Xem phim có văn hóa: Tưởng không khó mà khó không tưởng

Rất nhiều câu chuyện đáng tiếc đã xảy ra chỉ vì khán giả luôn nghĩ rằng "một mình mình làm thì không ảnh hưởng tới ai".

Câu chuyện bộ phim Cô Ba Sài Gòn bị quay clip livestream ngay những ngày đầu công chiếu đã trở thành đề tài được bàn tán nhiều nhất trên mạng xã hội. Phần lớn cư dân mạng và các nhà làm phim tỏ ra bức xúc với hành động này. Không ít người khác còn bức xúc về thái độ khi đi xem phim nói riêng và xem biểu diễn nghệ thuật nói chung của khán giả Việt. 

"Tôi trả tiền, tôi thích làm gì thì làm"

Có một sự thật cay đắng là không ít người vẫn mang suy nghĩ này khi đi xem chiếu phim hay bất kể loại hình nghệ thuật nào khác. Tất nhiên, chiếu phim là một loại hình dịch vụ, mà dịch vụ thì phải chiều khách, nhưng không có nghĩa là khách bỏ ra một số tiền mua vé rồi muốn làm gì thì làm, bất kể việc đó có ảnh hưởng tới những người xung quanh hay không. 

Đi xem phim, chắc chắn không khó gì để bạn có thể bắt gặp những nhóm bạn đi xem cùng nhau rất đông, cười nói với nhau như chỗ không người, hay những cặp đôi đưa nhau vào rạp để nũng nịu, để âu yếm, và thậm chí là những "thánh lồng tiếng", nhân vật nói một câu thì người đó bình luận một câu. Bên cạnh đó còn là những người hồn nhiên để chuông điện thoại hay thậm chí nói chuyện điện thoại trong phòng chiếu khi tất cả mọi người cùng im lặng xem phim, và muôn vàn câu chuyện khác có thể xảy ra trong một phòng chiếu. 

Xem phim có văn hóa: Tưởng không khó mà khó không tưởng - 1

Sự việc phim Cô Ba Sài Gòn bị livestream là sự kiện được quan tâm nhất những ngày qua

Một số người sau khi bị nhắc thì sẽ dừng việc làm ảnh hưởng tới người khác lại, nhưng cũng chẳng ít những người, khi bị nhân viên hoặc người khác nói tới thì sẽ sừng sộ, lôi lý lẽ rằng "tôi bỏ tiền" ra để nạt ngược lại. Dù rằng đó chỉ là một số ít trong số hàng triệu người mỗi ngày đến rạp chiếu phim, vẫn mong rằng những người đã bỏ một số tiền ra để bước vào rạp cũng hãy hiểu rằng: Số tiền của họ bỏ ra không đáng gì so với số tiền làm cả bộ phim cũng như số tiền chi trả cho một suất chiếu phim, và rằng nhiều người khác trong cùng không gian đó, họ bỏ số tiền tương tự, vậy chẳng phải họ cũng nên nhận được dịch vụ tốt chứ không phải là bị làm phiền bởi người khác sao?

Khi ai cũng nghĩ rằng việc mình làm chỉ là việc nhỏ

Vậy thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi việc lớn xảy ra? Câu chuyện livestream phim Việt những ngày qua là một minh chứng điển hình. Nam thanh niên thực hiện hành động này cũng đã biện minh rằng việc mình làm chỉ là để cho những người ở xa không xem được phim có cơ hội xem, và việc này "có hại gì đâu". Và nếu như sự việc này không bị phát hiện cũng như không được xử lý tới nơi tới chốn, hẳn vẫn không ít người bàng quan cho rằng: Việc đó chẳng hại gì. 

Đó là chuyện lớn, tương tự như vậy với những việc nhỏ hơn nhưng tác hại cũng không hề kém cạnh. Người viết từng có dịp dự một sự kiện họp báo phim mà ở đó, các khách mời đều phải tắt điện thoại và cho vào một túi được nhân viên niêm phong nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Chuyện sẽ rất đơn giản nếu như các khách mời đều làm đúng như được hướng dẫn. Ấy thế nhưng vẫn có một số người cố tình không niêm phong thiết bị của mình, tới nỗi bị phát hiện và bị nhân viên mời ra ngoài, thậm chí chụp ảnh lại làm bằng chứng. Trong những trường hợp như thế, việc làm đúng quy định là không quá khó, nhưng chỉ vì một sự thiếu ý thức hoặc suy nghĩ "có hại gì đâu", họ đã gây ảnh hưởng tới không biết bao nhiêu người khác. 

Xem phim có văn hóa: Tưởng không khó mà khó không tưởng - 2

Em chưa 18 cũng từng gặp tai bay vạ gió khi bị livestream cách đây không lâu

Dùng điện thoại ồn ào, nói chuyện rôm rả trong lúc xem phim hay bất kể hành động nào của khán giả gây ảnh hưởng tới người khác, nhẹ thì bị nhắc nhở, nghiêm trọng thì bị mời ra khỏi phòng chiếu, dù ở mức độ nào, người gây ra vẫn sẽ bị đánh giá bởi những người xung quanh. Và bản thân những người đó, khi họ không tập trung thì cũng chẳng thể nào đón nhận được bộ phim một cách trọn vẹn. Vậy thì tại sao chúng ta lại không cố gắng để "làm đúng quy định", không chỉ vì những người xung quanh mà còn vì chính họ? 

Với những người làm phim: "Của thì phải đau, con thì phải xót"

Từ sự việc livestream được quan tâm những ngày qua, không ít nhà làm phim đã lên tiếng bày tỏ ý kiến của mình, tất cả đều mong rằng những người cố tình làm việc này sẽ bị luật pháp xử lý nghiêm minh. Bản thân nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng rất cứng rắn trong khi làm việc với cơ quan Công an. Trước việc này, thậm chí có người còn cho rằng các nhà làm phim đang "chuyện bé xé ra to", cố tình mượn cớ PR. 

Nhưng xin thưa, chuyện đơn giản là khi phim bị tung ra tràn làn trên mạng, khán giả không ra rạp nữa, doanh thu sụt giảm thậm chí là thua lỗ, ai sẽ là người chịu? Thua lỗ ở đây không chỉ là việc kinh phí của phim bỏ ra bao nhiêu, đó còn là công sức của rất rất nhiều người cũng như tâm huyết của đạo diễn, của ê-kíp. Chính vì thế, các nhà làm phim có quyền yêu cầu rằng phim của họ phải được chiếu trong điều kiện tốt, được khán giả trân trọng, chứ không phải là hàng triệu người cùng xem trên những màn hình điện thoại di động chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay. 

Xem phim có văn hóa: Tưởng không khó mà khó không tưởng - 3

Ngô Thanh Vân làm việc tại cơ quan Công an, khẳng định rằng sẽ xử lý đến nơi đến chốn vụ việc này

Không dừng lại ở việc xem phim mà ở nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhiều nghệ sĩ cũng đau đầu vì ý thức của những người đi xem. Dẫn trẻ em chưa đủ tuổi đi xem, la ó, làm ồn trong quá trình biểu diễn, thậm chí ném đồ vật lên sân khấu vốn là chuyện không hiếm gặp ở nhiều sân khấu. Vậy nhưng đã từng có lần, nghệ sĩ hài Trường Giang lại bị coi là thiếu tôn trọng khi bỏ diễn sau khi bị ném chai nước lên sân khấu. Hóa ra, chỉ những người có tên tuổi mới bị gọi tên, còn khán giả đông quá nên không ai trách được? 

Câu chuyện đi xem phim, đi thưởng thức nghệ thuật làm sao cho "có văn hóa" thực ra không hề là điều gì quá to tát. Các nhà rạp cũng thường xuyên đổi mới cách thức nhắc nhở người xem bằng các đoạn video vui nhộn về quy định trong phòng chiếu, khiến khán giả dễ nhớ hơn. Tuy  nhiên, điều quan trọng bậc nhất vẫn là ý thức từ bản thân khán giả, tâm thế của họ khi đến với một tác phẩm nghệ thuật. Khi khán giả đặt mình ở vị trí một người may mắn được thưởng thức nghệ thuật thay vì trả tiền để mua chỗ ngồi xem, có lẽ những chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra. 

Thanh niên livestream ”Cô Ba Sài Gòn” năn nỉ xin lỗi, Vân Ngô làm việc với công an

Sau khi thừa nhận mọi hành vi quay lén phim “Cô Ba Sài Gòn“ phát tán lên mạng, nam thanh niên 19 tuổi liên tục gửi lời xin lỗi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyệt Anh ([Tên nguồn])
Sao và scandal hậu trường đình đám Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN