Trẻ lớp 1 ngại học, vì sao?

Lớp 1 là giai đoạn chông gai và thử thách trong cuộc đời học sinh, được nhiều nhà tâm lý coi là "cửa ải phân chia hai cuộc sống khác nhau". Đứng trước ngưỡng cửa này, trẻ thường gặp nhiều khó khăn tâm lý cản trở sự thích ứng với hoạt động học tập, dẫn đến việc trẻ sợ học và kết quả học tập không cao.

Chơi xong rồi mới học

Nghiên cứu trên 547 học sinh lớp 1 ở Hà Nội, Cà Mau và Trà Vinh của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hà (Viện Tâm lý học - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho thấy, biểu hiện khó khăn rõ nhất mà học sinh đầu lớp 1 gặp phải là tình trạng "buổi tối, chơi xong rồi mới học".

Hiện nay, nhiều trường tiểu học không giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng các cô thường dặn trò, mỗi tối nên dành ra 30 phút để ôn bài và chuẩn bị cho bài học ngày mai. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu trên, vẫn có 4,8% học sinh chưa học bài buổi tối lần nào. Con số này tuy nhỏ nhưng cũng nói lên rằng, có những học sinh chưa thực sự có hứng thú đối với việc học và cha mẹ các em cũng thờ ơ với việc học tập của con mình.

Một hiện tượng trái ngược nhưng cùng mang đến một kết quả học sinh sợ học là một số ông bố, bà mẹ lại quan tâm thái quá. Một phụ huynh ở Hà Nội cho biết: " Tôi kèm con trai rất chặt, tối nào ăn cơm xong, cho nghỉ 30 phút rồi bắt ngồi vào làm toán và tập viết, tập đọc đến tận 10 giờ đêm. Thế mà học hành chẳng ra gì.

Trẻ lớp 1 ngại học, vì sao? - 1

Kết quả học tập của học sinh lớp 1 thường không cao vì trẻ chưa thích ứng được với hoạt động học tập. Ảnh: Trung Kiên

Cô giáo bảo ở lớp nó không tập trung, các bạn viết xong hết rồi nó vẫn còn nửa bài. Làm toán thì nhanh nhưng cô đứng cạnh thì làm, cô không đứng cạnh là nó ngồi chơi ngắm các bạn, nên từ hôm đi học đến giờ không được nổi điểm 7".

Các nhà tâm lý phân tích, chính việc cha mẹ quan tâm thái quá tới việc học tập của con đã mang lại hiệu quả không như mong muốn, nhiều khi còn ngược lại. Đơn giản như chuyện tập viết, bắt trẻ viết nhiều sẽ làm cho chúng mỏi tay, chán luyện tập và càng viết thì chữ lại càng xấu.

Thái độ đối với học tập của học sinh còn thể hiện qua ý thức tự giác học bài và làm bài tập ở nhà. Hỏi trẻ thì có 61,1% học sinh đến giờ học tự ngồi vào bàn, 31,1% có ngày phải nhắc nhở và 7,9% luôn phải nhắc nhở mới chịu học nhưng hỏi cha mẹ thì kết quả khác xa với đánh giá của con họ.

Theo cha mẹ các em, chỉ có 35,3% là không cần nhắc nhở và có tới 15,2% luôn phải nhắc mới chịu ngồi vào bàn học. Điều này thể hiện khó khăn đặc trưng của học sinh lớp 1 là các em đang trong quá trình hình thành thói quen học bài và làm bài ở nhà. Nếu cha mẹ không đôn đốc, nhắc nhở con thì thói quen học tập sẽ rất khó hình thành và nếu có thì cũng khó được duy trì.

Vừa học lại vừa chơi

Qua ý kiến của các bậc phụ huynh, có 43,5% học sinh làm bài xong hết mới đứng lên, 46,4% học sinh thỉnh thoảng vẫn đứng lên ngồi xuống hoặc làm những việc linh tinh và 10,1% học sinh liên tục ở trong trạng thái vừa học vừa chơi. Có những đứa trẻ, bị bố mẹ bắt ngồi vào bàn học, trên bàn chỉ có sách vở, không có gì để chơi, nhưng suốt buổi học, với hai bàn tay dưới ngăn bàn, chúng đã có một trò chơi bắn nhau đầy hứng thú.

Như vậy, chưa đến một nửa số học sinh trong mẫu khảo sát tập trung được khi học bài ở nhà. Đa số ý kiến của phụ huynh khi được phỏng vấn sâu đều cho rằng, không nên bắt học sinh lớp 1 học bài ở nhà với thời gian dài và nhiều bài tập. Nhưng trên thực tế, có người chỉ yêu cầu con ngồi học 30 phút, trong khi đó có cha mẹ bắt trẻ học tới 2 tiếng.

Theo kinh nghiệm của các giáo viên đang trực tiếp dạy lớp 1, thời gian học ở nhà của trẻ lớp 1 khoảng 30-40 phút, trong đó có nghỉ giải lao 5 phút, là phù hợp. Việc bắt con tập viết hoặc làm toán trong cả tiếng đồng hồ hoặc hơn thế nữa sẽ khiến trẻ mệt mỏi, hậu quả là trẻ chán, ngại học. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, cha mẹ nên căn cứ vào thái độ thích ứng của mỗi trẻ để sắp xếp giờ học cho con một cách hợp lý.

Khó khăn tâm lý của học sinh lớp 1 có ảnh hưởng tới kết quả học tập cũng như tới sự phát triển toàn diện của chúng sau này. TS Vũ Ngọc Hà cho rằng, để giúp các em vượt qua khó khăn này, bên cạnh việc cung cấp những hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi cho phụ huynh để họ biết cách hỗ trợ con học bài ở nhà một cách khoa học, một giải pháp quan trọng là nên cho trẻ tiếp cận làm quen với môi trường giáo dục trước tuổi đến trường. Có nghĩa là học sinh trước tuổi đến trường bắt buộc phải qua lớp mẫu giáo lớn để trẻ có thể thích nghi và hòa nhập nhanh với môi trường tiểu học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lâm Vũ (Hà Nội Mới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN