Thiếu giáo viên chuyên trách hướng nghiệp

Hướng nghiệp phải được tiến hành từ THCS, đặc biệt đẩy mạnh ở cuối cấp THCS hơn là chỉ hướng nghiệp khi học sinh đã lên lớp 12.

“Khó khăn trong giáo dục hướng nghiệp (GDHN) cho học sinh (HS) hiện nay do đây chưa phải là công việc chính thống, giáo viên không có kiến thức và kỹ năng về công tác này” - PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp cho HS THPT” tổ chức tại Sở GD&ĐT TP.HCM ngày 3/10.

ThS Phạm Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), đánh giá hoạt động GDHN ở trường phổ thông chưa được quan tâm đúng mức, bắt nguồn từ việc thiếu đội ngũ am hiểu về tâm lý học hướng nghiệp, thiếu thông tin thị trường lao động, động cơ tham gia các lớp học nghề của HS còn lệch lạc (chủ yếu học để lấy điểm cộng thi tốt nghiệp)…

TS Nguyễn Ngọc Tài - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH, Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - dẫn chứng: “Giáo viên còn nhầm lẫn giữa việc học các tiết kỹ thuật trong trường là GDHN, cũng như HS học để lấy giấy chứng nhận học nghề (cộng vào điểm thi tốt nghiệp) là GDHN. Chưa kể, tài liệu hướng nghiệp còn ít thông tin và không được cập nhật, giáo viên chưa được tập huấn và trang thiết bị chưa được đáp ứng theo yêu cầu… Chính vì vậy việc hướng nghiệp cho HS không có chất lượng. HS lớp 9 chưa có khái niệm về chọn nghề nghiệp cho tương lai, còn HS lớp 12 chỉ được hướng nghiệp khi chuẩn bị làm hồ sơ dự thi ĐH, CĐ”.

Để hướng nghiệp hiệu quả, ThS Phạm Đăng Khoa đề xuất các trường thường xuyên tổ chức cho HS tham quan các trường ĐH, CĐ, trung cấp, trường nghề, các xí nghiệp… để HS có cái nhìn toàn diện về ngành nghề mình định lựa chọn. Nếu được, có thể liên kết với các trường này để tổ chức các buổi thực tập cho HS, để HS được làm trực tiếp thay vì chỉ tham quan. Khi tổ chức các hoạt động GDHN cũng nên mời phụ huynh tham gia vì thực tế việc chọn nghề của HS phụ thuộc khá nhiều vào ý kiến và mong muốn của phụ huynh.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, GDHN cần phải xuyên suốt, tức không chỉ bắt đầu ở cuối cấp THCS và kết thúc khi HS lựa chọn được khối thi và ngành học. Hướng nghiệp ở trường ĐH là một điều khá quan trọng mà ít được quan tâm hơn so với công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông. Do đó, vào năm thứ nhất, sinh viên cần được tiếp tục giới thiệu đầy đủ hơn về trường, khoa của mình, về các bộ môn, các môn học. Quá trình hướng nghiệp không dừng lại ở vài buổi giới thiệu mà cần xuyên suốt thời sinh viên thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi tiếp xúc với các nhà tuyển dụng, các ngày hội nghề nghiệp…

60% học sinh chọn sai ngành học

Theo khảo sát của chúng tôi, tỉ lệ HS chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% HS có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.

ThS TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN