Việt Nam đợi gì ở Rio 2016?

Thứ Sáu, ngày 05/08/2016 07:51 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Được cử đến 23 VĐV tham dự Thế vận hội Rio 2016, thể thao Việt Nam (TTVN) đã tiến một bước rất dài trên hành trình hòa nhập cùng thế giới. Sẽ thành công hơn nếu các tuyển thủ đem về cho đất nước những tấm huy chương dù cơ hội không phải rộng mở cho tất cả.

Sau một kỳ SEA Games rất thành công, nhất là với những môn trong hệ thống Olympic tại Singapore cách đây một năm, TTVN quyết dồn hết nội lực vào nhiệm vụ giành huy chương Thế vận hội (khai mạc hôm nay, 5-8, tại Brazil) và chỉ còn vài ngày nữa sẽ có câu trả lời cho mục tiêu rất thiết thực này.

Việt Nam đợi gì ở Rio 2016? - 1

Thạch Kim Tuấn có nhiều cơ hội tranh chấp huy chương

Là điểm sáng hiếm hoi có hy vọng bước lên bục chiến thắng tại Rio 2016, lực sĩ Thạch Kim Tuấn càng khiến người hâm mộ đặc biệt quan tâm khi anh giành được HCĐ tại Giải Vô địch cử tạ thế giới cuối năm 2015 trong bối cảnh chưa hoàn toàn bình phục sau chấn thương. Thành tích mà chàng trai TP HCM này mang về xuyên suốt các cuộc tranh tài từ khu vực, châu lục đến thế giới càng nung nấu thêm khát vọng thành công của anh tại đấu trường Olympic. Chỉ tiếc là trên hành trình đó, anh phải nghỉ mất một thời gian do bị giãn dây chằng cột sống. Cả ngành thể thao gần như phải cùng vào cuộc “chạy đua” cùng với Tuấn nhưng vẫn phải chấp nhận một chế độ chăm sóc tương đối… bình thường cũng như trông chờ vào khả năng tự hồi phục của anh là chính.

Đó là lý do để những ngày qua, TTVN lại tiếp tục “sốt” với Thạch Kim Tuấn vì anh tái phát chấn thương sau khi đến Rio. Dù các quan chức thể thao hết lời cam đoan chấn thương của Tuấn không có gì nghiêm trọng, nỗi lo vẫn rất lớn bởi cùng thời gian này, các đối thủ chính của anh như Om Yun-chol (CHDCND Triều Tiên), Wu Jingbiao (Trung Quốc)… vẫn không ngừng “tuyên chiến” ở hạng cân 56 kg nam thông qua thành tích tập luyện ấn tượng. Nếu như tại Giải Vô địch thế giới 2014, Kim Tuấn vuột HCV do nặng hơn Om Yun-chol vài chục gram trọng lượng cơ thể thì lần này, tất cả đều trông chờ vào quyết tâm cực lớn của anh cho một cuộc “vượt vũ môn”.

Dấu ấn của TTVN tại Olympic Rio còn có thể đến từ xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh, người cũng được trông chờ sẽ làm nên kỳ tích sau khi liên tiếp có mặt trong tốp dẫn đầu các cự ly 10 m súng ngắn hơi hay 50 m súng ngắn bắn chậm tại cúp thế giới 2 năm qua. Những bài học đắt giá khi để vuột HCV Á vận hội 2010 hay ít nhất cũng là tấm HCĐ Olympic London 2012 đủ cho tuyển thủ cao tuổi nhất của đoàn TTVN hiểu rõ cần làm gì để vượt qua chính mình, nhất là về tâm lý thi đấu, để vươn tầm ở Olympic.

Xét về thành tích, Nguyễn Thị Ánh Viên được đánh giá cao khi kình ngư 19 tuổi đã đưa người hâm mộ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ánh Viên từng vào đến bán kết cự ly 200 m hỗn hợp tại Giải Vô địch thế giới 2015 và sau đó giành HCĐ Cúp Thế giới ở Moscow. Tuy nhiên, khả năng tranh huy chương lần này khó khả thi với Ánh Viên và hợp lý nhất với cô là tập trung cho mục tiêu vào tranh chung kết, nhiều khả năng sẽ là cự ly thế mạnh 400 m hỗn hợp.

Theo các chuyên gia, Vương Thị Huyền (cử tạ), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), Văn Ngọc Tú (judo) hay các đội đấu kiếm, rowing… khó có cơ hội giành huy chương tại Olympic 2016 trừ khi điều kỳ diệu xảy ra.

Chia sẻ
Theo Đông Linh ([Tên nguồn])
sự kiện Thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN