Chánh Tín ngộ nhận về giá trị bản thân

Sự kiện: Chánh Tín

TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học) nói về việc hàng loạt thần tượng bị sụp đổ trong thời gian qua liên quan đến các lùm xùm tiền bạc.

Bán hình ảnh lấy tiền 

Thời gian qua, nghệ sĩ Chánh Tín bỗng nhiên “kêu cứu” với việc căn nhà hơn 10 tỷ đồng của ông có thể sẽ bị ngân hàng siết nợ. Và những người hâm mộ ông đã góp hàng trăm triệu đồng để giúp thần tượng của mình. Ông nhận xét thế nào về cách giúp đỡ này?

Cộng đồng xã hội, nhất là những người trẻ đã suy tôn họ nhiều khi lại thần thánh theo kiểu tôn vinh vô lối. Họ không nhận thức được chân giá trị, thành thử sự chia sẻ giúp đỡ thần tượng lại dựa trên cơ sở của sự hiếu kỳ, tò mò và luyến tiếc thời vàng son của thần tượng. 

Trường hợp của ông Chánh Tín hiện giờ cũng chỉ là năm ăn năm thua, vì không thật rõ ràng. Tuy nhiên, với cách hành xử, cách phát biểu của ông Chánh Tín thì có thể thấy ông ấy đã bị tha hóa ít nhiều. Chẳng hạn ông ấy phàn nàn về việc băng ghi âm về ông ấy bị cắt, khiến ông ấy bị bất lợi. Nhưng thật ra, đó chỉ là sự chống chế thôi. Cung cách của ông ấy rõ ràng là có chuyện.

Chánh Tín ngộ nhận về giá trị bản thân - 1

TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội

Trong bối cảnh chung khi nhiều người còn khổ, còn thiếu thốn cái ăn, cái mặc, ông ấy lại hô hào giúp đỡ ông ấy hàng chục tỷ. Chuyện thật vô lối và ông ấy cũng đang ngộ nhận về giá trị của mình. Cái gì đã đi vào lịch sử thì lịch sử sẽ không quên, cộng đồng sẽ không quên nhưng cái đó không thể hoán vị ra tiền bạc để mua bán, đổi chác được.

Có ý kiến cho rằng người hâm mộ đã thần tượng sai khi đồng hóa nhân vật trong phim, ca sĩ trên sân khấu với con người thật ngoài đời. Đó là lý do dẫn đến sự sụp đổ các thần tượng như: Nguyễn Chánh Tín, Siu Black, Đan Trường…?

Những nghệ sĩ, những nhân vật của làng giải trí trong những hoàn cảnh, không gian nghệ thuật nhất định đã làm tốt, thậm chí xuất sắc vai trò của mình. Nhưng nếu họ đồng nhất giá trị đạt được tới một hoặc một vài lần thành giá trị quán xuyến và lúc nào cũng nghĩ mình ở tầm mức đó, vị thế đó và đòi hỏi cộng đồng phải đối xử với mình như những gì mình xứng đáng được hưởng trong nghệ thuật thì không được.

Ở đây giống như chuyện giá trị thật và giá trị ảo trong game online. Tức là các bạn say sưa, các bạn chơi trong game online, các bạn không rút mình ra khỏi cuộc chơi và dẫn đến sự ngộ nhận. Nhiều nghệ sĩ đã ngộ nhận. Đan Trường, Siu Black nợ nần cờ bạc cũng mong mọi người cứu rỗi… Không những thế, họ còn muốn cứu rỗi để được trở về với lầu son, gác tía, mức sống cao chứ không phải là cứu giúp để thoát khỏi sa xuống bùn.

Thế nếu như Chánh Tín là người ông thần tượng, ông có ủng hộ như nhiều người đang làm không?

Thực ra đây là trò cố đấm ăn xôi, nếu như mức độ đòi hỏi để giúp được trở lại 13 tỷ bằng những lời đó thì cũng đừng có hy vọng là thiên hạ người ta đổ tiền đổ của cho mình. Những người giúp đỡ là mang ơn hoặc là thích đánh bóng tên tuổi... Đặc điểm của làng showbiz là hay “chém gió”, hợp được tên tuổi, ghi được công việc thế là oách chứ còn thực tâm để đưa người ta thoát khỏi bể trầm luân đấy thì là một câu chuyện khác. 

Thần tượng ở Việt Nam sớm bằng lòng với mình

Chánh Tín ngộ nhận về giá trị bản thân - 2

NS Chánh Tín khiến nhiều người thất vọng vì dính vào vụ lùm xùm "ăn mày dĩ vãng"

Là thần tượng của nhiều người, theo ông, họ có trách nhiệm và ứng xử như thế nào với người hâm mộ?

Câu chuyện ở đây là hai bên phải xứng đáng lẫn nhau. Thần tượng phải có công chúng thì mới hình thành được thần tượng, một ngôi sao phải được chiêm ngưỡng thì mới được gọi là ngôi sao. Muốn được công chúng tôn thờ, thần tượng phải tiếp tục lao động nghệ thuật, mang lại giá trị cho công chúng để người ta tiếp tục chiêm ngưỡng, tiếp tục khám phá và nắm bắt ra vẻ đẹp của anh. Khi dừng lại và không phát sáng thì đó là trì trệ rồi, người ta sẽ nhìn nhận anh như một giá trị lịch sử. Tuy nhiên khi bị tha hoá, biến chất, anh trở thành người khác, vật gì khác thì điều đó là không thể chấp nhận được. 

Theo ông, khán giả nên thần tượng một cách sáng suốt, có văn hóa không?

Đây nó cũng giống như câu chuyện là người tiêu dùng thông minh. Tức là khi người tiêu dùng thông thái, người ta sẽ không bị lừa mị. Công chúng, một đám đông phấn khích có thể sẽ mất tỉnh táo, nhưng một đám đông có thời gian để suy ngẫm thì người ta sẽ không bị lừa dối đâu.

Ông nhận xét gì về các nghệ sĩ ở Việt Nam?

Nghệ sĩ ở Việt Nam thường sớm bằng lòng với mình. Do đó, chuyện tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn hình ảnh không được chỉn chu cho lắm. Thường sau khi có “vốn” rồi thì có những cái về sau ít được nâng niu, gìn giữ. Chúng ta nhìn hình tượng David Beckham, một ngôi sao thể thao của Anh, mặc dù chưa đạt những danh vị là quả bóng vàng châu Âu, thế giới nhưng mọi động thái của anh ta rất chỉn chu. Còn các nhân vật làm nghệ thuật ở mình thì khá dễ dãi.

Theo ông đó có phải là lý do các nghệ sĩ Việt không thể vươn ra tầm quốc tế không?

Vươn ra tầm quốc tế thì phụ thuộc vào sân chơi chung. Thật ra chúng ta thiếu nhiều tiêu chí nhưng dẫu sao đó cũng là điểm chúng ta đang thiếu hụt, đặc biệt các ngôi sao Việt Nam không đạt tới tầm mang tính chất giá trị nhân loại. Làm sao phải giản dị, cuộc đời, lành mạnh, trong sáng bên cạnh tài năng.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lý Phạm (Giao Thông Vận Tải)
Chánh Tín Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN