Bộ Y tế yêu cầu cách ly người bị đau mắt đỏ

Để tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ tại cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành cách ly bệnh nhân đau mắt đỏ.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hiện nay tại Hà Nội và một số địa phương đang xuất hiện nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ do virus. Bệnh có nguy cơ gia tăng, lan rộng tại các trường học, nhà trẻ mẫu giáo.

Trước tình hình phức tạp của dịch, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu sở  tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành cùng các bệnh viện cách ly, ngăn lây lan bệnh đau mắt đỏ.

Bộ Y tế yêu cầu cách ly người bị đau mắt đỏ - 1

Người bị đau mắt đỏ phải được cách ly để tránh lây lan sang cộng đồng

Theo công văn, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phòng chống dịch đau mắt đỏ trong nhà trường.

Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị truyền thông tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh dịch đau mắt đỏ tại gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và cộng đồng...

“Giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn... Thực hiện phân luồng, cách ly bệnh nhân đau mắt đỏ nhằm ngăn chặn lây lan”, công văn nêu rõ.

Bộ Y tế khuyến cáo bảo đảm các điều kiện vệ sinh cho người đến bệnh viện như nước rửa tay, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh...

Theo Cục  Y tế Dự phòng, Bộ  Y tế, dấu hiệu đau mắt đỏ là toàn thân sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai. Thông thường khi bị viêm kết mạc -họng -hạch thì virus có thể tấn công cùng lúc ở cả mắt, họng và làm nổi hạch.

Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, chảy nước ở mắt, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng lại đau và nổi hạch. Đồng thời vành mi trên, đặc biệt là mi dưới xuất hiện nhiều hột to mọc thành dãy, xuất hiện nhanh và thoái hoá phát triển nhanh trong vòng 6 ngày không để lại sẹo.

Đôi khi bệnh này còn tấn công làm ảnh hưởng đến đường tiết niệu gây tiểu rắt, buốt. Khác với đau mắt đỏ thông thường, bệnh này thường lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp như ho, hắt hơi vì vậy người bệnh cũng cần phải đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác.

Thường bệnh đau mắt đỏ chỉ diễn ra từ 5-7 ngày, nhưng sau một thời gian nếu không  điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt để khám và có cách điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh đau mắt đỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN