8 tháng, cả nước có hơn 70 người mắc viêm não mô cầu

Trong mấy năm qua, bệnh viêm não mô cầu khá hiếm gặp. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cả nước lại có 72 trường hợp mắc, trong đó 3 người tử vong.

Ngày 7.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong tháng 8, cả nước đã ghi nhận 18 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, tăng 10 trường hợp so với tháng trước đó (tháng 7).

Như vậy, từ đầu năm đến nay, đã có 72 trường hợp mắc viêm não mô cầu, 3 người tử vong. So với 8 tháng đầu năm 2014, số ca mắc tăng 75,6%.

8 tháng, cả nước có hơn 70 người mắc viêm não mô cầu - 1

Bệnh nhân mắc não mô cầu điều trị tại bệnh viện

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây nên. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A,B,C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất.

Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu là ở người. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu. Đặc biệt, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ. Ở lứa tuổi này cũng có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

PGS.TS.Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong mấy năm qua, bệnh não mô cầu khá hiếm gặp do bệnh này chỉ phát hiện một vài ổ dịch nhỏ rải rác và đều được khống chế nhờ phát hiện sớm, xử lý tốt ổ dịch. Tuy nhiên, trong năm nay, số ca mắc lại tăng. Trong khi đó bệnh viêm não mô cầu đã xuất hiện sẽ nguy hiểm hơn cúm.

“Người mắc viêm não mô cầu chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong khi nhiễm não mô cầu từ 50-70% theo tùy từng thể bệnh”, ông Kính cho hay.

Cục Y tế Dự phòng cho biết, bệnh viêm não mô cầu xuất hiện đột ngột với triệu chứng: sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; Chủ động tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho trẻ.

Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN