Tình yêu trên hành trình gieo chữ

Với tình yêu nghề, yêu trẻ nhiều thầy cô còn rất trẻ đã vượt qua khó khăn cách trở để ở lại với thôn bản gieo chữ, thắp ước mơ. Trong hành trình đó, có những người đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng như trường hợp của cô Nguyễn Thị Thêu, cô Phùng Thị Huyền - giáo viên cắm bản tiêu biểu năm 2015.

Tình yêu trên hành trình gieo chữ - 1

Cô giáo Nguyễn Thị Thêu bên học trò vùng cao. Ảnh: Xuân Tùng

Gửi con về quê, dạy trẻ vùng cao

Trong những ngày hoa tam giác mạch bung nở, chúng tôi đến điểm trường Sảng Pả thuộc Trường Tiểu học Phố Cáo (huyện Đồng Văn, Hà Giang) - nơi vợ chồng giáo viên cắm bản Nguyễn Thị Thêu (SN 1970) và Nguyễn Văn Chức (SN 1971) đứng lớp. Từ hai phòng học của dãy nhà cấp 4 lợp ngói cũ kỹ đều đặn vang tiếng trẻ đánh vần và tiếng thước giữ nhịp, giảng bài. Không gian tứ bề núi rừng như rộn ràng hẳn lên, bớt đi cái bóng chiều âm u của núi rừng Sảng Pả.

Bên mái hiên của khu nhà giáo viên sát vách lớp học, cô Thêu cho hay quê Ninh Bình, tình nguyện lên Đồng Văn và được phân công về điểm Trường Tiểu học Lũng Thầu khi mới 25 tuổi. Cô đã gặp và nên vợ chồng với thầy giáo Chức (quê Tuyên Quang) lên cắm bản trước cô một năm. “Điểm trường xa cách, anh ấy lại ít hơn một tuổi nên lúc đầu tôi cũng không có ý định lập gia đình trên này. Nhưng khi gắn bó ở đó thì tình cảm cũng đến tự khi nào không biết”, cô Thêu tâm sự. Kể về những ngày đầu mới lên Lũng Thầu công tác, cô không khỏi rùng mình. Nhiều lần bật khóc tức tưởi khi vượt con đường mòn vắt ngược lên đỉnh núi với tên gọi dốc Tám Hào, từ điểm trường chính vào điểm lẻ phải men theo khe núi đá bên bờ vực sâu cực kỳ hiểm trở. “Những ngày mùa đông gió bấc, sách vở học sinh ướt nhèm vì sương. Nhà lưu trú giáo viên cũng thấp lè tè, cheo leo sườn núi”, cô Thêu kể.

 Giữa trập trùng núi đá, cô giáo người Kinh phải làm quen với cuộc sống biệt lập thiếu thốn, xa lạ ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân, đa phần là người dân tộc Mông. Cả năm chỉ mong được nhìn thấy bóng áo trắng cán bộ, được gặp gỡ người Kinh để thoải mái chuyện. Cô Thêu tâm sự: “Điểm trường có tôi và một cô giáo nữa, mỗi khi có các bạn đồng nghiệp đến chơi thì vui như Tết. Còn không, nhiều đêm hai chị em ôm nhau khóc vì vừa nhớ nhà, vừa thấy cuộc sống vùng cao khổ quá”. Nhưng, “ban ngày nhìn thấy học sinh là quên hết. Càng buồn bao nhiêu thì càng nén trong lòng và dồn hết sức lực cho học sinh”.

Trong những ngày gian khó cắm bản gieo chữ, cô Thêu luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của thầy giáo Chức. Điểm trường của hai người dạy cách sau cả nửa tiếng đi bộ đường núi và hai người gặp nhau qua những lần dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, đi vận động học sinh. “Lúc đầu là đồng nghiệp, là bạn thì sang thăm, trao đổi chuyên môn. Sau thì tình cảm nảy nở. Sau gần hai năm, hai người đi đến đám cưới”, thầy Chức nhớ lại. Đám cưới được tổ chức ngay tại Trường Tiểu học Lũng Thầu với sự hỗ trợ chung tay của các thầy cô trong trường.

Cô Thêu kể, ngày cưới chỉ có ít khách và hai người anh ruột cô lên chung vui. Đường sá cách trở, nhiều bạn bè, đồng nghiệp không đến được chỉ gửi quà mừng nên cỗ cưới gần 20 chục mâm thừa quá nửa. Hai người đến với nhau khi cùng khó khăn, lương thấp. Tiền tổ chức đám cưới được dành dụm tích góp từ tiền công dạy lớp ghép. Phòng của hai vợ chồng là gian nhà lưu trú trình tường được các bạn đồng nghiệp nhường. Tài sản lúc đó chẳng có gì, ngoài chiếc giường đơn. Cưới xong cũng phải chờ dịp hè được nghỉ mới về thăm nhà.

Gần hai chục năm đứng lớp cắm bản dạy dỗ, gieo chữ cho những đứa trẻ vùng cao, nhưng hai con của vợ chồng cô Thêu thầy Chức đều gửi về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc từ lúc bé. “Con trai đầu sức khỏe yếu, chân bị teo cơ do bị suy dinh dưỡng bào thai được gửi về quê từ hồi chuẩn bị vào lớp 1. Khi đi học, bàn ghế đều cao hơn so với người cháu nên ông ngoại làm gối kê cho vừa, nhưng bị bạn bè trêu nên không dùng nữa, cứ thấp thụp ngồi, mặt cúi sát bàn viết. Những lúc về, nghe cô giáo cháu kể lại, mẹ toàn khóc”, cô Thêu nghẹn ngào. Cô Thêu cũng chia sẻ: “Mọi người bảo chị giàu tình cảm sao xa con được. Nhưng khi đến lớp thì con em của người dân địa phương cũng như con mình nên không thể bỏ bê công việc”.

Tình yêu sét đánh

Tình yêu trên hành trình gieo chữ - 2

Hai vợ chồng cô Nguyễn Thị Thêu bên hiên nhà lưu trú ngắm nhìn ảnh của con. Ảnh: Xuân Tùng

Gặp nhau trên hành trình gieo chữ nơi rẻo cao, cô Phùng Thị Huyền (SN 1990, dân tộc Thái) - giáo viên cắm bản tại trường Mầm non Huổi Lếch đã kết duyên cùng với thầy giáo Hà Trung Thành (SN 1985) cũng dạy tại huyện Mường Nhé, Điện Biên. Cô Huyền kể, hai người tìm hiểu và dạm ngõ chỉ vỏn vẹn 7 ngày, nhân một chuyến cô về thăm quê anh Thành. “Cùng một quê hương, cùng nghề giáo nên cả hai nhanh có sự đồng cảm”, Huyền chia sẻ.

Quê Phú Thọ, cô Huyền lên Mường Nhé công tác từ tháng 5/2011 sau khi tốt nghiệp trường sư phạm. Điểm trường nơi cô dạy nằm lưng chừng dốc, chưa có điện lưới, thiếu nước sinh hoạt và giao thông thường bị chia cắt vào mùa mưa. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, ít quan tâm tới việc học hành của con. Giáo viên phải đến từng nhà vận động, thuyết phục phụ huynh cho trẻ đến trường. Điều kiện công tác, đời sống khó khăn, nhưng động lực để cô giáo trẻ 9X vượt qua chính là nụ cười hồn nhiên của trẻ. “Có những năm tháng chỉ là thời gian trôi, có những vùng đất chỉ là nơi ta đặt chân đến, có những người chỉ gặp gỡ vì phải tiếp xúc và có những nghề chỉ là kế sinh nhai… nhưng tất cả sẽ thay đổi khi con người có tình yêu và nhiệt huyết”, cô giáo 9x nói.

"Tiền tổ chức đám cưới được dành dụm tích góp từ tiền công dạy lớp ghép. Phòng của hai vợ chồng là gian nhà lưu trú trình tường được các bạn đồng nghiệp nhường. Tài sản lúc đó chẳng có gì, ngoài chiếc giường đơn. Cưới xong cũng phải chờ dịp hè được nghỉ mới về thăm nhà…”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thêu

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Xuân Tùng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN