BN bị chuột cắn: Tiêm ngừa uốn ván rồi vẫn bị sốt?

Hai đêm liên tiếp bị chuột cắn vào ngón chân cái, bệnh nhân đã đến tiêm ngừa VAT (uốn ván) 2 mũi liên tiếp trong 2 tháng 9 và 10 ở Viện Pasteur TPHCM nhưng đến đầu tháng 11, bệnh nhân bị sốt cao phải nhập viện điều trị.

Bệnh nhân N.V.P (16 tuổi, đường Trần Văn Đang, phường 9, quận 3, TPHCM), con bệnh nhân N.V.T. bị chuột cắn nhiễm Hantavirus (đã nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM điều trị hôm 17/10 và xuất viện hôm cuối tháng 10) hiện đang điều trị tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Phú Nhuận cho biết, đêm hai cha con em nằm ngủ trên lầu thì bị chuột bò vào cắn chân. Đêm đầu tiên thì chuột cắn vào ngón chân cái của cả hai cha con, đêm hôm sau nó tiếp tục bò vào cắn tiếp ngón chân cái của em.

BN bị chuột cắn: Tiêm ngừa uốn ván rồi vẫn bị sốt? - 1

Bệnh nhân N.V.P đang điều trị tại Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Phú Nhuận TPHCM.

Chị Phạm Thị L. (mẹ P.) cho biết, hôm bị chuột cắn đã đưa P. đến Viện Pasteur TPHCM để chích ngừa VAT (uốn ván), còn bố P. thì thấy khỏe và lớn tuổi nên không đi tiêm ngừa.

Ngày 7/11, BS Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Bệnh viện Phú Nhuận TPHCM cho biết: “Hôm qua Viện Pastuer TPHCM và Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM xuống bệnh viện gặp bệnh nhân để lấy máu về xét nghiệm vì ba của bệnh nhân N.V.P. bị nhiễm Hantavirus. Hiện bệnh nhân chưa có biểu hiện bất thường gì ngoài chuyện sốt cao liên tục của bệnh sốt siêu vi. Các BS đang theo dõi sát bệnh nhân và truyền dịch cho bệnh nhân”.

ThS.BS Võ Minh Quang, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM khuyến cáo, khi bệnh nhân bị chuột cắn nên đi tiêm ngừa. Nhưng tốt nhất, người dân phải giữ vệ sinh nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, ngủ màn,… để chuột không thể tiếp cận cắn người. Riêng Hantavirus thì chưa có vắc-xin để phòng ngừa và không có thuốc đặc trị, chỉ áp dụng phương pháp điều trị phụ trợ (supportive treament).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Hương (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN