Tuyển sinh vào lớp 6: Cuộc đua mang tên “tiêu chí phụ”

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 6

“Ai cũng muốn con học ở các trường nổi tiếng, vì thế phụ huynh đã cho con ôn luyện từ đầu năm để đạt điểm tuyệt đối, buộc các trường phải dùng tiêu chí phụ. Và thế là lại có những cuộc đua mang tên “tiêu chí phụ”" - một phụ huynh cho hay.

Trường top đầu nhận số lượng hồ sơ khủng

Một mùa tuyển sinh đầu cấp tưởng là sắp bắt đầu nhưng thực ra đã đi vào hồi kết, nhất đối với phụ huynh có con em năm nay vào lớp 6. Và hiện nay, các trường đỉnh đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT vẫn cấm thi tuyển vào lớp 6.

Một số trường top đầu như: THPT Lương Thế Vinh, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THCS Chu Văn An, trường Marie Curie… khối lượng hồ sơ đăng ký luôn cao gấp nhiều lần chỉ tiêu được giao. Khi nhiều học sinh có điểm tuyệt đối cùng nộp đơn, nhà trường đành dùng các tiêu chí phụ.

Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam năm 2015, ngoài điểm văn hóa trong trường, 3 năm 3,4,5, hai môn Văn Toán đạt 19 điểm trở lên thì điểm khuyến khích dành cho những học sinh đạt giải cá nhân hoặc đồng đội trong các cuộc thi do Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục hoặc Phòng Giáo dục tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

Điểm xét tuyển được tính là tổng điểm học tập từ lớp 1 đến lớp 5 cộng với điểm khuyến khích và điểm ưu tiên. Các điểm này đều được quy đổi theo thang điểm 10.

Học sinh trúng tuyển là những em đạt điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu được giao. Trong trường hợp học sinh có điểm xét tuyển trùng nhau, nhà trường sẽ cộng tổng điểm khuyến khích của toàn bộ các giải thưởng của học sinh đạt được trong các cuộc thi từ lớp 1 đến lớp 5 và xếp thứ tự từ cao xuống đến đủ chỉ tiêu. Điểm khuyến khích được tính theo quy đổi nêu trên đối với từng loại giải và các cấp chứng nhận giải.

Chính vì vậy, việc có giải cao ở các cuộc thi phụ là rất quan trọng trong cuộc đua này.

Tương tự, trường Marie Curie (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ tiêu năm 2015 là 300 học sinh trong khi hồ sơ nộp vào hơn 1.200 bộ. Năm học 2015-2016, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 trường THPT Lương Thế Vinh là 600 em trong khi lượng hồ sơ đăng kí hơn 4.000. Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam chỉ tiêu tuyển sinh 200 em, lượng hồ sơ đăng kí cũng mấy nghìn bộ.

Tuyển sinh vào lớp 6: Cuộc đua mang tên “tiêu chí phụ” - 1

 Phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ cho con vào lớp 6

Thầy Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Học sinh nộp hồ sơ vào trường đều là những học sinh giỏi, có nhiều học sinh bằng điểm nhau. Hơn thế, Bộ GD&ĐT lại không cho thi tuyển cũng không hướng dẫn cụ thể xem những em bằng điểm nhau phải xét tiêu chí gì nên Nhà trường“đành” phải ưu tiên những học sinh đạt giải trong các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, bơi lội”.

Cũng theo thầy Văn Như Cương, Bộ GD&ĐT cấm thi tuyển lớp 6 để giảm áp lực học thêm cho học sinh thế nhưng lại không tính đến việc những trường top cao mà số lượng học sinh đăng ký lớn, nhiều em bằng điểm thì phải làm sao? Hiện nay, nhiều trường dùng tiêu chí phụ như: Học sinh có giải trong các cuộc thi văn nghệ, thi ViOlympic...

Chính vì vậy, năm học vừa qua cũng như những năm tiếp theo, học sinh không đi học thêm để thi vào lớp 6 mà sẽ “luyện thi trong các lò "bát quái” để ẵm giải của các cuộc thi. Vậy là vô tình lại biến các sân chơi như cuộc thi toán học ViOlympic thành “đấu trường” thực sự.

“Năm nay, trường THPT Lương Thế Vinh vẫn tuyển 600 học sinh nhưng hiện giờ lượng hồ sơ đã bán ra hơn 2.000 bộ. Lượng hồ sơ đăng ký đang cao hơn gấp nhiều lần chỉ tiêu nên trường vẫn dùng tiêu chí phụ là xét đến giải của học sinh trong các cuộc thi. Tuy nhiên, giải thưởng như văn nghệ, các chứng chỉ cuộc thi... có thực chất hay không, cũng rất khó kiểm tra”, thầy Văn Như Cương cho hay.

Cuộc đua của những “tiêu chí phụ”

Một phụ huynh có con chuẩn bị xét tuyển vào lớp 6 cho biết: “Nhóc nhà mình có năng khiếu ca hát, nhảy múa nên tất cả các cuộc thi văn hóa, văn nghệ cấp trường và cao hơn thế mình đều động viên cho con tham gia. 

Biết là việc luyện tập sẽ rất vất vả và ảnh hưởng tới thời gian nghỉ ngơi của con nhưng chỉ có tham gia thi và có giải thì khi nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 mới có lợi thế và khả năng đỗ cũng cao hơn”.

Chị Hoàng Yến (Hai Bà Trưng – Hà Nội) kể lại: “Bản thân mình rất muốn con được vào học tại một số trường “điểm” vì ở đó con sẽ có nhiều cơ hội được học tập, vui chơi, sáng tạo và khẳng định mình. Quan trọng là mình thấy môi trường học tập và rèn luyện tại các trường top cao rất tốt.

Vì thế, ngay từ đầu năm lớp 5 mình đã thuê gia sư về dạy con tại nhà, cho con tham gia tất cả các kì thi như thi ViOlympic, thi văn nghệ. Đỉnh điểm nhất là quá trình cho con ôn tập tham gia cuộc thi ViOlympic cấp tỉnh/thành phố. Ban ngày con đi học ở trường, giờ nghỉ giải lao được cô giáo tranh thủ kèm cho một lúc. 

Chiều về mình cho con học ở trung tâm với các thầy cô nhiều năm kinh nghiệm ôn thi. Tối về con chỉ kịp ăn và tắm qua sau đó chị gia sư lại tới ôn tập. Có hôm chị gia sư và con “vật lộn” với nhau tới 22h30 chưa xong hết bài. Biết là con vất vả nhưng như vậy lúc đi thi đạt được giải thì lúc xét tuyển vào lớp 6 sẽ có nhiều thuận lợi hơn”.

Một phụ huynh khác cho rằng: “Ai chẳng muốn con có một tấm vé vào các trường nổi tiếng. Để làm được điều này, nhiều phụ huynh đã cho con ôn luyện từ đầu năm để luôn đạt điểm tuyệt đối trong tất cả các kỳ thi và kỳ kiểm tra. Điều đó lý giải tại sao số lượng học sinh đạt điểm tuyệt đối ngày càng nhiều và các trường buộc phải dùng tiêu chí phụ. Và thế là lại có những cuộc đua mang tên “tiêu chí phụ” khốc liệt không kém".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Tuyển sinh lớp 6 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN