Phim tài liệu “Chuyện tử tế”: “Quả bom” đến từ Việt Nam

30 năm đã qua, sự hấp dẫn, tính thời sự của bộ phim này không hề suy giảm.

“Phim tài liệu không có phi ngựa, bắn súng, không có... cởi quần, cởi áo, không có yêu đương gì cả nhưng người ta vẫn ngồi xem nếu nó phản ánh hiện thực và có sự hấp dẫn nhất định”. Đó là những chia sẻ của đạo diễn Trần Văn Thủy tại buổi tọa đàm kỷ niệm 30 năm bộ phim “Chuyện tử tế”.

“Con làm phim, bố mẹ đau đầu…”

Sáng 11.10, trời Hà Nội mưa tầm tã và se lạnh, nhưng điều đó không làm giảm đi không khí đầm ấm, hội tụ tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nhân kỷ niệm 30 năm sản xuất bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy. Có nhiều khán giả không nhớ đây là lần thứ mấy họ đã xem đi xem lại “Chuyện tử tế”. Họ vẫn thích, vẫn say mê và chăm chú lắng nghe những lời bình đầy chiêm nghiệm, sâu sắc.

Phim tài liệu “Chuyện tử tế”:  “Quả bom” đến từ Việt Nam - 1

 Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy chia sẻ trong buổi tọa đàm 30 năm phim tài liệu “Chuyện tử tế” tổ chức ở Hà Nội.  Ảnh:   Mỵ Lương

Ông Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh Triết bày tỏ: “Chuyện tử tế” luôn luôn có mặt trong thế đối lập giữa tử tế và không tử tế, hay là sự tử tế và sự khốn nạn. Vì thế, phim “Chuyện tử tế” chẳng bao giờ nguội và việc công chiếu bộ phim trong xã hội hiện nay cần được mở rộng hơn bởi dường như những cái xấu, cái không tử tế xuất hiện lây lan đang ngày càng nhiều”.

Trải lòng về quá trình hoàn thiện những thước phim đầy chiêm nghiệm, sống động trong bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” - được coi là tập hai của bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”, đạo diễn Trần Văn Thủy nhớ lại câu chuyện với người mẹ đã quá cố: “Mẹ tôi từng khóc bảo tôi, con ơi, thằng Phúc (tức là em rể tôi) nó đi làm phim về vui như tết, nào trứng gà, trứng vịt. Còn con đi làm phim, bố mẹ thấy đau đầu quá, nhiều chuyện cập rập như đi buôn vàng giả, mẹ không ngủ được và cũng không sung sướng gì khi con làm những bộ phim như “Chuyện tử tế” đâu...”.

Bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” được sản xuất năm 1985. Tuy nhiên, đến năm 1987 phim mới được công chiếu. Lý do: Đạo diễn Trần Văn Thủy - “cha đẻ” của “Chuyện tử tế” lúc ấy đang trong tình thế lận đận, gian nan vì sự phản ánh chân thực của bộ phim tài liệu trước đó có tên “Hà Nội trong mắt ai” khiến dư luận xôn xao, báo chí tốn không ít giấy mực bàn luận.

“Tôi thấy, các anh chị nghệ sĩ vẽ tranh, làm thơ, làm văn sung sướng và cũng không khốn khổ bằng người làm phim chúng tôi. Bởi họ được tự do, không bị gò bó và gay gắt quá như trong quá trình kiểm duyệt phim lúc bấy giờ. Bình thường, để làm một bộ phim là điều cực kỳ gian nan. “Chuyện tử tế” được thực hiện trong hoàn cảnh éo le, khi tôi bị công an theo dõi. Hoàn cảnh đó làm sao có đầu óc thoáng đãng, thoải mái, lãng mạn để nảy ra những ý tưởng thực hiện. Nhưng tôi vẫn làm bằng tất cả sự chân thành, tâm huyết, viết lời bình từ những điều tận đáy gan ruột và cố gắng đặt những vấn đề của dân tộc, của đất nước lên trên bản thân mình” - đạo diễn Trần Văn Thủy cho biết.

Cần hơn nữa sự tử tế

" Bộ phim đã động chạm đến vấn đề nhân loại, thuộc tính của con người, cho thấy đã là chuyện tử tế sẽ không biên giới, không có tuổi, không có giới tính, càng không có giai cấp. Người nghệ sĩ có thiên chức phát hiện vấn đề, còn để vấn đề đừng xấu hơn cần phụ thuộc vào trách nhiệm người cầm quyền, người lãnh đạo”. 
Nhà báo Đào Lê Bình 

Cho đến nay, phim tài liệu “Chuyện tử tế” đã được công chiếu nhiều lần tại nhiều rạp trên thế giới. 30 năm đã qua, sự hấp dẫn, tính thời sự của bộ phim này không hề suy giảm. Năm 1988, “Chuyện tử tế” đã được trao giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức), đồng thời được mệnh danh: “Quả bom” đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig".

Đây được coi là bộ phim được bán ra nước ngoài nhiều nhất. Đạo diễn nổi tiếng người Mỹ John Gianvito đã tiến cử bộ phim này là 1 trong 10 bộ phim tài liệu hay nhất mọi thời đại. Tính đến nay, điện ảnh tài liệu Việt Nam hiếm có bộ phim nào được sự đánh giá cao của công chúng trong và ngoài nước như “Chuyện tử tế”.

Nhà báo Đào Lê Bình – nguyên Tổng Biên tập báo An ninh Thủ đô nhận định: “Bộ phim đã động chạm đến vấn đề nhân loại, thuộc tính của con người, cho thấy đã là chuyện tử tế sẽ không biên giới, không có tuổi, không có giới tính, càng không có giai cấp. Người nghệ sĩ có thiên chức phát hiện vấn đề, còn để vấn đề đừng xấu hơn cần phụ thuộc vào trách nhiệm người cầm quyền, người lãnh đạo”.

Nhìn nhận từ thực tế  đời sống hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề xoay quanh sự ứng xử giữa người với người, giữa con người với xã hội, đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự: “Có một thực trạng buồn đang tồn tại là sự “không tử tế” ngày càng nhiều. 30 năm trước, thời điểm tôi làm bộ phim, cảm giác mọi chuyện cũng không đến nỗi tồi tệ như hiện nay. Xã hội của chúng ta đang lao vào kiếm tiền. Người người kiếm tiền, nhà nhà kiếm tiền và kiếm bằng đủ mọi cách. Đây là một bi kịch cực kỳ lớn trong xã hội hiện nay. Hạnh phúc của con người không phải nhà, xe và tiền, mà hạnh phúc đích thực là quan hệ tử tế giữa người với người” – đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mỵ Lương ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN