Tự mày mò cách dạy tích hợp, học sinh tiếp tục là "vật thí nghiệm"?

Bộ GD&ĐT phát động dạy học theo hướng tích hợp từ năm 2012-2013, các trường học trên cả nước sẽ dạy mô hình liên môn vào năm 2018. Nhưng đến lúc này, Bộ chưa có một văn bản nào hướng dẫn, khiến các trường rất lúng túng.

Dạy tích hợp chưa có hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT…

Qua tìm hiểu của PV Infonet, Bộ GD&ĐT phát động dạy học theo hướng tích hợp - liên môn từ năm học 2012-2013 và chính thức đưa đề án đổi mới giáo dục vào năm 2018. Theo đó, các trường học trên cả nước sẽ triển khai mô hình dạy liên môn - tích hợp.

Tự mày mò cách dạy tích hợp, học sinh tiếp tục là "vật thí nghiệm"? - 1

Cô giáo trường THPT Hoàng Cầu dạy tích hợp cho các học sinh.

Có nghĩa là các môn Toán, Lý, Hóa, khoa học tích hợp làm một môn học, các môn Văn, Sử, Địa, công dân sẽ được gộp vào thành một môn học…. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra bất kỳ một hướng dẫn nào cho việc dạy học mới này. Để chuẩn bị cho phương pháp dạy này các trường đã rục rịch tìm hiểu và thử nghiệm dạy tích hợp theo cách mỗi nơi một kiểu.

Quan sát giờ dạy tích hợp của trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội, bộ môn Sinh học đang được cô giáo dạy tích hợp với môn Khoa học đời sống. Chẳng hạn một số tác hại gây ra do biến đổi nhà kính. Còn môn Sinh học: Nóng lên của trái đất là ảnh hưởng đến điều kiện sống bình thường của các sinh vật trên trái đất.

Tự mày mò cách dạy tích hợp, học sinh tiếp tục là "vật thí nghiệm"? - 2

Các học sinh đang cố gắng nghe cô giáo dạy tích hợp.

Sức khỏe: Ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, các loại bệnh dịch lan tràn. Năng lượng vận chuyển: nhiệt độ nóng lên, tăng nhu cầu làm lạnh, giảm nhu cầu làm nóng. Nhiều hư hại do chuyển dịch mùa đông, lụt tăng do sự tăng giảm của nước sông...

Tự tìm hiểu cách dạy, tìm bài hợp với cách dạy này là có sự vào cuộc của cả tổ bộ môn tự nhiên của trường THPT Hoàng Cầu.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giáo viên trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Cho đến lúc này, chưa có một giáo trình hay văn bản cụ thể để chúng tôi làm theo. Chúng tôi tự họp các tổ với nhau và bàn xem như thế nào cho hợp lý, xem mảng kiến thức nào có thể tích hợp vào trong bài học của các em. Phải chủ động tìm hiểu, tạo tình huống có vấn đề vào bài dạy”.

Tự mày mò cách dạy tích hợp, học sinh tiếp tục là "vật thí nghiệm"? - 3

"Người dạy được chủ động sáng tạo, nhưng đưa cái mới vào mà không có sự kiểm định thì có hiệu quả cho học sinh không?”, cô Lập lo ngại.

Trong khi đó, bà Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội nói: “Đến thời điểm này, trong sư phạm, giáo viên được đào tạo từng môn chuyên sâu. Nhưng theo yêu cầu mới của Bộ GD&ĐT thì các trường phải dạy tích hợp, do đó một mình thầy, cô đó khó có thể làm được. Nếu làm được phải có sự hỗ trợ từ phía thầy cô khác.

Trước đây, trong cách dạy truyền thống thì sách giáo khoa là pháp lệnh thì nay người dạy được chủ động sáng tạo, nhưng đưa cái mới vào mà không có sự kiểm định thì có hiệu quả cho học sinh không?” 

… các giáo viên cũng không biết đúng hay sai

Chưa có hướng dẫn cụ thể về môn học tích hợp từ Bộ GD&ĐT, nên học sinh Nguyễn Minh Đức -  Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội TP cho biết: “Bọn em chuẩn bị một giờ tích hợp rất khó khăn, có quá nhiều thông tin mà không biết chọn sao cho hiệu quả, phải tham khảo với nhau rồi tìm cái hợp lý để làm".

Tự mày mò cách dạy tích hợp, học sinh tiếp tục là "vật thí nghiệm"? - 4

Học tích hợp đang gây khó khăn cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Dạy tích hợp rất mất thời gian, ở phạm vi bài nhỏ phải giảng mất 1 tuần, ở bài lớn phải mất 1 đến 2 tháng. Chúng tôi rất bỡ ngỡ, hoang mang không biết mình đi theo định hướng như thế nào. Nếu tôi dạy một bài tích hợp, tôi sẽ giao cho học sinh đi tìm hiểu trước, nhưng để thẩm định các em tìm hiểu đúng hay sai lại là vấn đề khó khăn vì không phải môn chuyên của chúng tôi”.

Có một thức tế cho thấy, dạy tích hợp – nhưng chính các thầy cô cũng đang thấy rất khó khăn để thẩm định việc hiểu của học sinh là đúng hay sai. Bởi các trường vẫn đang làm theo hướng giáo viên chuyên sâu từng môn. Chính giáo viên cũng chưa thể hiểu hết mối liên kết giữa các môn để hướng dẫn tích hợp cho học sinh.

Tự mày mò cách dạy tích hợp, học sinh tiếp tục là "vật thí nghiệm"? - 5

Cô Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết: "Chúng tôi rất bỡ ngỡ, hoang mang không biết mình đi theo định hướng như thế nào".

Tuy nhiên, thời gian chỉ còn 3 năm để thử nghiệm và đưa vào triển khai chính thức. Trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hướng dẫn thực hiện thì các trường tự mày mò tìm hướng đi cho mình và không ai kiểm định cho những hướng đi đó. Để có một tiết học các em học sinh phải mất một tuần, một tháng để chuẩn bị, nhưng chính các thầy cô cũng không dám khẳng định mình đang dạy cho các em theo đúng hướng hay không.

Trong khi đó tại các trường Đại học, Cao đẳng về Sư phạm, nơi đào tạo ra những giáo viên tương lai chưa chuyển đổi mô hình dạy những “giáo viên tương lai” về cách thức dạy tích hợp. Chính vì vậy, đến thời điểm này, các trường đang làm theo hướng, hiểu đến đâu, làm đến đó. Một lần nữa, các học sinh lại được đem ra "thử nghiệm".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiến Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN