Phỏng vấn một cây thước nhân ngày 20-11

Nghĩ gì và làm gì thì cũng phải nhìn nhận từ hai phía, cân nhắc đến tính hai mặt của một vấn đề!

Phóng viên (Pv): - Dạ, em xin kính chào Thầy!

Cây Thước (CT): - Ấy chết, tôi có là Thầy bao giờ đâu? Tôi chỉ là một dụng cụ giảng dạy của giáo viên thôi mà.

PV: - Vâng em hiểu, nhưng từ xưa đến nay, kể từ khi bước vào lớp học vỡ lòng thì ai cũng biết cây thước luôn gắn liền với người giáo viên khi đứng trên bục giảng. Cả một đời cống hiến cho giáo dục, nay nhân dịp Hiến chương Nhà giáo, em xin được trân trọng gọi thầy là Thầy, âu cũng là phải đạo thôi ạ.

CT: -Ừ thì tùy em thôi. Nhưng mà dùng từ cống hiến kể cũng đao to búa lớn đấy, chẳng qua đó là công việc, là  nghề của tôi thôi mà.

PV: - Thưa Thầy, nhưng đó là nghề đặc biệt. Cây thước không đơn giản chỉ là dụng cụ để giáo viên sử dụng vẽ đường thẳng, mà nó vừa là công dụ giảng dạy, vừa để rèn giũa học sinh. Em nghĩ đó là những vai trò đặc biệt.

CT: - Hà hà, hóa ra là vẫn có người như em hiểu được tôi. Tôi luôn cho rằng giá trị cuộc sống không gì khác ngoài giá trị bản thân mà tự mình khẳng định được. Phải xác định mình là ai và vai trò của mình là gì, và luôn phải tạo ra những giá trị tốt nhất từ vai trò đó. Tôi biết mình là một cây thước, có đặc điểm và vai trò riêng của cây thước, nên tôi luôn sống đúng là một cây thước và phát huy hết giá trị của cây thước.

PV: - Cụ thể đặc điểm riêng và vai trò của cây thước là gì ạ?

CT: - Nói đến cây thước là người ta nghĩ ngay đến một đoạn thẳng, có hai đầu và có vạch đo, đó là đặc điểm riêng và vai trò của tôi cũng từ đó mà ra. Muốn vẽ một đường thẳng thì phải cần đến tôi. Thước có hai đầu tức là nói gì, nghĩ gì và làm gì thì cũng phải nhìn nhận từ hai phía, cân nhắc đến tính hai mặt của một vấn đề, và có sự tính toán cân đo cụ thể. Tôi gọi đó là triết lý cây thước.

PV:- Ồ, triết lý cây thước, lần đầu tiên em được nghe. Vậy triết lý cây thước của Thầy có gần gũi và ứng dụng được trong giáo dục không ạ?

CT: - Gần gũi thì có đấy, nhưng ứng dụng thì tôi không biết vì tôi đâu có được quyền quyết định.

PV: - Thầy có thể cho em một số ví dụ về sự tương đồng này không ạ?

CT: - Muốn vẽ đường thẳng thì phải dùng đến thước, để đường thẳng được chuẩn thì cây thước trước hết phải thẳng. Thế có nghĩa là muốn học sinh tốt thì người thầy phải làm gương tốt trước cái đã. Người giáo viên cũng giống cây thước, có vai trò đặc biệt, đã chấp nhận làm nghề thì phải chấp nhận những chuẩn mực riêng, không nên so bì với ngành nghề khác. Người giáo viên trước hết phải ngay thẳng như cây thước vậy. Đối với học sinh, người thầy phải nhận xét thẳng thắn, khách quan và rõ ràng. Người xưa có câu: “kẻ khen ta khi ta sai là kẻ thù của ta, kẻ khen ta khi ta đúng là bạn ta, kẻ chê ta khi ta sai là thầy ta”, có nghĩa là khi học sinh sai cần phải phát hiện và chê thẳng thắn thì mới xứng đáng làm thầy được.

PV: - Thế còn kẻ chê ta khi ta đúng thì là ai ạ?

CT: - Không thấy người xưa nhắc đến trường hợp này, nhưng chắc là chỉ có... vợ ta mà thôi.

PV: - Người ta thường nói vui “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt”, thực tế có không ít người bị vùi dập chỉ bởi tính thẳng thắn đó thầy ạ.

CT: - Tôi biết chứ. Đã từng có một vài thầy giáo dám thẳng thắn đứng lên tố cáo tiêu cực trong thi cử, kết quả là một mặt được vài người khen, nhưng nhiều người cuối cùng phải bỏ nghề, thật là đau lòng.

PV:- Thế qua sự việc này Thầy có rút ra kinh nghiệm gì cho mình không?

CT: - Thực tế em thấy đấy, tôi suốt ngày có nói năng gì đâu, toàn chỉ đâu đánh đấy thôi.

PV: - Nếu ai cũng im hết vậy thì tình hình sẽ thế nào thưa Thầy?

CT: - Tôi biết đâu được đấy. Hoàn cảnh nó vậy, tôi thì biết rõ khả năng của tôi không thể làm hơn được, nếu tôi cất tiếng thì người ta sẽ bẻ tôi gãy làm đôi và quăng vào sọt rác, còn đâu nữa mà thẳng với chả thắn. Thôi thì cứ âm thầm làm việc nhỏ bé của mình vậy.

PV: - Vâng, đó là ví dụ về sự thẳng thắn, thế còn về triết lý hai đầu của cây thước như thế nào ạ?

CT: - Chẳng hạn một đầu tôi dùng để chỉ dẫn kiến thức cho học sinh, nhưng đầu kia tôi sẵn sàng quất vào mông học sinh hư. Nói vậy, có nghĩa là người giáo viên, ngoài việc dạy chữ ra thì còn phải dạy đạo làm người. Ngay trong việc dạy làm người thì cũng có hai đầu, một đầu hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến khích, còn đầu kia là kỷ luật. Và trong kỷ luật cũng lại có hai đầu, kỷ luật bằng lời không được thì phải kỷ luật bằng đòn roi…

PV: - Nhưng thưa thầy, bây giờ người ta không đồng tình với câu “thương cho roi cho vọt”, dư luận vẫn lên án những trường hợp thầy cô giáo dạy học sinh bằng đòn roi, nhiều thầy cô bị kỷ luật, thậm chí có cô giáo tự tử vì lỡ đánh học sinh đấy.

CT: - Đó là sự việc rất đau lòng, nhưng tôi cho rằng ở đây cũng lại cần xem xét ở hai đầu. Thứ nhất là trường hợp đánh học sinh rất “nhiệt tình” với một sự vô tâm vô cảm, chẳng hạn như dán băng keo vào miệng học sinh, dùng thước đánh gẫy cột sống… trường hợp này họ không có lương tâm của một người thầy, họ chỉ là kẻ đội lốt thầy giáo, rất đáng lên án. Còn trường hợp thứ hai là giáo viên thấy cần thiết áp dụng roi vọt với những học sinh không biết nghe lời, mục đích cũng chỉ để học sinh tiến bộ. Nếu trong trường hợp thứ hai này mà giáo viên vẫn bị kỷ luật thì có lẽ sau này giáo viên sẽ sợ, và hậu quả cũng không khác gì việc giáo viên không dám lên tiếng chống tiêu cực vì sợ trù dập.

PV: - Ngoài giảng dạy ra thì triết lý “hai đầu” còn có sự tương đồng nào trong ngành giáo dục nói chung không, thưa thầy?

CT: - Có chứ, cứ theo cái logic đó thì có nhiều là đằng khác. Chẳng hạn như khẩu hiệu “học đi đôi với hành”, “hành” không phải là hành hạ học sinh đâu, mà là thực hành, tức là một mặt học lý thuyết, một mặt phải thực hành mới có hiệu quả tốt, chứ nếu không thì sau này sẽ đẻ ra toàn ông “tiến sỹ giấy”. Hoặc là khi xem xét những yếu kém trong ngành giáo dục thì người ta phải nhìn nhận đánh giá trên cả hai mặt của vấn đề, tỷ như chủ quan- khách quan thế nào? Lỗi nào của Thầy – lỗi nào của trò? Vĩ mô – vi mô ra sao? Lỗi nào do cơ chế - lỗi nào do thực thi? Khi một quy chế mới ban hành thì mặt tốt thế nào - mặt xấu ra sao?... vân vân và vân vân.

PV: - Ồ! Quả thật là triết lý cây thước rất phù hợp với ngành giáo dục, thầy nghĩ gì nếu ngành giáo dục chọn cây thước làm biểu tượng?

CT: - Trước giờ người ta thường chọn cuốn sách và cây bút làm biểu tượng của giáo dục, nhưng tôi nghĩ nó chưa xứng đáng. Cuốn sách mặc dù có cung cấp kiến thức, nhưng người ta thường gọi đó là kiến thức sách vở, chỉ là một phần kiến thức rất khiêm tốn trong cuộc sống mà thôi. Bên cạnh đó, cây bút tức là sự ghi chép, nó chỉ thể hiện một cách tiếp thu máy móc, thụ động. Margaret Mead từng nói "Không nên dạy cho trẻ những gì phải suy nghĩ, mà hãy dạy cho chúng cách suy nghĩ", có nghĩa là kiến thức cụ thể không quan trọng bằng phương pháp học, phương pháp suy luận.  Cả sách và bút không nói lên được tí tẹo nào những khía cạnh rất quan trọng trong giáo dục: đó là phương hướng, là đức tính cần có, là đạo học, là sự  tương tác giữa hai đầu dạy và học, là sự logic của các “cặp phạm trù”… Xét về nhiều phương diện thì cây thước tôi đủ khả năng gánh trọng trách của một biểu tượng ngành, nhưng khổ nỗi, hình ảnh cây thước chỉ là một đường thẳng đơn giản và mạch lạc, trong khi người ta đâu có thích sự đơn giản như vậy?

PV: - Nói như vậy chắc hẳn là Thầy đang rất trăn trở về ngành của mình?

CT: - Có chứ, rất nhiều là đằng khác. Nhưng có lẽ thời gian không cho phép, tôi chuẩn bị phải lên lớp rồi, hẹn gặp em vào ngày mai.

PV: - Vâng xin cảm ơn và chúc sức khỏe Thầy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN