TPP: Ngành công nghiệp ô tô nước nào hưởng lợi?

12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận; và đối với các nhà sản xuất ô tô, họ vừa có lợi, vừa có những bất lợi.

Theo thỏa thuận của bốn nước sản xuất ô tô lớn nhất TPP gồm: Nhật Bản, Mỹ, Mexico và Canada, ôtô được miễn thuế nhập khẩu sẽ phải có ít nhất 45% linh kiện sản xuất nội khối TPP. Trong bốn nước thì Mỹ đứng thứ hai thế giới về sản xuất ô tô, Nhật đứng thứ ba, Mexico đứng thứ 8 và Canada đứng thứ 10.

Mất việc

Trước đó, Nhật Bản đề xuất tỷ lệ phụ tùng sản xuất nội khối của ô tô chỉ là 40% hoặc thấp hơn, thì Mỹ lại yêu cầu phải là 55%, còn Mexico và Canada mong muốn 62,5% như quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

TPP: Ngành công nghiệp ô tô nước nào hưởng lợi? - 1

Công nghiệp ô tô Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với TPP.

Trong số các nước, có thể thấy ngay là Canada sẽ không mấy hài lòng với thỏa thuận về tỷ lệ đạt được. Bởi khi đó, ôtô của các hãng sản xuất tại Nhật Bản với các phụ tùng chủ yếu của Thái Lan hay Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế về giá cả hơn so với các hãng của Canada.

Theo ông Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất phụ tùng ôtô của Canada, các nhà sản xuất linh kiện của nước này với 81 nghìn lao động sẽ bị phân chia, một nửa hưởng lợi, một nửa phải chịu bất lợi. Các nhà sản xuất Canada sẽ phải có chiến lược tái bố trí các nhà máy sản xuất linh kiện sang các nước thành viên TPP để có thể hưởng ưu đãi thuế quan.

Thỏa thuận này sẽ mở ra thị trường cho các nhà cung cấp lớn, do họ có nguồn vốn lưu động lớn, dễ dàng tái bố trí các nhà máy sản xuất linh kiện sang các nước thuộc TPP. Còn đối với các nhà cung cấp nhỏ, họ sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh của các công ty đa quốc gia từ các nước thành viên TPP. Điều này có thể khiến ngành công nghiệp ôtô Canada mất 20 nghìn việc làm.

Các hãng xe của Mỹ cũng tỏ ra không mấy hào hứng với thỏa thuận này do lo ngại vấn đề kiểm soát tỷ giá tiền tệ. Trước đây hãng Ford của Mỹ đã nhiều lần đề xuất đưa việc kiểm soát tỷ giá vào điều kiện đàm phán TPP. Theo The Detroit News, sự can thiệp tiền tệ của Chính phủ một số nước, đặc biệt là Nhật Bản, sẽ khiến các hãng xe của Mỹ bất lợi. Trong bối cảnh đồng USD mạnh, ô tô sản xuất ở nước ngoài khi vào thị trường Mỹ sẽ rẻ hơn, còn ô tô của Mỹ khi xuất sang nước ngoài lại có giá cao hơn.

Nhật lợi nhất

Nhật Bản có lẽ sẽ được hưởng lợi hơn cả, bởi những năm gần đây nước này đang chuyển dần sang việc sử dụng các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc. Năm 2013, Công ty Nissan của Nhật Bản sử dụng khoảng 15 - 20% linh kiện ô tô sản xuất từ Trung Quốc và dự kiến sẽ tăng lên 35%. Việc sử dụng linh kiện Trung Quốc có thể làm giảm chi phí sản xuất cho phía Nhật Bản do linh kiện giá rẻ và chất lượng đã được cải thiện khá nhiều trong những năm gần đây. Với các điều khoản của TPP về việc phải có 45% linh kiện nội khối để được hưởng ưu đãi thuế, Nhật Bản có thể tiếp tục sử dụng các linh kiện của Trung Quốc.

Theo Ibtimes, thực tế, các hãng sản xuất Nhật đã có cuộc vận động hành lang để có được tỷ lệ sản xuất nội khối thấp như hiện nay. Hiệp hội Ô tô Nhật đã chi cho những người vận động hành lang hàng triệu USD để đẩy mạnh hợp tác Mỹ - Nhật và ngăn chặn việc áp phân biệt cơ chế phi thị trường. Năm 2013, Toyota rót hơn 1 triệu USD cho các cuộc vận động hành lang nhằm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán với mục đích thúc đẩy hợp tác thương mại ô tô Mỹ - Nhật, cũng như tránh việc áp đặt cơ chế phân biệt thị trường.

Năm 2014, Toyota Bắc Mỹ đã góp 284.500 USD cho các chính đảng và các ứng cử viên liên bang của Mỹ, trong đó 43,6% dành cho đảng Dân chủ và 56,4% dành cho đảng Cộng hòa. Còn từ đầu năm tới nay, Toyota đã chi tới hơn 3 triệu USD cho các cuộc vận động. Trong năm nay, Hiệp hội Sản xuất ô tô Nhật Bản cũng đã chi hàng trăm nghìn USD cho hoạt động này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN