Bệnh nhi tử vong đột ngột tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ nói gì?

Quá đau buồn trước cái chết của con mình, gia đình cháu Trần Ngọc M. (9 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) đã kéo đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong.

Tử vong do tắc mạch phổi

Chiều 31/3, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhi nhập viện hôm 13/3 với chẩn đoán hội chứng thận hư thứ phát trên nền bệnh nhân bị viêm mao mạch dị ứng.

Trước đó, bệnh nhi đã điều trị ở Bệnh viện Nhi rồi về  khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Theo PGS Dũng thì do bệnh nhi mắc hội chứng thận hư thứ phát, kèm theo viêm mao mạch dị ứng nên trong quá trình điều trị, bệnh không hiệu quả với thuốc. Vì thế sau khi kiểm tra lại các bác sĩ đã chẩn đoán trẻ mắc hội chứng thận hư kháng thuốc.

Bệnh nhi tử vong đột ngột tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ nói gì? - 1

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi trả lời phóng viên chiều 31/3

"Trong quá trình điều trị, do bệnh nhi kháng thuốc nên buộc chúng tôi phải thay đổi phác đồ mới, trong đó sử dụng một loại thuốc truyền tĩnh mạch liều cao. Bệnh nhi đã được truyền trong 2 đợt, 3 ngày 1 tuần. Sau khi truyền, có một đợt tình trạng bệnh thuyên giảm nhưng sau đó lại tái phát. Tuy nhiên, các bác sĩ buộc phải duy trì phác đồ này vì đó là phương pháp tối ưu nhất.

Nếu không có tình huống xấu xảy ra vào đêm 16/3 và  gia đình vẫn cho cháu chữa trị tại khoa thì chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng phác đồ này thêm 3- 5 năm năm nữa” – PGS. Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trước 3 ngày bệnh nhi mất bắt đầu có biểu hiện đau xung quanh bụng. Theo PGS Dũng thì về nguyên tắc, bệnh nhân thận hư đau bụng bao giờ cũng phải nghĩ đến những nguyên nhân nguy hiểm như viêm phúc mạc (tiên phát – do biến chứng của bệnh), thứ phát (do ruột thừa)- đây là những biến chứng gây tử vong. Đội ngũ y bác sĩ của khoa đã thường xuyên theo dõi để phát hiện 2 biến chứng này.

“Chúng tôi đã làm siêu âm, chụp phim bụng, CT bụng cũng không phát hiện viêm  phúc mạc, cũng không phát hiện viêm ruột thừa. Khám lâm sàng bệnh nhân không sốt, bụng không cổ trướng. Loại trừ dần các nguyên nhân, từ đau bụng do rối loạn tiêu hóa, chúng tôi tiếp tục  vừa theo dõi thêm những nguyên nhân khác vừa chữa” – PGS Dũng cho biết thêm.

Tuy nhiên, đến tối 15/3, bỗng nhiên bệnh nhi xuất hiện cơn đau ngực, khó thở, ho ra máu. “Bệnh nhi suy hô hấp rất nhanh. Chúng tôi đã khẩn trương đặt nội khí quản, cho bệnh nhi thở máy, dùng thuốc trợ tim và chụp  X- Quang. Tuy nhiên, kết quả chụp phổi cho thấy cả phổi phải mờ gần hết cho dù trước đó không xảy ra tình trạng này. Dù chúng tôi đã cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó, khoảng 5 – 6h vào rạng sáng ngày 16/3” – PGS Dũng nói.

Ngay sau sự việc xảy ra, PGS Dũng cho biết cũng đã họp kiểm thảo, phân tích nguyên nhân và kết luận bệnh nhi tử vong do tắc mạch phổi.

Đã làm đúng quy trình

Mặc dù gia đình có nhiều thắc mắc, nhưng PGS. TS Dũng cho biết ông đã thay mặt khoa trả lời từng câu hỏi một. Với ý kiến cho rằng, bệnh nhi tử vong là do tắc trách, PGS Dũng khẳng định không có chuyện đó. Bởi, mặc dù bệnh nhi nhập viện vào những ngày cuối tuần nhưng cả hai ngày đó, các kíp trực vẫn tiến hành theo dõi sát sao, vẫn chụp phim, siêu âm như những ngày thường. Thậm chí, qua báo cáo của các kip trực thì tại thời điểm khám không có biến chứng, chưa có diễn biến nặng.

Giải thích thêm vì sao trẻ lại tử vong nhanh như vậy, PGS Dũng cho rằng: Tắc mạch phổi, bệnh nhân suy hô hấp rất nhanh chóng biểu hiện có thể đau ngực, nhưng cũng có bệnh nhân không đau ngực, chỉ xỉu, choáng ngay lập tức. 

Có thể mạch, huyết áp tụt, tim nhanh lên và suy hô hấp. Nguyên nhân là do máu không lên được phổi, không được trao đổi khí. Khi chụp phim thấy phổi mờ đi rất nhanh. Tắc mạch phổi có thể gặp ở bất cứ trên nền bệnh nhân nào nhưng xuất hiện trên nền bệnh nhân từng bị thận hư là khó nhất. Bởi là tác nhân gây tử vong nhanh chóng.

“Các nguyên nhân tắc mạch ở bệnh nhân hội chứng thận hư là nguy hiểm nhất. Hầu hết các biện pháp điều trị tích cực vẫn không cứu được người bệnh. Nếu người bệnh bị tắc ở mạch ở não, phổi và mạch vành theo y văn sẽ dẫn đến tử vong. Thỉnh thoảng chúng tôi có gặp những ca tắc mạch phổi. Trong những ca chữa hội chứng thận hư thì đây là ca đầu tiên có biến chứng tắc mạch phổi” - PGS Dũng nói thêm.

Dù không cứu được cháu, nhưng các bác sĩ của khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai rất chia sẻ và cảm thông với hoàn cảnh gia đình bệnh nhi. “Không cứu được các cháu, chúng tôi cũng buồn, nhưng sau khi xem xét toàn bộ quá trình điều trị, chúng tôi đã làm đúng chuyên môn. Song chúng tôi cũng rất hiểu tâm trạng của gia đình bệnh nhi. Vì thế, cánh cửa phòng tôi luôn mở để giải thích cho gia đình bất cứ lúc nào” – PGS Dũng khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Châu Anh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN