Cuộc sống đời thực ít biết của gã giang hồ Lương Bổng "Người phán xử"

Sau nhiều năm làm nghề, NSƯT Trung Anh có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ kém 10 tuổi.

NSƯT Trung Anh là gương mặt “trứ danh” của sân khấu, của phim truyền hình. Năm 2015, ông vào vai ông Minh trong Hôn nhân trong ngõ hẹp và nhận được những phản hồi rất tích cực.

Thời gian gần đây, nam Nghệ sĩ ưu tú trở lại với truyền hình bằng vai giang hồ Lương “Bổng” – thân tín của ông trùm Phan Quân trong bộ phim Người phán xử.

Bộ phim có thể coi là bước ngoặt của NSƯT Trung Anh khi trước đây ông chủ yếu gắn bó với những vai khắc khổ hoặc  người đàn ông nhu nhược, sợ vợ trong cuộc sống gia đình.

Nam nghệ sĩ ưu tú có những chia sẻ về vai diễn Lương “Bổng”, cuộc sống gia đình với người vợ kém 10 tuổi xinh đẹp và câu chuyện danh hiệu của một người yêu nghề sâu sắc.

Cuộc sống đời thực ít biết của gã giang hồ Lương Bổng "Người phán xử" - 1

NSƯT đang được chú ý với vai Lương "Bổng" trong "Người phán xử".

Vai Lương “Bổng” tốn của tôi nhiều tâm sức

- Cơ duyên nào đưa ông đến với vai Lương “Bổng” trong Người phán xử?

Lương “Bổng” là một vai “trái chất” của tôi, phải khẳng định là như vậy. Khi đọc kịch bản phim, tôi đã rất thích nhưng cũng đặt luôn ra câu hỏi là tại sao họ lại mời mình vào một vai như vậy nhỉ?

Câu hỏi đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều và tự trả lời bằng cách khi vào vai phải thể hiện thật tốt nhân vật Lương “Bổng”. Tôi phải làm thế nào để thuyết phục khán giả rằng tôi đóng vai Lương “Bổng” giống như những gì kịch bản phác thảo. Không thể để cho khán giả vẫn nghĩ tôi là một ông già chuyên đóng vai sợ vợ như ngày xưa được (cười lớn).

- Vai Lương “Bổng” khiến ông gặp những khó khăn gì, nhất là là khi ông chưa từng thể hiện những nhân vật đầu gấu, giang hồ?

Đúng là vai Lương “Bổng” tốn của tôi rất nhiều tâm sức, thời gian. Thực ra, mỗi cảnh trong phim đều phải quay đi, quay lại rất nhiều đúp. Thậm chí, có cảnh tôi phải quay đến 7 đúp. Các đạo diễn của phim đều có yêu cầu rất cao và làm rất kĩ nên sự vất vả là không tránh khỏi.

Tôi phải cố gắng trong từng động tác, từng ánh mắt để thể hiện nhân vật như tôi suy nghĩ. Mà đấy cũng chỉ là cố gắng của mình thôi chứ còn kết quả như thế nào thì quả thật là khi lên sóng truyền hình, tôi mới biết được thông qua phản ứng của khán giả.

Một cảnh hậu trường trong "Người phán xử".

- Trong phim có cảnh nào khiến anh bị thương hay gặp sự cố nghiêm trọng?

Tôi không sợ những cảnh cháy nổ hay hành động trong phim vì diễn viên là người hiểu rõ nhất những cảnh đó như thế nào.

Tôi ví dụ như trong cảnh chặt ngón tay trong tập đầu. Tôi cũng không được đọc kịch bản gốc nhưng rõ ràng là nó đã giảm thiểu rất nhiều so với nguyên bản và tôi thấy bình thường. Có thể phim Việt Nam chưa bao giờ có những cảnh như thế nên mọi người thấy bất ngờ chăng?

Nhìn chung, tôi thấy những cảnh nóng, bạo lực trong Người phán xử đã là vừa phải, thậm chí ở nhiều cảnh, còn phải tăng lên để phù hợp hơn. Nói gì thì nói, những cảnh đó vẫn là những yếu tố tạo nên hấp dẫn, sự giải trí cho bộ phim.

Cuộc sống đời thực ít biết của gã giang hồ Lương Bổng "Người phán xử" - 2

Gã giang hồ... hiền lành.

- Trước vai Lương “Bổng” ông thường gắn liền với những vai diễn khắc khổ hay những ông già sợ vợ. Có bao giờ ông tự hỏi bản thân là tại sao các đạo diễn lại hay mời mình vào những vai như vậy?

Có lẽ bởi tôi sở hữu một gương mặt toát lên vẻ khắc khổ ? Ngay từ khi còn nhỏ, mọi người đã đặt biệt danh cho tôi là ông già bởi trên khuôn mặt tôi có nhiều nếp nhăn. Khi chụp hình, lên hình kể cả chụp chứng minh thư, cái nét khắc khổ ấy càng hiện rõ.

Ngay từ khi bắt đầu diễn, tôi đã đảm nhận những vai như vậy và gặt hái được sự thành công nhất định. Các vị đạo diễn luôn thường tìm những chất liệu có sẵn, có lẽ vì vậy mà họ luôn tin tưởng và giao cho tôi những vai diễn kiểu như vậy.

Vợ không bao giờ kêu ca về kinh tế

- Cuộc sống gia đình ông hiện tại như thế nào, vợ ông có bao giờ phiền lòng khi chồng đam mê diễn xuất trong khi thu nhập cũng không quá dư giả?

Tôi lấy vợ muộn. Năm 1997, tôi mới kết hôn, khi đó tôi đã 37 tuổi, còn vợ tôi kém tôi 10 tuổi. Vợ tôi làm nghề kế toán cho một chi nhánh của bưu chính viễn thông. Cô ấy hiểu và chăm lo gia đình chu đáo và cũng là một fan hâm của tôi.

Tôi nhớ khi gặp nhau, có lần cô ấy đưa cho tôi xem cả những bức hình, những bài báo về tôi đã đăng. Tôi rất ngạc nhiên và bất ngờ. Hóa ra, cô ấy giữ lại cả những bài báo viết về tôi. Vợ tôi biết tôi yêu và nặng lòng với sân khấu đến mức nào. Cô ấy hiểu điều đó và thông cảm cho tôi.

- Ông có hai con, đều chưa trưởng thành. Có áp lực nào từ phía vợ với ông về việc kiếm tiền để trang trải cho gia đình không?

Vợ tôi xem rất nhiều những phim tôi đóng. Cô ấy không bao giờ kêu ca về kinh tế. Cô ấy lặng lẽ gánh vác công việc gia đình. Từ việc đưa con đi học, đón con về cũng một mình cô ấy đảm nhận. Chúng tôi có 2 cháu. Việc chăm lo con cái, đúng là đôi khi tôi hơi lơ là. Mọi việc, vẫn một mình vợ tôi lo, để tôi có thời gian đi đóng phim, hay tập vở kịch mới.

Quả thực, tôi may mắn khi có được người vợ hết lòng vì chồng con, vì gia đình. Hay nói cách khác, sở dĩ tôi theo được nghệ thuật đến hôm nay, là vì đã có được một hậu phương vững chắc. Con cái ngoan ngoãn, học giỏi tôi phải gửi lời cảm ơn tới cô ấy.

Cuộc sống đời thực ít biết của gã giang hồ Lương Bổng "Người phán xử" - 3

NSƯT Trung Anh và người vợ kém ông 10 tuổi.

Với tôi, danh hiệu chỉ là cái sĩ diện

- Nhiều năm qua ông còn đóng kịch sân khấu nữa không, nhất là trong tình hình các nhà hát đều ảm đạm như hiện nay?

Có chứ. Tôi xuất thân là một diễn viên sân khấu và tôi cũng rất yêu sân khấu. Điện ảnh như tôi thường hay nói đó chỉ là tay trái thôi còn tâm huyết và tình yêu tôi vẫn dành cho sân khấu.

Nhưng đúng là sân khấu miền Bắc hiện tại heo hút và ảm đạm. Nghệ sĩ chúng tôi cũng rất buồn về thực trạng này.

Chúng tôi vẫn diễn nhưng không phải diễn bán vé và kéo khán giả đến mà hiện tại đi diễn chủ yếu là do hợp đồng của bên tổ chức biểu diễn.

Về điều này rất nhiều nghệ sĩ, nhà phê bình và cả các lãnh đạo cũng đã đưa ra quan điểm. Mỗi người có ý kiến khác nhau nhưng tôi thấy có những điểm chung như sau.

Thứ nhất, ngày xưa, sân khấu là một trong hai lựa chọn của khán giả để giải trí nhưng bây giờ khi các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội phát triển mỗi người có nhiều sự lựa chọn và tiếp cận thông tin cho mình.

Một phần nữa có lẽ mọi người đang tập trung làm ăn kinh tế nhiều hơn nên thời gian cuối tuần để đến một sân khấu xem kịch có thể trở nên xa xỉ với nhiều người.

Chính những điều đó đã làm cho sân khấu kịch cứ ngày một lụi dần, lụi dần. Trong tương lai tôi hy vọng khi tình hình kinh tế đât nước phát triển hơn, khán giả sẽ quay lại với các sân khấu kịch.

Cuộc sống đời thực ít biết của gã giang hồ Lương Bổng "Người phán xử" - 4

NSƯT Trung Anh và diễn viên Chu Hùng, Danh Thái trong "Người phán xử".

- Có phải vì sự ảm đạm của sân khấu kịch mà các nghệ sĩ thường chọn đóng phim làm nghề tay trái để có thêm thu nhập, ông là một ví dụ ?

Tôi quan niệm làm phim cũng là làm nghề. Nếu như sân khấu có phát triển, tôi tin vẫn nhiều nghệ sĩ sân khấu đi làm phim vì đó cũng là điều tốt để phát triển nghề nghiệp của mình.

- Là môt nghệ sĩ được khán giả yêu thích nhưng với ông, có vẻ những giải thưởng đến hơi muộn ?

Năm 2016, lần đầu tiên tôi nhận được một giải thưởng trong liên hoan phim Việt Nam, đó thực sự là một điều đáng mừng với bản thân tôi.

Nhưng những nghệ sĩ như tôi khi xác định làm nghề là để thỏa lòng đam mê thôi, mình diễn là diễn thôi chứ giải thưởng không phải là mục tiêu chính để chúng tôi cống hiến.

- Nhiều nghệ sĩ ngoài Bắc rất quan tâm đến các danh hiệu, danh xưng. Ông đã đạt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và có đặt mục tiêu để có thể có những danh hiệu cao hơn?

Tôi đã đạt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú lâu rồi, và về phần tiêu chí xét danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, bản thân tôi cũng đã đầy đủ. Nhưng gần đây tôi mới nhận ra là tôi không muốn làm vì tôi cảm nhận có nhiều điều bất cập ở trong đó. Với tôi danh hiệu đó chỉ là cái sĩ diện.

- Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Khánh ([Tên nguồn])
Người phán xử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN