Những giọng đọc "ghim" vào trí nhớ người Việt

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 56Kỳ mới nhất

Giọng nói của họ đã quen thuộc và đi vào ký ức của hàng triệu người Việt Nam, nhưng có lẽ ít ai biết được cuộc sống hoặc thậm chí là gương mặt của họ.

NSƯT Kim Cúc: Người đầu tiên đọc tin chiến thắng

Cùng với những giọng đọc như Việt Khoa, Tuyết Mai, Lan Hương, Việt Hà, Trần Phương,....giọng đọc của NSƯT Kim Cúc đã đi vào tiềm thức của bao nhiêu người Việt Nam.

Vốn là một ca sĩ của Đoàn văn công Hữu Ngạn, nghề phát thanh viên đến với NSƯT Kim Cúc rất bất ngờ. Vào giữa những năm 60, khi đang cùng các nghệ sĩ trong đoàn chuẩn bị tiết mục cho lần đi phục vụ các chiến sĩ đường 9 Nam Lào thì Kim Cúc được gọi đi đọc hộ một tin chiến thắng cho quân đội. Cái tin chỉ dài kéo dài vỏn vẹn trong 1 phút ấy đã đưa bà tới với nghề phát thanh viên mà bà đã gắn bó suốt hơn 40 năm qua.

Những giọng đọc "ghim" vào trí nhớ người Việt - 1

Phát thanh viên  - NSƯT Kim Cúc

Về Đài tiếng nói Việt Nam vào những năm 67, 68 và đến đầu những năm 70, NSƯT Kim Cúc chính thức gắn bó với chương trình Đọc truyện đêm khuya. Trong thời gian làm việc ở Đài, dù bận trăm công nghìn việc nhưng bà vẫn đi học Đại học tại chức, học thêm ngoại ngữ. Có một điều mà ít người biết được rằng, NSƯT Kim Cúc là người đầu tiên đọc bản tin chiến thắng của Quân đội Việt Nam vào trưa ngày 30/4/1975.

Sau 40 năm gắn bó với chương trình Đọc truyện đêm khuya, NSƯT Kim Cúc đã nghỉ hưu. Tuy vậy, một tuần 2 buổi bà vẫn đều đặn lên Đài tiếng nói Việt Nam để làm chiếc cầu nối đưa những câu chuyện đến với thính giả nghe đài. Ngoài ra, bà còn tham gia giảng dạy cho các khóa học về MC tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

NSƯT Kim Cúc chia sẻ rằng, mọi người cứ mong đến tuổi nghỉ hưu để được nghỉ ngơi nhưng có lẽ do bà sinh vào năm con khỉ nên phải nhảy nhót suốt, nếu nghỉ sẽ ốm ngay. Ngoài các công việc dạy thêm về nghề MC, công việc ở đài, tự tay bà còn chăm sóc cả gia đình gồm chồng con và 4 đứa cháu cả nội lẫn ngoại.

Những giọng đọc "ghim" vào trí nhớ người Việt - 2

Dù đã về hưu nhưng NSƯT Kim Cúc vẫn rất bận rộn với công việc của một phát thanh viên

PTV Việt Hùng: Giọng đọc vàng của VOV

Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, Phát thanh viên (PTV) Việt Hùng về công tác tại Xí nghiệp Vận tải Quảng Bình. Trong suốt 3 năm công tác tại đây, những lần được trở về Hà Nội, PTV Việt Hùng thường tới thăm Đài tiếng nói Việt Nam. Lần nào về, ông cũng được yêu cầu thử giọng. Nhiều người ở Đài lúc đó muốn nhận ông vào làm PTV nhưng khi đó ông nghĩ rằng, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người thanh niên trước tiên là phục vụ Tổ quốc.

Mãi đến năm 1973 khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Việt Hùng mới chính thức về công tác và phục vụ ở Đài. Ban đầu, ông được phân công đọc bản tin dự báo thời tiết phát vào lúc 5h sáng. Một thời gian dài như vậy, ông không nản lòng mà coi đó là quãng thời gian để học tập. Rồi ông được phân công đọc những đoạn giới thiệu văn nghệ hay truyện ngắn. Sau đó, ông ghi dấu ấn với giọng đọc truyền cảm qua những mẩu truyện trong chương trình Đọc truyện đêm khuya.

Những giọng đọc "ghim" vào trí nhớ người Việt - 3

Phát thanh viên Việt Hùng vừa mới được phong danh hiệu NSƯT

Sau hơn 50 gắn bó với Đài, NSƯT Việt Hùng đã nghỉ hưu. Tuy vậy, ông vẫn thường xuyên cộng tác với Đài. Ngoài ra, ông còn tham gia cộng tác với các đơn vị như Điện ảnh Quân đội và Điện ảnh Biên phòng. Mới đây ông đã được vinh dự đón nhận danh hiệu NSƯT.

Phạm Đông với thương hiệu “Các đồng chí ạ!” 

Không chỉ những chiến sĩ trong quân đội mà còn rất nhiều thính giả khác của Đài tiếng nói Việt Nam ấn tượng với giọng đọc của PTV Phạm Đông trong chương trình Chuyện kể ở đại đội. Luôn mở đầu bằng câu "Các đồng chí ạ", Phạm Đông đã mang đến hàng nghìn câu chuyện sinh động cho thính giả.

Sở hữu chất giọng sáng, chuẩn, có âm sắc riêng biệt, Phạm Đông cùng một lúc có thể hoá thân vào giọng cô gái tuổi 18, đôi mươi e thẹn khi lần đầu được anh lính tỏ tình; tiếng anh lính trẻ dõng dạc khi nhận nhiệm vụ; tiếng của bà mế vùng cao, của già làng, của của một sĩ quan chỉ huy "hét ra lửa"; hay của một chị chanh chua đanh đá…

Những giọng đọc "ghim" vào trí nhớ người Việt - 4

Phát thanh viên Phạm Đông của Chuyện kể ở đại đội

Nổi tiếng với chương mục Chuyện kể ở Đại đội trên VOV, ít ai biết rằng, Phạm Đông còn làm báo, viết kịch bản phim và đóng phim. Ông cũng tham gia trong các chương trình bình luận bóng đã, thể thao của Đài truyền hình Hà Nội và là cố vấn duyệt chương trình cho đài VTC.

Thuyết minh phim Thu Hiền

Thuyết minh phim Thu Hiền vốn là vợ cũ của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và là mẹ của nhạc sĩ Trương Anh Quân. Vốn là một diễn viên múa nhưng sau khi lập gia đình và sinh con, vì muốn làm một công việc ổn định để có thể chăm sóc chồng con, bà đã chuyển sang đài Truyền hình Việt Nam.

Tại đây, bà là một trong những người đầu tiên đảm nhiệm viên biên tập và thuyết minh. Mặc dù đã thuyết minh hàng trăm bộ phim của những nền điện ảnh khác nhau, nhưng bà gây ấn tượng đặc biệt đối với những bộ phim Trung Quốc. Với giọng điệu khoan thai, chậm rãi và tình cảm, thuyết minh phim Thu Hiền đã đưa những bộ phim tới với hàng triệu khán giả Việt.

Ngoài việc bên tập và thuyết minh, bà còn từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Khai thác bản quyền, phụ trách Phòng Biên tập phim của Đài Truyền hình VN.

Những giọng đọc "ghim" vào trí nhớ người Việt - 5

Thuyết minh phim Thu Hiền và gia đình nhạc sĩ Trương Anh Quân

Hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng thuyết minh phim Thu Hiền vẫn tham gia thuyết minh cho Đài truyền hình Việt Nam và một số đơn vị khác. Bà vẫn rất bận rộn với công việc. Chính vì thế, dù gia đình nhạc sĩ Anh Quân - ca sĩ Mỹ Linh đã ra sức thuyết phục nhưng bà vẫn chưa muốn dọn về ở với các con. Bà muốn ở một mình cho thoải mái và thư thái. Vào những dịp cuối tuần hoặc sau khi hoàn thành việc thuyết minh cho bộ phim nào đó, bà thường xuống thăm gia đình vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân - ca sĩ Mỹ Linh ở Sóc Sơn.

BLV Đình Khải - Người vẽ lại trận cầu bằng ngôn ngữ

Hơn 30 năm gắn bó với nghề bình luận bóng đá trên VOV, ông được người hâm mộ yêu quý gọi bằng cái bằng cái tên "người vẽ lại trận cầu bằng ngôn ngữ".

Những giọng đọc "ghim" vào trí nhớ người Việt - 6

"Người vẽ lại trận cầu bằng ngôn ngữ"

Tốt nghiệp Trung cấp ngành hóa chất nhưng với tình yêu mãnh liệt dành cho trái bóng tròn, ông đã trở thành bình luận viên của Đài tiếng nói Việt Nam.

Từ năm 1979 tới nay, Đình Khải đã bình luận không biết bao nhiêu trận đấu, từ trong nước tới các giải đấu quốc tế như World cup, Euro... Ông tự hào vì đã đặt chân lên tất cả các sân cỏ ở Việt Nam để tường thuật lại các trận đấu cho khán giả.

Cho tới tận năm 2005, khi tuổi đã cao nhưng BLV Đình Khải cho biết, ông không gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe khi thức đêm tường thuật các giải bóng đá quốc tế

Sau khi về hưu tại VOV, BLV Đình Khải vẫn tiếp tục cộng tác với các Đài truyền hình khác trong việc sản xuất các chương trình thể thao. Hiện tại, ông là thành viên của Hội đồng nghiệm thu, chuyên kiểm duyệt các chương trình thể thao của Đài truyền hình An Viên.

Về đời tư, BLV Đình Khải cũng có một cuộc sống khá viên mãn. Vợ ông nguyên là Giảng viên của trường Đại học sư phạm Hà Nội. Hai ông bà quen và yêu nhau khi còn ngồi trên ghế phổ thông. Các con của ông bà gồm 1 trai, 1 gái, đều đã có gia đình riêng và khá thành công trong cuộc sống.

Vào lúc 0h Thứ 2 ngày 12/11/2012, chúng tôi sẽ gửi tới độc giả cuộc trò chuyện với NSƯT Kim Cúc - phát thanh viên đầu tiên đọc bản tin chiến thắng trưa 30/4 và là người đã có hơn 40 năm gắn bó với chương trình Đọc truyện đêm khuya. 

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 56Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tâm An ([Tên nguồn])
Những giọng đọc sống mãi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN