Khó mua xe rẻ dù thuế nhập khẩu về 0% từ 2018

Sự kiện: Giá xe ô tô

Dù thuế nhập khẩu giảm về 0% từ năm 2018, song tính toán cho thấy người tiêu dùng khó có thể mua được xe rẻ hơn hiện nay.

Khó mua xe rẻ dù thuế nhập khẩu về 0% từ 2018 - 1

Dù xe sản xuất tại khu vực ASEAN vào Việt Nam có cơ hội giảm thuế nhập khẩu về 0%, song nhiều loại thuế, phí khác lại tăng mạnh nên không nhiều lựa chọn mua xe rẻ.

Mặc dù thuế nhập khẩu ô tô sản xuất từ ASEAN sẽ giảm về 0% từ năm 2018, song tính toán cho thấy, mặt bằng giá xe chịu nhiều tác động tăng giá khiến người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn mua xe rẻ hơn.

Giá xe nhập từ ASEAN giảm tối đa 15%

Năm 2018, một trong những chi phí giảm mạnh nhất là thuế nhập khẩu giảm về 0%, dành cho những xe sản xuất tại khu vực ASEAN đạt tiêu chuẩn nội địa hóa (NĐH) liên khối 40% trở lên.

Tuy nhiên, theo tổng giám đốc một doanh nghiệp ô tô, không phải tất cả xe sản xuất trong khu vực đạt tỷ lệ này, mà chỉ rơi vào một số dòng sản phẩm, trong đó chủ yếu ở Thái Lan, ngoài ra có ở Malaysia và rất ít ở Indonesia.

Với xe các thương hiệu của Nhật Bản, Hàn Quốc lắp ráp tại khu vực Đông Nam Á, thuế giảm nhiều nhất ở một số dòng xe bán tải. Nhưng Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xe bán tải lên 60% mức thuế xe con có cùng dung tích. Ví dụ, nếu dòng xe con có dung tích 2.000-3.000CC đang chịu thuế suất TTĐB là 55% thì xe bán tải có cùng dung tích này sẽ chịu 60% của mức thuế 55%, tương ứng khoảng 33% (hiện hành tùy dung tích đang chịu các mức thuế 15, 20 và 25%). Do đó, ngay cả khi thuế nhập khẩu từ 5% giảm về 0%, giá xe bán tải khó giảm giá, thậm chí có thể tăng 10-15%.

Với dòng xe dưới 9 chỗ, một số lắp ráp tại Thái Lan có sản lượng lớn như: Honda Jazz, Toyota Yaris... sẽ giảm giá. Còn các dòng xe không lắp ráp tại đây hoặc có lắp ráp nhưng sản lượng thấp như Honda Accord thì khó giảm hoặc giảm rất ít, do chi phí đóng gói, vận chuyển cao.

Cụ thể, một chuyên gia lĩnh vực công nghiệp ô tô cho biết, thông thường chi phí đóng gói và vận chuyển linh kiện dạng CKD (các doanh nghiệp Thái Lan đều sản xuất lắp ráp dưới hình thức này) cao hơn từ 10-20% so với chi phí đóng gói và vận chuyển một chiếc xe hoàn thiện dạng CBU. Lấy ví dụ, giả sử một chiếc xe BMW nhập thẳng từ Đức về Việt Nam có giá 20.000 USD/chiếc, nhưng nếu tháo chiếc xe đó ra thành CKD nhập về Thái Lan lắp ráp, tổng chi phí sẽ phải là 24.000 USD/chiếc, nếu sản lượng chiếc xe đó không đạt số lượng 15.000 chiếc/năm trở lên. Đó là chưa kể, xe sản xuất tại Thái Lan sẽ phải cõng các chi phí như quản lý, nhân công, lợi nhuận nhà máy và thuế thu nhập doanh nghiệp theo mặt bằng và quy định của nước này... Giá xe các thương hiệu Mercedes, Audi... sản xuất từ khu vực này - đều có sản lượng thấp dưới 15.000 chiếc/mẫu/năm, cũng có diễn biến tương tự.

“Các dòng xe đó, nếu lượng sản xuất không lớn, khi về Việt Nam, chi phí có thể bị đội thêm 30%. Do vậy, ngay cả khi thuế nhập khẩu giảm từ 30% về 0%, thì giá những loại xe đó cũng chỉ có thể giảm 10-15% là tối đa. Ví dụ, nếu giá 600 triệu đồng thì giảm 60-90 triệu đồng/chiếc”, lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xe tính toán.

Mặt bằng giá xe chịu nhiều tác động tăng

Với câu hỏi một số dòng xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm giá có là cú hích kéo lùi mặt bằng giá xe trên thị trường? Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, khả năng đó khó xảy ra, bởi giá xe từ năm 2018 sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố làm tăng giá, như sự thay đổi cách tính thuế TTĐB, phí trước bạ, rủi ro tỷ giá...

Đơn cử như dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu, thuế nhập khẩu không thay đổi, trong khi tỷ giá đồng euro đã tăng giá 15-20% trong vòng 2 tháng gần đây, từ hơn 25.000 đồng lên 27.000 đồng/euro. Xe nhập từ Mỹ hay một số khu vực khác cũng diễn biến tương tự.

Trong khi đó, từ năm 2018, thị trường ô tô sẽ phải đón nhận nhiều chính sách tác động theo hướng giá tăng. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, phí trước bạ đăng ký lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương có thể áp dụng mức thu cao hơn, tối đa 50% mức quy định chung (tức tối đa 15%). Và thực tế hiện nay, Hà Nội đang áp dụng phí trước bạ ô tô mức 12%.

Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho biết thêm, theo dự thảo Nghị định về kinh doanh có điều kiện với sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư lớn hơn về cơ sở bảo hành bảo dưỡng nên chi phí tăng lên và tất cả những chi phí đó đều phải tính thuế TTĐB. Trong khi đó, theo cách tính thuế TTĐB áp dụng từ 1/1/2017, doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế TTĐB 2 lần, tương đương tăng thêm khoảng 6% chi phí quản lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2017, do thị trường xe có xu hướng “cài lùi” nên đa phần các doanh nghiệp không tăng giá, thậm chí còn phải giảm giá để giành giật thị phần. “Sau khi qua thời điểm tâm lý chờ đợi, bước sang năm 2018, các doanh nghiệp sẽ phải cộng phần thuế TTĐB tăng thêm đó vào giá”, ông này nhận định.

Chưa kể, nếu thuế VAT tăng từ 10% lên 12% từ năm 2019 như đề xuất của Bộ Tài chính, giá xe sẽ tăng rất mạnh từ thời điểm này bởi sắc thuế này được tính cuối cùng, sau khi đã cộng tất cả các loại chi phí.

Theo Luật thuế TTĐB, giá mỗi chiếc xe sẽ phải chịu thêm chi phí thải bỏ, phí môi trường. Hiện nay, chi phí này chưa được quy định cụ thể do chờ hướng dẫn thi hành luật, song theo ước tính của một doanh nghiệp, sẽ làm đội chi phí của doanh nghiệp thêm 2-3%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thảo Nguyên ([Tên nguồn])
Giá xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN