Phạm Đông và 30 năm kể chuyện cho lính

Sau hơn 30 năm gắn bó với chương trình Chuyện kể ở đại đội, cụm từ "các đồng chí ạ" có lẽ đã trở thành thương hiệu riêng của nhà báo, NSƯT Phạm Đông.

30 năm với thương hiệu "Các đồng chí ạ"

Có lẽ với những người làm việc trong quân ngũ, không ai không biết tới giọng đọc của NSƯT Phạm Đông. Trong hơn 30 năm gắn bó với chương trình Chuyện kể ở đại đội, ông đã truyền tải hàng nghìn câu truyện về cuộc sống của những chiến sĩ trẻ.

Sở hữu một chất giọng sáng, chuẩn, có âm sắc riêng biệt, Phạm Đông cùng lúc có thể hóa thân thành rất nhiều nhân vật. Có khi, vừa lúc trước, Phạm Đông là một sĩ quan chỉ huy với giọng nói "hét ra lửa" nhưng ngay sau đó lại thấy ông thỏ thẻ như một cô gái mười tám, đôi mươi giọng đầy e thẹn khi lần đầu được tỏ tình. Vừa thấy ông hóa thân thành một chàng lính trẻ dõng dạc nhận nhiệm vụ, thoắt cái đã lại thấy giọng ông có sự hiền lành, chân chất của một bà mế vùng cao.

Phạm Đông và 30 năm kể chuyện cho lính - 1

NSƯT Phạm Đông đã gắn bó 30 năm với chương trình Chuyện kể ở đại đội

Khi được hỏi bí quyết nào giúp ông có thể biến hóa với nhiều giọng đọc như thế, NSƯT Phạm Đông chia sẻ rằng: "Tôi vốn là một diễn viên kịch được đào tạo bài bản. Khi còn là một anh lính trong Binh chủng Phòng quân Không quân tôi là một cây tấu có tiếng đấy. Rồi sau này, khi là một nhà báo, tôi có cơ hội được đi nhiều, từ miền xuôi cho tới miền ngược, từ núi rừng cho tới hải đảo, tiếp xúc với đủ dạng người, từ những ông tướng, ông tá trong quân đội cho tới những anh lơ xe, những người buôn thúng bán mẹt ngoài đường. Tất cả những cái đó cho tôi vốn sống kinh nghiệm và khả năng biến hóa trong giọng đọc".

NSƯT Phạm Đông đam mê công việc tới mức các đồng nghiệp của ông kể lại rằng vào những năm 80, việc đi lại còn khó khăn, có những hôm trời mưa to gió lớn, cây đổ đầy đường, ai cũng nghĩ rằng ông sẽ không tới. Thế nhưng, chỉ 5 phút trước khi đến giờ thu thì đã thấy ông có mặt, quần áo ướt sũng, da tím tái vì lạnh nhưng miệng vẫn cười tươi, giơ tay lên chào và rõng rạc nói to "Báo cáo, chiến sĩ Phạm Đông có mặt".

Suốt 30 năm gắn bó với chương trình Chuyện kể ở đại đội, NSƯT Phạm Đông cho biết niềm hạnh phúc nhất của ông là được khán giả yêu mến. "Không phải tất cả khán giả đều yêu quý đâu đâu, sẽ có những người nói rằng, ông này đọc chẳng ra gì nhưng có rất nhiều người nhớ tới tôi, gặp tôi họ kêu lên: "A, ông Phạm Đông các đồng chí ạ, hay: A, ông Phạm Đông kể chuyện cảnh giác này" Thế thì còn hạnh phúc nào hơn?".

Chính vì yêu quý giọng đọc của NSƯT Phạm Đông nên mới có chuyện rằng, vào mấy chục năm trước, khi ông đi Tây Đức có việc, ở nhà mọi người không thấy ông xuất hiện trong Chuyện kể ở đại đội nên đồn ầm lên là ông đã vượt biên, ra nước ngoài sinh sống.

Phạm Đông gắn bó với chương trình Chuyện kể ở đại đội ngay trong những ngày đầu lên sóng. Trước đó, ông đã tham gia viết kịch bản, đọc cho chương trình Câu chuyện cảnh giác. Ông kể, được làm việc ở đài phát thanh là ao ước của ông ngay từ khi còn là một cậu bé con. Hồi đó, nhà ông có một cái radio Phillip, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng người nói trong đó là ông thích mê đi, chẳng thiết chơi bời gì, chỉ quanh quẩn quanh cái đài.

Với sự ngây thơ của một đứa trẻ, ông tin rằng nhưng người nói trong đó cũng phải rất đẹp bởi vì giọng họ hay thế cơ mà. Rồi khi ông lên 7, 8 tuổi thì niềm đam mê đó dã khiến ông chỉ vào chiếc đài rồi dõng dạc hứa với cha mẹ rằng: "sau này con sẽ nói vào trong cái hộp này cho cả nhà nghe".

Một nhà báo - nghệ sĩ


Ngoài gắn bó với chương trình Chuyện kể ở đại đội, Câu chuyện cảnh giác, ít ai biết rằng Phạm Đông còn là một nhà báo năng nổ. Ông từng là phóng viên trong thời gian chiến tranh rồi phụ trách mục bình luận bóng đá, trưởng ban văn nghệ của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội.

Đặc biệt hơn, khi còn là Giám đốc Công ty nghe nhìn Hà Nội, Phạm Đông đã viết kịch bản cho hai bộ phim truyền hình. Bản thân ông vừa là nhà sản xuất, vừa là người viết kịch bản và là diễn viên của bộ phim Cao nguyên không yên tĩnh. Ông hiện đang là Ủy viên thường vụ hội hữu ghị Việt Nam - Cu ba.

Ông khoe rằng có lẽ ở Việt Nam tỉnh nào ông cũng bước chân qua. Ông cũng đã đi thăm được khoảng hơn 20 nước trên khắp thế giới. Trong thời gian tới, nếu thu xếp được công việc, ông sẽ còn tranh thủ đi thăm thú nhiều nơi nữa.

Phạm Đông và 30 năm kể chuyện cho lính - 2

NSƯT Phạm Đông còn hoạt động tích cực trong lĩnh vực truyền hình

Khi về hưu, ông được Đài VTC mời vào hội đồng kiểm duyệt các chương trình trước khi phát sóng, rồi làm người dẫn cho chương trình Phong cách đàn ông. Dù đã ở độ tuổi trên lục tuần nhưng không đêm nào ông được ngủ trước 12 giờ do bộn bề với công việc. Sáng ra 5h là ông đã phải dậy, tập thể dục, tắm táp trước khi lái xe tới đài.

Ngoài công việc ở đài VTC, ông còn tham gia dạy các lớp đào tạo MC, viết kịch bản, đạo diễn cho các hoạt động phong trào. "Tôi là một nhà báo nhưng có máu nghệ sĩ lắm. Sức khỏe thì đúng là có hạn nhưng lòng say nghề, yêu nghề khiến mình quên hết mệt mỏi. Có khi đang đêm nghĩ ra ý tưởng gì là bật dậy viết ngay, không để tới sáng mai có khi lại quên mất. Được cái bây giờ tôi ở một mình nên tư tưởng cũng thoải mái. Đêm hôm không có ai quản lý (cười). Tôi đang chuẩn bị viết thêm một kịch bản phim nữa đấy. Tôi rất thích công việc sáng tác" - NSƯT Phạm Đông hào hứng chia sẻ.

Phạm Đông tự nhận là người yêu thích sự chỉn chu. Trước khi đi làm là phải tắm sạch sẽ, quần áo không là trước thì sẽ không mặc và lúc nào cũng phải xịt chút nước hoa lên người. Ông nói vui, ngày xưa khi còn làm ở đài Hà Nội, mọi người cứ vào thang máy là biết tôi đến hay chưa. Không đào hoa, chỉn chu, có lẽ không phải là tôi" - NSƯT Phạm Đông cười.

Vào lúc 0h Thứ 2 ngày 19/11/2012, chúng tôi sẽ gửi tới độc giả cuộc trò chuyện với NSƯT Thu Hiền - người từng khiến hàng triệu khán giả Việt mê phim truyền hình, đặc biệt là phim truyền hình Trung Quốc yêu thích. Bà cũng chính là mẹ của nhạc sỹ Anh Quân và là mẹ chồng của ca sỹ Mỹ Linh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An ([Tên nguồn])
Những giọng đọc sống mãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN