Trường mầm non “chê” trẻ

Nhiều cán bộ, công nhân, viên chức lao động phải xin nghỉ không lương vì không biết gửi con ở đâu.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Phú Yên vừa triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non, dự kiến hoàn thành trong tháng 10. Theo đề án, chỉ ưu tiên vận động ra lớp mẫu giáo trẻ 5 tuổi, sau đó đến trẻ 3-4 tuổi. Trẻ dưới 3 tuổi chỉ được ra lớp khi trường mầm non còn chỗ trống và có đủ giáo viên.

Nhiều nguy cơ nên né

Mấy hôm nay, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thận chạy đôn chạy đáo gửi đứa con đầu lòng nhưng không nơi nào nhận. “Cháu 10 tháng tuổi, nơi nào cũng bảo phải đợi đến 1 tuổi mới nhận. Hồi cháu 6 tháng tuổi, không nơi nào nhận, vợ tôi là nhân viên ngân hàng phải nghỉ không lương thêm 1 tháng rồi” - anh Thận than thở.

Trong vai người gửi trẻ 6 tháng tuổi, chúng tôi liên lạc với Trường Mầm non Hướng Dương thì được bà hiệu trưởng Bùi Thị Thùy Trinh trả lời: “Sáu tháng tuổi thì làm sao gửi. Nhóm nhỏ nhất ở đây là 12 tháng tuổi nên không nhận được đâu”.

Tại tỉnh Khánh Hòa, phóng viên Báo Người Lao Động đến Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Nha Trang) để làm thủ tục nhập học cho đứa con 6 tháng tuổi thì bị từ chối ngay. Hiệu trưởng trường, bà Trần Thị Phương, trần tình: “Trường chỉ nhận trẻ từ 18 tháng trở lên thôi. Ngay cả con tôi, sau khi nghỉ 6 tháng hậu sản cũng phải thuê người ở nhà chăm cháu”.

Chị Nguyễn Thị Tú Anh (TP Nha Trang) có con 9 tháng tuổi bức xúc: “Nhà nước chỉ cho nghỉ hậu sản 6 tháng, trong khi đến 18 tháng mới được gửi vào trường mầm non. Vậy 12 tháng còn lại chúng tôi biết xoay xở ra sao? Thu nhập trung bình 2 vợ chồng chỉ 7-8 triệu đồng, còn phải trả tiền nhà trọ, điện nước, sữa cho con, sinh hoạt phí... thì làm sao thuê người giữ trẻ. Chúng tôi đành gửi con ở nhóm trẻ tư nhân chẳng phép tắc gì, đi làm mà lo ngay ngáy vì sợ xảy ra bất trắc”.

Tại TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), chúng tôi rảo các trường mầm non như Đức Thắng, Phú Thủy, Bình Hưng, Đức Long, Hưng Long, Mũi Né ngỏ ý muốn gửi con nhỏ 6 tháng tuổi cũng đều nhận được những cái lắc đầu dứt khoát. Cô Lê Thị Hoa (một giáo viên mầm non lâu năm) chia sẻ: “Các trường không dám mở nhiều lớp vì ở nhóm tuổi này nguy cơ đau ốm, tai nạn cao nên ai cũng né”.

Trường mầm non “chê” trẻ - 1

Một nhóm trẻ không phép hoạt động ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum Ảnh: HOÀNG THANH

Đành nhờ cơ sở không phép

Ở Bình Định, không riêng gì hệ thống trường công lập, phần lớn các trường dân lập, tư thục cũng “chê” trẻ dưới 18 tháng tuổi. Sau 6 tháng nghỉ thai sản, nhiều cặp vợ chồng không có điều kiện thuê người giúp việc hoặc không được hỗ trợ từ phía cha mẹ phải bấm bụng đưa con đến các cơ sở giữ trẻ không phép.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị T. (52 tuổi) nằm sâu trong con hẻm trên đường Lê Hồng Phong, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn. Trong căn phòng chỉ rộng khoảng 10 m2, liền kề phía sau là nhà vệ sinh và bếp ăn nhưng có đến 9 trẻ từ 6-20 tháng tuổi được phụ huynh gửi với giá 1,5 triệu đồng/trẻ/tháng. Trong đó, 6 trẻ nhỏ tuổi bị “nhốt” trong 3 chiếc cũi xếp gần nhau. Bà T. trấn an: “Nó nằm trong cũi chứ có đi đâu ra ngoài mà sợ chật”.

UBND huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vừa chỉ đạo kiểm tra các trường mầm non trên địa bàn huyện và phát hiện 17 nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép đang nuôi dạy hơn 100 trẻ từ 12-24 tháng tuổi. Qua kiểm tra, đa số các chủ nhóm trẻ chưa qua trường lớp đào tạo, trẻ được nuôi dạy trong các phòng ốc không đạt yêu cầu. “Biết những cơ sở này đều chưa có giấy phép, chất lượng, cơ sở giảng dạy không bảo đảm nhưng vợ chồng tôi cùng đi làm nên phải gửi cháu vào đây” - chị Lê Thị Liên (ngụ huyện Ngọc Hồi) nói.

Bà Trần Thị Phụng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ngọc Hồi, cho hay huyện này đã thuê giáo viên về đào tạo nghiệp vụ cho chủ các nhóm trẻ gia đình tự phát. “Nếu sau thời gian đào tạo mà những người quản lý nhóm trẻ không đạt chỉ tiêu để cấp chứng chỉ được phép hoạt động thì chúng tôi sẽ kiên quyết cho đóng cửa” - bà Phụng khẳng định.

Bỏ qua thời kỳ vàng của trẻ

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, hằng năm, địa phương có khoảng 70.000 đến 90.000 trẻ em bước vào độ tuổi mầm non nhưng chỉ 24% được ra lớp. Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh  Khánh Hòa, thừa nhận: “Nguyên nhân chính là cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu; thiếu lớp, thiếu cả địa điểm xây dựng trường học. Chúng tôi chỉ mới hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi để bước vào lớp 1” - bà Lý nói.

Trong khi đó, tỉnh Phú Yên chỉ có hơn 14% trẻ dưới 3 tuổi được ra lớp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết hệ thống trường mầm non ở tỉnh cũng đang quá tải. “Bây giờ, đối với trẻ dưới 1 tuổi thì chỉ còn biết khuyến khích xã hội hóa ở các nhóm trẻ tư thục nhưng nhiều nhóm trẻ không phép nên phụ huynh ngại gửi. Giờ chẳng biết làm sao, quá nan giải” - bà Ái nói.

Bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết trẻ dưới 6 tháng tuổi gần như không có nổi một chỗ học trường công nào tại địa phương. Trong khi đó, nhu cầu gửi con của người dân ở lứa tuổi này rất lớn. “Đây là một hạn chế lớn bởi chúng ta đã bỏ qua thời kỳ vàng của trẻ. Một số trẻ chậm nói, chậm phát triển, đó là hậu quả của việc thiếu môi trường giao tiếp, thiếu môi trường học tập cho trẻ” - bà Kinh nhận định.

Nhiều cái chết thương tâm

Trưa 5-3, tại nhà trẻ không phép của bà Nguyễn Thị Minh Thùy (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, Phú Yên), cháu Trần Vĩnh Thiên (10 tháng tuổi) bị bạn đưa mạnh, va vào vách rơi xuống đất gây chấn thương sọ não và tử vong.

Cuối năm 2014, bé gái L.Th.Th.H (6 tháng tuổi) tử vong khi đang được nuôi giữ tại nhà trẻ không phép của bà Nguyễn Thị Thanh (xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vì sặc sữa.

Cùng thời gian này, tại nhà trẻ tư tự phát của bà Nguyễn Thị Túy Phượng (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), bé Phạm Thị Bích Diệu (ngụ cùng phường) bị tử vong vì sặc cháo do người giữ trẻ không biết cách cho ăn.

Năm 2013, tại cơ sở giữ trẻ tự phát của bà Trần Thị Liễu (phường Phú Trinh, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), một cháu bé 6 tháng tuổi đã bị tử vong vì sặc sữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN