Trường nghề “ế” học sinh

Chưa có năm nào tình hình tuyển sinh tại các trường trung cấp lại bi đát như năm nay. Mặc dù hiện tại đang là mùa cao điểm tuyển sinh nhưng số hồ sơ nộp vào quá ít. Nhiều trường chỉ tuyển được 10% - 20% chỉ tiêu, có trường thậm chí chỉ có vài chục hồ sơ nhập học.

Hiu hắt trường nghề

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố mức điểm sàn ĐH năm 2012, toàn quốc có khoảng gần 500.000 thí sinh có tổng điểm thi dưới điểm sàn. Không trúng tuyển ĐH, CĐ chính quy, những thí sinh này có thể học nghề, học TC chuyên nghiệp để tạo dựng cho mình một ngành nghề vững chắc khi vào đời. Hiện nay cả nước có gần 140 trường CĐ nghề, hơn 300 trường TC nghề tuyển sinh và đào tạo nghề chính quy trình độ TC và CĐ với tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy hàng năm là hơn 100.000.

Nếu học nghề đúng với khả năng, sẽ có nhiều cơ hội việc làm và cả cơ hội học tiếp lên trình độ cao hơn. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm nay, các trường nghề lại phải chật vật với bài toán: có quá ít thí sinh đăng ký. Trường Cao đẳng nghề Thăng Long năm nay chỉ tiêu còn thấp hơn năm 2011 và trường đã vận dụng tất cả những cách có thể, sẽ tiếp tục tuyển sinh đến hết tháng 12-2012 nhưng “vẫn không ăn thua” và khả năng “không tuyển đủ chỉ tiêu” là điều đã được tính đến.

Trường nghề “ế” học sinh - 1

Nhiều trường thiếu học sinh (Ảnh minh họa)

Trường trung cấp Phương Đông dù đăng ký chỉ tiêu 800 nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ tuyển được hơn 100 chỉ tiêu. Trường có 5 ngành nhưng một số ngành chỉ có khoảng 10 học sinh đăng ký. Nếu hết tháng 12 không đủ chỉ tiêu để mở lớp sẽ chuyển số học sinh này sang trường khác. Ông Bùi Hồng Điệp - Hiệu trưởng Trường trung cấp Tân Thanh cũng cho biết đang mùa cao điểm nhưng trường tuyển chưa được 300 học sinh, trong khi chỉ tiêu của trường là 1.900. Nhiều trường số học sinh tuyển được chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí là chưa tuyển được học sinh. Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Khôi Việt, ông Hà Kim Vọng, não nề nói: đến giờ trường mới tuyển được 32 học sinh bậc trung cấp, số lượng như thế trường sẽ không thể tồn tại được.

Đại học thâu tóm trung cấp

Theo lý giải của các trường trung cấp, các trường đại học tư thục được “đẻ ra” quá nhiều. Vì vậy có một lượng lớn thí sinh đã lựa chọn những trường này thay vì vào trường nghề. Bên cạnh đó, chính sách của Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đến cuối tháng 11 đã khiến các trường nghề không còn cách nào khác phải “ngồi chờ”.

Thêm vào đó, chính sách không nhất quán của Bộ GD&ĐT cũng khiến trường nghề lao đao. Tháng 12-2011, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 57, quy định: Kể từ năm 2012, các ĐH, học viện không đào tạo trình độ TCCN. Quy định này khiến các trường trung cấp hy vọng họ sẽ có nguồn tuyển dồi dào hơn. Thế nhưng đến tháng 6-2012, Bộ lại sửa đổi điều 6 trong Thông tư 57. Theo đó, các trường ĐH không phải ngừng tuyển sinh hệ TCCN ngay từ năm 2012 mà giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh TCCN để dừng tuyển sinh trước năm 2017. Thực tế hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh của hệ trung cấp trong các trường ĐH không giảm mà còn tăng hơn trước.

Trường nghề “ế” học sinh - 2

Trường ĐH thâu tóm trường Trung cấp

Nhiều trường để duy trì hệ trung cấp đã “mua” lại trường trung cấp khác hoặc xin thành lập trường mới. Cách đây vài tháng, ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đã “mua” Trường Trung cấp Kinh tế công nghệ Gia Định vốn đang chật vật trong việc tuyển sinh từ nhiều năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm chỉ ở mức 350 sinh viên. Sau khi được ĐH Nguyễn Tất Thành đầu tư, chỉ tiêu của trường đã tăng lên 1.000 cho năm nay. Hiện tại, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thông báo tuyển sinh hệ TCCN với tổng chỉ tiêu 2.000.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, cơ quan chủ quản cho ra đời quá nhiều trường TCCN nhưng lại duy trì hệ trung cấp trong trường ĐH là bất hợp lý, gây ra lãng phí lớn đối với xã hội. Sự lựa chọn trường học là do học sinh, và tâm lý chung ai cũng muốn mình học ở trường ĐH. Nếu các trường ĐH không còn đào tạo trung cấp thì học sinh mới chọn trường trung cấp để học.

Một nguyên nhân khác khiến cho các trường nghề "ế" học sinh là hiện việc đào tạo nghề chỉ được đến Cao đẳng, bởi theo quy định thì các trường này không được đào tạo liên thông lên Đại học như các trường chính quy. Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận, hiện nay, công tác tuyển sinh của các trường nghề rất vất vả. Mặc dù “các điều kiện học tập của nhiều trường nghề rất tốt. Đặc biệt, những năm gần đây được Nhà nước quan tâm, các thiết bị dạy nghề đã được hiện đại hóa so với trước”.

Trước việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các trường đại học và trung cấp, tâm lý chuộng bằng cấp của hầu hết mọi người và những chính sách chồng chéo, không nhất quán của cơ quan chủ quản - Bộ GD&ĐT khiến nhiều trường phải tính đến phương án gửi số học sinh đã đăng ký sang các trường khác để đào tạo. Cá biệt có một số trường trung cấp ngoài công lập sau vài kỳ tuyển sinh không hiệu quả đã phải bán trường cho chủ khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Hòa (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN