10 sai lầm phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm khi nấu ăn

10 sai lầm trong nhà bếp dường như bà nội trợ nào cũng mắc phải dưới đây, có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí là gây ngộ độc thực phẩm và nguy hiểm đến tính mạng.

10 sai lầm phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm khi nấu ăn - 1

Các bà nội trợ thường quan tâm đến việc chế biến thức ăn thế nào cho ngon và nhiều dinh dưỡng mà quên đi việc xử lý thực phẩm sao cho an toàn đối với sức khỏe. Có một số sai lầm khi nấu ăn khá phổ biến có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng không phải ai cũng biết.

Hãy bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm bằng việc tránh mắc phải 10 lỗi phổ biến trong nhà bếp sau.

1. Nếm thức ăn xem còn sử dụng được hay không

Không bao giờ được nếm thức ăn của bạn để kiểm tra xem nó đã bị hỏng hay chưa. Bạn không thể nếm, nhìn thấy hoặc ngửi được mùi của các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Và dù nếm chỉ một chút thức ăn bị ôi thiu cũng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Vì vậy cần bỏ tất cả các thực phẩm hết hạn sử dụng trước khi vi khuẩn có hại phát triển.

2. Để đồ ăn đã nấu chín lẫn với thịt sống

Sử dụng chung dao, thớt để thái thịt sống và chín có thể dẫn đến việc gây ô nhiễm chéo. Mầm bệnh hay các vi khuẩn từ thịt sống dễ dàng lây lan sang thực phẩm đã được nấu chín và gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy hãy luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ dao, thớt sau khi thái thịt, gia cầm, hải sản sống rồi mới được sử dụng cho đồ chín. Cách tốt nhất nên sử dụng các dụng cụ này riêng rẽ.

3. Rã đông thực phẩm bằng bồn rửa hoặc nước nóng

Không bao giờ rã đông thực phẩm bằng cách để trong bồn rửa và hoặc ngâm trong nước nóng. Mầm bệnh có hại sẽ sinh sôi nhanh chóng khi các loại thực phẩm này nằm trong vùng nhiệt độ từ 4°C đến 60°C. Thay vào đó, hãy rã đông thực phẩm trong ngăn mát tủ lạnh, nước lạnh hoặc trong lò vi sóng.

4. Rửa thịt sống trong bồn rửa

Không bao giờ rửa thịt sống, gia cầm trong bồn rửa vì nước có thể dễ dàng mang theo vi khuẩn lây lan ra bồn rửa và bề mặt bếp của bạn. Nên rửa chúng trong dụng cụ riêng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn chéo. Chỉ nên rửa trái cây tươi và rau quả trong bồn rửa.

5. Để thực phẩm ở ngoài tủ lạnh quá lâu

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, không nên để thực phẩm đã được bảo quản trong tủ lạnh ra ngoài nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ và không quá 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài khoảng 32°C. Bởi vì vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển nhanh chóng trong điều kiện nhiệt độ từ 4°C đến 60°C.

Sau khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh, hãy chế biến ngay hoặc nếu đi dã ngoại, bạn có thể đóng gói các loại thực phẩm dễ hỏng trong dụng cụ cách nhiệt tốt.

6. Ăn các loại thực phẩm có trứng chưa nấu chín

Không nên ăn trứng sống bởi vì chúng có thể chứa vi khuẩn Salmonella hoặc vi khuẩn có hại khác. Thay vào đó, trứng phải được nấu chín và tránh ăn các loại thực phẩm có chứa trứng sống.

7. Sử dụng nước xốt thịt sống vào thức ăn chín

Không được sử dụng xốt dùng cho thịt sống vào thức ăn chín. Nếu bạn sử dụng nước xốt thịt sống vào thức ăn chín, các vi khuẩn có hại trong thực phẩm sống có thể lan sang các thực phẩm nấu chín. Luôn ướp nguyên liệu thịt, hải sản, gia cầm trong tủ lạnh và chỉ tái sử dụng nước xốt nếu bạn nấu lại trước khi sử dụng.

8. Ăn thịt tái, gia cầm, hải sản, trứng chưa nấu chín

Thực phẩm chỉ an toàn sau khi nó được đun nóng đến nhiệt độ đủ cao để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Đừng dựa vào thị giác, mùi hoặc hương vị để khẳng định đồ ăn đã chín hay chưa.

9. Không rửa tay sạch sẽ trước khi nấu ăn

Vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại ở nhiều nơi, kể cả trên bàn tay của bạn. Vì thế, rửa tay sạch sẽ trước khi nấu ăn có thể ngăn chặn sự lây lan của các vi khuẩn gây bệnh. Bạn nên rửa tay ít nhất 20 giây với xà phòng và nước ấm trước khi nấu ăn.

10. Không vệ sinh sạch sẽ miếng rửa bát hay các dụng cụ vệ sinh nhà bếp

Miếng bọt biển rửa bát, miếng sắt cọ nồi là một trong những dụng cụ bẩn nhất trong gian bếp nhà bạn. Sau mỗi lần sử dụng nếu không vệ sinh sạch sẽ chúng trước lần dùng tiếp theo, bạn đã vô tình truyền thêm vi khuẩn gây bệnh vào thực phẩm.

Hãy vệ sinh miếng rửa bát sạch sẽ mỗi ngày. Sau một hoặc hai tuần sử dụng, bạn nên thay một miếng rửa bát mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Linh Trang (Theo Eatright) ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN