93 tuổi vẫn phóng xe, bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo

Ở cái tuổi gần “bách niên giai lão” nhưng hàng ngày ông Phạm Thọ Tầng vẫn phóng xe máy đi lấy thuốc hay đón bệnh nhân ở các tỉnh xa về chữa bệnh. Hàng chục năm qua, ông miệt mài chế biến thuốc, bỏ tiền xây phòng trọ và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

“Ông tiên” của bệnh nhân nghèo

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp ông Phạm Thọ Tầng (93 tuổi), đang trú tại tổ dân phố số 2, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là dáng người quắc thước, giọng nói trầm ấm và đặc biệt là rất minh mẫn. Hàng chục năm qua, phòng khám bệnh của ông ngay cạnh UBND phường Xuân Khanh đã quá quen thuộc với hàng nghìn bệnh nhân nghèo từ khắp nơi đến để được ông chữa bệnh miễn phí. Còn với người dân nơi đây, họ đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ ngày nào cũng phóng xe máy đi lấy thuốc hay đi đón bệnh nhân ở các tỉnh xa về.

93 tuổi vẫn phóng xe, bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo - 1
 
Ông Phạm Thọ Tầng bên những tấm giấy chứng nhận hộ nghèo mà bệnh nhân gửi đến để được chữa và bốc thuốc miễn phí. Ảnh: Lê Nhung

Trong căn phòng khám bệnh khá khang trang, chúng tôi chứng kiến ông bắt mạch cho bệnh nhân, từ tốn kê đơn với những loại thuốc đựng trong chiếc tủ gỗ được bố trí từng ô rất ngăn nắp. Lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại của vị lương y già liên tục đổ chuông. Ông bảo, gần như ngày nào cũng vậy, cuộc gọi từ khắp nơi nhờ ông tư vấn chữa bệnh, đặt bốc thuốc, gửi thuốc… nên rất bận rộn. Suốt 25 năm qua, bất kể thời tiết lạnh giá, hay nắng nóng, ông vẫn đi khắp nơi để lấy thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông cho rằng, đó không phải công việc làm giàu mà là tâm huyết và niềm say mê của chính bản thân mình.

Ông Phạm Thọ Tầng vốn là chiến sỹ quân y của Sư đoàn 312, vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội vừa cầm súng chiến đấu nên không ít lần bị địch bắt tù đày. Trở về sau Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ông công tác tại Viện Điều dưỡng của Bộ NN&PTNT. Chính tại đây, ông đã học được hai bài thuốc quý chữa bệnh đại tràng và dạ dày.

Sau một thời gian dài giữ vị trí Viện trưởng Viện Điều dưỡng, năm 1989, ông Tầng về hưu. Thời gian rảnh rỗi cộng với vốn kiến thức về y học, ông Tầng đã tận dụng mảnh đất vườn của gia đình để trồng cây thuốc Nam và mở một phòng khám bệnh tại nhà riêng với tâm niệm sẽ giúp đỡ cho những người nghèo được chữa bệnh miễn phí. Đồng thời, ông Tầng tình nguyện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ đầu tiên của phường, một công việc mà khi đó không ai muốn nhận vì đời sống còn quá khó khăn.

Ông Phạm Thọ Tầng nhớ lại: “Ngày về hưu, tôi thấy hụt hẫng, không biết phải làm gì để cuộc sống bớt nhàm chán. Tôi thấy làng trên, xóm dưới nhiều người phải chịu những cơn đau dạ dày, đại tràng hành hạ mà không có tiền chữa bệnh. Người nghèo, họ đã khổ lắm rồi, giờ thêm căn bệnh đeo bám không biết họ còn khổ sở tới mức nào. Sẵn có nghề trong tay, tôi quyết tâm mở phòng khám bốc thuốc miễn phí cho người nghèo, người kém may mắn”.

“Nếu đến chữa trị ở đây, tôi chỉ yêu cầu họ có cái giấy xác nhận hộ nghèo của chính quyền địa phương là tôi sẽ khám và cấp thuốc miễn phí. Đối với những người ở xa quá không có điều kiện đến, chỉ cần gửi giấy chứng nhận hộ nghèo và kết quả khám bệnh kèm theo địa chỉ, tôi sẽ gửi thuốc miễn phí đến tận nhà”, ông Tầng cho biết thêm về việc làm thiện nguyện của mình.

Trò chuyện với những bệnh nhân đang ở trọ tại đây để được điều trị miễn phí, cũng như nhiều người dân ở phường Xuân Khanh, họ không ngại ngần khi gọi ông là “ông tiên” của những bệnh nhân nghèo.

Luôn hướng tới cái thiện

Với 25 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, những tờ giấy chứng nhận người nghèo hoặc gia đình chính sách ngày càng dày lên trong ngăn tủ của ông Phạm Thọ Tầng. Qua tập giấy xác nhận hộ nghèo, mới biết những bệnh nhân của ông đến từ khắp nơi, từ trong phường, đến Hà Nội rồi các tỉnh xa như Lào Cai, Bắc Giang, Yên Bái...

Ngoài phòng khám, ông Phạm Thọ Tầng còn dành khu đất rộng 5.000m2 của gia đình để trồng các loại cây thuốc Nam và xây dựng khu nhà trọ miễn phí cho bệnh nhân. Dẫn chúng tôi thăm vườn cây thuốc Nam đã vài chục năm tuổi, ông Tầng kể về tác dụng của từng loại cây thuốc quý. Từ những loại cây ấy, ông tự nghiên cứu các loại thuốc đặc trị để chữa khỏi bệnh cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân.

Chỉ vào dãy nhà trọ cấp 4 mới được xây cách đây 5 năm, ông Tầng cho biết: “Dãy nhà này dành cho những bệnh nhân nghèo phải điều trị dài ngày. Số tiền xây nhà cho bệnh nhân nghèo, tôi trích ra từ lương hưu, tiền do con cháu ủng hộ và tiền ủng hộ của những bệnh nhân được đã được tôi chữa khỏi”.

Anh Bùi Anh Mai (50 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị bệnh cột sống nhiều năm không đi lại được, gia đình nghèo không có tiền chạy chữa. Ông Tầng không những chữa trị khỏi cho anh Mai mà còn miễn phí toàn bộ số tiền thuốc 2 triệu đồng. Vợ bệnh nhân, chị Trần Thị Hà rưng rưng xúc động: “Cả gia đình chúng tôi mang ơn ông Tầng nhiều lắm. Ngày từ quê ra đây chữa bệnh, ông đã không lấy một đồng xu nào tiền thuốc, khi tôi về quê, mỗi tháng ông còn gửi và trả cước phí vận tải thuốc đến tận nhà. Chúng tôi luôn xem ông như ông tiên vậy”.

Không dừng ở việc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, ông Phạm Thọ Tầng còn luôn đi đầu trong công tác thiện nguyện và khuyến học của địa phương. Các thế hệ cán bộ phường Xuân Khanh gọi ông là “Ngài khuyến học”. Bởi ông Tầng là người đầu tiên đặt nền móng cho Hội khuyến học của phường và là người hoạt động hăng say nhất.

Giá trị sâu sắc mà vị lương y già âm thầm, tận hiến cho cuộc đời trong hàng chục năm qua luôn được nhân dân và các cấp ghi nhận. Nhiều năm liền, ông được UBND TP Hà Nội, Thị xã Sơn Tây vinh danh “Người tốt, việc tốt tiêu biểu”. Tháng 10/2014, tên ông Phạm Thọ Tầng được xướng lên trong Chương trình Vinh danh trí thức tiêu biểu “Vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Đằng sau sự “đam mê” như ông nói thì điều mà ông luôn cảm thấy hạnh phúc nhất là những người dân quê nghèo khó gửi biếu ông đôi vịt, đôi gà, có khi là mấy cân khoai lang, mấy bắp ngô để cảm ơn. Nhưng với những món quà có giá trị vật chất không nhiều đó lại khiến ông vô cùng cảm động. Ông bảo, tình cảm mộc mạc mà chân thành ấy chính lại là động lực để ông càng tin tưởng, cố gắng hơn cho công việc mình đang làm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Nhung (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN