Bệnh viện tư: "Chúng tôi bị phân biệt đối xử!"

Bệnh viện công thì thuận tiện từ đầu đến chân, còn tư thì khó khăn từ chân đến đầu.

Bệnh viện tư: "Chúng tôi bị phân biệt đối xử!" - 1

Một số BV tư nhân đầu tư nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhưng bệnh nhân vẫn quay lưng. Ảnh: TÙNG SƠN

“Đối với khám chữa bệnh, bệnh viện (BV) tư chỉ cần xảy ra một rủi ro thì bị mất uy tín nhiều năm. Ngoài ra, còn gặp khó khăn cả trong thông tư, chính sách y tế…”. Đó là một trong nhiều ý kiến của những người đang làm công tác y tế tư nhân nói lên những khó khăn mà họ gặp phải hiện nay tại hội nghị khám, chữa bệnh BHYT hệ thống y tế tư nhân khu vực phía Nam do Hiệp hội BV tư nhân tổ chức tại TP.HCM ngày 14-3.

Những đòn trí mạng

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam, cho rằng hệ thống y tế tư nhân chia sẻ gánh nặng với BV công trong điều kiện quá tải, đất nước khó khăn trong việc chi cho hệ thống y tế xây dựng, mua sắm trang thiết bị… Qua 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực y tế rất mạo hiểm này. Chủ trương xã hội hóa 1-2 năm đầu rất tốt nhưng dần dà tiếng nói hệ thống y tế tư nhân mất luôn. Chính sách ra đời thường chủ yếu tác động cho BV công, mà liên quan đến BV tư thì có những văn bản tìm cách ngăn chặn, như “lá chắn thép” kìm hãm. Cách đây năm năm, nhiều BV đứng trước bờ vực thẳm, có những bệnh viện “chết lâm sàng”, nếu sống được thì sống vật vã.

“BV công nói chống quá tải nhưng có chống được đâu bởi vì họ muốn quá tải, họ tìm mọi cách để quá tải thêm nên muôn đời cũng không chống nổi, 3-4-5 người/giường bệnh” - BS Vũ Thị Tư Hằng, Giám đốc BV Đa khoa Bình Dân (Đà Nẵng), nói đó là nghịch cảnh đang diễn ra.

“BV tư 20 năm ra đời, thành lập được 170 BV, 30.000 phòng khám tư và nhiều dịch vụ khác nhưng sống thoi thóp non một nửa, già một nửa thì sống trung bình - bệnh nhân nội trú 60%, nhiều nhất 80% giường bệnh. Họ đầu tư rất nhiều, có khi cả ngàn tỉ đồng mà không thu được hiệu quả. Vì sao? Nguyên nhân thứ nhất là cơ chế chính sách. Thứ hai là nhân sự BV tư hoàn toàn lép vế. Thứ ba giá phải thu đủ, thu đúng thì mới tồn tại, nếu thu bằng giá Nhà nước thì 1-2 tháng BV phải dẹp tiệm”.

BS Hằng nói: Nhà nước quan tâm nhiều nhưng chưa đủ, đúng. Thí dụ năm 2015 Nhà nước ban hành chính sách BV hạng 2 không được thanh toán BHYT trái tuyến ngoại trú là đòn giáng thứ nhất lên BV tư nhân. Chúng tôi đang có 300-500 bệnh nhân khám/ngày thì giờ còn một nửa. Quy định vậy chúng tôi chết hết. Đòn thứ hai vào 2016 BV tư nhân hạng 2 không được thông tuyến, còn BV công hạng 2 thì được. BV nhà nước quá tải thông tuyến càng quá tải, trong khi BV tư ngồi chơi xơi nước.

“Khi xảy ra chính sách chế độ gì thì phải thăm dò ý kiến các BV tư để tham gia chứ một quy định đưa ra một năm sau thay đổi thì chúng tôi chết hết rồi. BV tư hạng 2 đến 2020 mới được thông tuyến thì chúng tôi có chờ nổi hay đã chết hết. Do đó cần có chế độ chính sách phù hợp” - BS Hằng kiến nghị.

Muốn tham gia BHYT phải qua "cò"!

Ông Đệ bày tỏ: “Trước đây BV tư nhân vẫn khám cho người nghèo bình thường nhưng khi có chính sách khám 15.000 đồng/người thì Bộ lại ra thông tư chuyển sang cho hệ thống nhà nước. Chúng tôi đấu tranh thì được”.

“Thông tư 37 về điều chỉnh giá viện phí đến khi ban hành chúng tôi mới biết liền kiến nghị ngay Chính phủ nên mới cho hệ thống y tế tư nhân thực hiện từ ngày 1-3. Nếu kéo dài ra thì có những BV mất hàng tỉ đồng, đã khổ còn khổ thêm” - ông Đệ nói.

BS CKI Nguyễn Thị Quang Hiền, Giám đốc BV Đa khoa Viết Thắng (Huế), cho rằng có việc phân bổ BHYT không hợp lý vì BV bà được phân bổ 25.000 thẻ BHYT nhưng chỉ có 13.000 người được đăng ký vì… người bán nói BV này hết thẻ rồi! Điều này cho thấy người bán thẻ BHYT không có tình cảm với BV tư nhân.

Ông Phạm Thế Đồng, Chủ tịch HĐQT BV Sài Gòn ITO, cho biết năm 2007 BV này có tham gia BHYT một lần, sau một năm rút ra. Sau đó năm 2010, ông hỏi nhân viên tham gia BHYT thế nào để đăng ký hợp đồng với BHXH. Nhân viên nói phải qua “cò”. Ông nói rất khó chịu vì làm việc này phải qua “cò” nữa thì không làm.

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhìn nhận hiện nay thẻ BHYT đang có vấn đề, có nhóm lợi ích. Thực tế thấy nhóm người già sử dụng thẻ BHYT nhiều nhất, sau đó đến nhóm người có bệnh mới mua; học sinh sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp ít sử dụng. Nếu không hữu hảo thì giao cho thẻ BHYT học sinh sinh viên, còn hữu hảo thì giao cho người già, về hưu.

Nói gì nói BV tư nhân vẫn phải thu hút bệnh nhân để tồn tại. Theo BS Nguyễn Thị Quang Hiền, Thông tư 37 là cơ hội cho các BV tư nhân. Do vậy, nếu BV tư nhân còn phụ thu thì bệnh nhân sẽ không đến. BS Hiền cho biết BV bà không phụ thu nên số lượng bệnh vượt gần 200%, mặc dù BV bà đăng ký chỉ tiêu 69 giường bệnh nhưng hiện tại bệnh nhân lúc nào cũng 150 giường. Có khoảng 50% bệnh nhân vượt tuyến đến với BV này. “Phải gắn lợi ích của bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ đến” - BS Hiền nói.

Hiện hệ thống y tế nhà nước cạnh tranh với y tế tư nhân, đặc biệt ở đô thị. Đáng lý ra ở đô thị Nhà nước phải rút lui, tiền Nhà nước để dành đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, cho y tế dự phòng. Y tế công và tư đều là khách hàng của BHYT thì không có lý do gì xem trọng bên này, xem nhẹ bên kia. mọi BV trên lãnh thổ Việt Nam đều là tải sản của nhân dân.

Ông NGUYỄN ĐÌNH KHƯƠNG, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Tính (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN