố gây ung thư gan. 

Theo bác sĩ Căn, một loạt các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư gan nguyên phát tăng ở những vùng có tỷ lệ phơi nhiễm cao với aflatoxin, nhưng cơ chế tác động của aflatoxin gây ung thư gan ở người như thế nào vẫn chưa ngã ngũ nhưng người ta đã tìm thấy sự gắn kết của aflatoxin B1 với ADN của tế bào gan ở những bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát. 

Phức hợp này còn được tìm thấy trong máu ngoại vi, trong máu rau thai và máu dây rốn của các sản phụ có phơi nhiễm với aflatoxin B1. Chỉ cần hấp thụ một tổng lượng 2,5mg aflatoxin trong 3 tháng có thể dẫn đến ung thư gan chết người.

Bác sĩ Căn cho biết khi thực phẩm bị nấm mốc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao vẫn rất nguy hiểm vì nấm aflatoxin là một độc tố khá bền vững nên khi chúng ta rửa sạch và cho vào nồi đun sôi thông thường không có tác dụng đối với độc tố. Để ngừa các độc tố từ nấm người dân không nên ăn các thực phẩm đã nấm mốc, đặc biệt các loại lương thực.

Mặt khác, bác sĩ cũng cảnh báo nhiều loại nước chấm đóng chai ở nước ta cũng có thể chứa độc tố này vì nguyên liệu sản xuất đầu vào đã bị nấm mà họ không để ý đến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ph.Thúy (Infonet)
Ung thu gan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN