Hội Nghệ sỹ Sân khấu xin NSƯT cho Văn Hiệp

Trong ngày hôm nay 12/4, Hội Nghệ sỹ Sân khấu soạn thảo xong lá đơn đề nghị Bộ VH – TT – DL đặc cách phong NSƯT cho nghệ sỹ Văn Hiệp.

Đó là thông tin được ông Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết trong cuộc trao đổi với PV, sáng ngày 12/4, một ngày sau lễ tang cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

Hiện tại, Hội Nghệ sỹ Sân khấu đã nhận được đơn đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu NSƯT cho diễn viên hài vừa từ biệt cõi trần. Tờ đơn do đạo diễn - NSND Khải Hưng soạn thảo và lấy chữ ký khoảng 150 người trong lễ viếng và truy điệu Văn Hiệp.

Hội Nghệ sỹ Sân khấu xin NSƯT cho Văn Hiệp - 1

Hình ảnh nghệ sỹ Văn Hiệp lúc trên giường bệnh

Ông Lê Chức cũng cho biết, Hội Nghệ sỹ Sân khấu đồng tình với quan điểm của các nghệ sỹ, mong muốn Nhà nước truy tặng danh hiệu cho ông Văn Hiệp. Hiện tại Hội Hội Nghệ sỹ Sân khấu đang soạn thảo công văn đề nghị. Trong ngày 12/4 công văn này sẽ hoàn chỉnh và gửi lên Bộ VH – TT – DL.

Gia đình nghệ sỹ Văn hiệp cũng đang gấp rút hoàn thành hồ sơ xin được xét tặng NSƯT cho nghệ sỹ quá cố.

Trước đó, ngày 9/4 diễn viên hài nổi tiếng trút hơi thởi cuối cùng vì bệnh phổi và suy thận, thọ 72 tuổi. Lễ viếng nghệ sĩ Văn Hiệp bắt đầu từ 10h ngày 11/4, lễ truy điệu diễn ra vào 12h cùng ngày. Thi thể ông được hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, đạo diễn Khải Hưng nói về lý do ông đứng ra soạn đơn xin NSUT cho Văn Hiệp. Trong quá trình làm phim chung, Văn Hiệp từng nhiều lần tâm sự với ông về sự thiệt thòi không được phong danh hiệu gì do chỉ là diễn viên hài kịch đã về hưu, chuyên đóng các vai phụ.

Tuy nhiên, theo vị đạo diễn này, Văn Hiệp là người lao động rất nghiêm túc, ông không chỉ là diễn viên giỏi mà còn có khả năng viết kịch bản, đạo diễn… Vì thế, nghệ sỹ văn Hiệp không được danh hiệu gì rất thiệt thòi. Do vậy, nên truy tặng người đã khuất một vị trí xứng đáng để có sự công bằng, an ủi vong linh họ.

Một người bạn thân của ông Văn Hiệp cho biết, hai lần ông làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT đều bị loại. Lý do mà hội đồng đưa ra là các vai diễn của Văn Hiệp nghiệp dư, có lẽ vì anh chuyên đóng vai phụ - nên bị coi là... thiếu chuyên nghiệp. Ông Văn Hiệp cũng chưa có đủ các huy chương cần thiết cho việc xét duyệt.

“Trong lần xét duyệt gần đây nhất, bạn bè cũng nhắc ông làm hồ sơ nhưng có lẽ sau hai lần hồ hởi chờ đợi sự ghi nhận cống hiến nhưng không được đã khiến anh như một con chim sợ cành cây cong không dám tự mình làm đau mình thêm một lần nữa”, NSND Doãn Châu – người bạn thân thiết của Văn Hiệp nói với báo chí.

Trong lịch sử trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ở Việt Nam từng có những trường hợp đặc cách. Diễn viên Phương Thanh được truy tặng danh hiệu NSƯT năm 2012, ba năm sau khi bà qua đời. Ca sĩ Y Moan được đặc cách trao danh hiệu NSND năm 2010 trong liveshow "Ngọn lửa cao nguyên", diễn ra một tháng trước khi ông mất.

Tiêu chuẩn nghệ sỹ ưu tú

Đối tượng được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú phải đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, gương mẫu, tận tụy với nghề, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ;

3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên;

4. Có nhiều giải thưởng nghệ thuật Vàng và Bạc, trong đó có ít nhất 02 Giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế.

Giải Vàng quốc gia là giải Bông sen Vàng và giải Huy chương Vàng toàn quốc (do đặc trưng của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, do các cuộc thi, các cuộc liên hoan nghệ thuật có quy mô và tiêu chí khác nhau nên về nghệ thuật Điện ảnh, lấy giải Bông sen Vàng của Liên hoan phim quốc gia làm chuẩn, về nghệ thuật biểu diễn, lấy Huy chương Vàng của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn).

Các giải thưởng trong nước và quốc tế khác được áp dụng quy đổi dựa theo tiêu chí nghệ thuật, theo quy mô, tầm cỡ của Liên hoan phim quốc gia hoặc của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Việc quy đổi thuộc thẩm quyền của Hội đồng các cấp. Hội đồng Chuyên ngành có trách nhiệm xem xét việc quy đổi thống nhất và phù hợp từng trường hợp.

5. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đối với nghệ sỹ không thuộc đơn vị nghệ thuật công lập phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú.

Đặc cách phong danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú

Nghệ sỹ có tài năng đặc biệt xuất sắc, đoạt giải thưởng cao tại các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp lớn của quốc tế hoặc có thành tích nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng cao ở cấp quốc gia được đặc cách xét phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú.

Quyền lợi của người được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú

Người được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng, kèm theo tiền thưởng đối với danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân là 12,5 lần mức lương tối thiểu chung, đối với danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú là 9,0 lần mức lương tối thiểu chung và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Nghệ sỹ Văn Hiệp qua đời Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN