Thí sinh phấp phỏng đăng ký xét tuyển đợt 1

Hôm nay (1-8), hơn 400 trường ĐH, CĐ cả nước chính thức nhận hồ sơ xét tuyển hệ chính quy.

Trước thềm tuyển sinh đợt 1, nhiều thí sinh và phụ huynh bày tỏ sự âu lo điểm chuẩn vào các trường tăng nhiều hay ít so với năm trước. Số thí sinh cùng ngành nộp vào nhiều hay ít, cơ hội vào ngành mình thích đạt bao nhiêu phần trăm. Cùng đó, nhiều thí sinh còn tính toán phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT hay học bạ cho chắc ăn.

Thận trọng những ngày đầu

Giang Gia Hảo, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết: “Kỳ thi THPT vừa rồi em đạt 15 điểm khối D, bằng điểm sàn xét tuyển vào các trường ĐH do Bộ GD&ĐT vừa công bố”. Với mức điểm này, Hảo mong muốn vào ngành ngôn ngữ Anh thuộc trường công lập để bớt gánh nặng học phí.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia tuyển sinh, với điểm thi chỉ bằng điểm sàn thì cơ hội vào các trường có ngành ngôn ngữ Anh gần như bằng không vì điểm trúng tuyển thường cao hơn điểm sàn rất nhiều. Do vậy, trường hợp của Hảo nên chuyển sang nộp học bạ THPT để xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM sẽ có nhiều cơ hội hơn. “Em đã tham khảo khá kỹ, năm ngoái ngành ngôn ngữ Anh xét theo học bạ tại trường này là 21 điểm, so với điểm thi môn tiếng Anh năm nay không cao, trong khi học bạ em có 22 điểm nên em khá yên tâm với định hướng ngành mình đã chọn” - Hảo tính toán.

Thí sinh phấp phỏng đăng ký xét tuyển đợt 1 - 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015. Ảnh: P.ĐIỀN

Với 21,5 điểm khối A, thí sinh Phạm Thị Kim Ngọc, học sinh Trường THPT Bình Đông (Gò Công, Tiền Giang), cho biết sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Thí sinh này so sánh năm trước điểm chuẩn vào ngành này là 20,75. Tuy nhiên, Ngọc vẫn lo lắng nếu nhiều thí sinh có điểm cao hơn nộp vào ngành này thì sẽ mất cơ hội vì năm nay các trường không cập nhật số thí sinh nộp vào, mức điểm ra sao.

Thí sinh Ngô Tấn Phát đạt 23,25 điểm khối B (toán, hóa, sinh). Dù điểm khá cao nhưng Phát phân vân do đã định hướng vào ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong khi điểm chuẩn ngành này năm trước là 23,75. “Trước ngày xét tuyển, tâm trạng của em khá phấp phỏng vì đây là ngành có điểm chuẩn khá cao, nộp vào không biết có an toàn. Để ăn chắc, nguyện vọng 2 em xét tuyển ngành công nghệ kỹ thuật hóa của ĐH Nông Lâm TP.HCM” - thí sinh này chia sẻ.

Cân nhắc xét tuyển bằng học bạ

TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin dù hôm nay trường mới chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, tuy nhiên từ ngày 25-7 trường đã nhận khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng học bạ THPT, trong đó 300 hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp.

Ông Thanh lưu ý năm nay thí sinh cùng lúc có thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ bằng hai kênh là sử dụng kết quả thi THPT và học bạ THPT. Thí sinh có thể sử dụng cùng lúc hai kênh trong trường hợp kết quả điểm thi THPT cao. “Số thí sinh có nhu cầu xét tuyển bằng học bạ khá lớn, trong khi chỉ tiêu xét theo hình thức này tại các trường không lớn (khoảng 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh). Do vậy sự cạnh tranh theo hình thức này cũng sẽ rất gay gắt. Các em cần tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành của các trường để tính toán nộp hồ sơ, không nên thấy điểm thi thấp mà hấp tấp dùng kết quả học bạ để xét tuyển” - TS Thanh hướng dẫn.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng rất khó đánh giá những ngày đầu tiên số thí sinh nộp hồ đăng ký xét tuyển vào trường đông hay thưa vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thí sinh nộp hồ sơ qua bưu điện, đăng ký trực tuyến và trực tiếp tại trường. Ông Minh cho biết sau khi có kết quả điểm THPT, nhiều thí sinh, phụ huynh ở các địa phương đã đến trường tìm hiểu thông tin tuyển sinh, các ngành đào tạo, tư vấn cơ hội nghề nghiệp khi ra trường.

Cẩn thận với ngưỡng xét tuyển bằng điểm sàn

Một số chuyên gia tuyển sinh cho rằng rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay nhiều trường đã xây dựng điểm sàn xét tuyển khá sát với điểm chuẩn. Đây là sự thuận lợi cho thí sinh khi cân nhắc chọn đăng ký xét tuyển vào các trường này. Ngược lại, một số trường có điểm trúng tuyển hằng năm khá cao (từ 20 điểm trở lên) nhưng công bố ngưỡng điểm xét tuyển bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT (15 điểm). Điều này dễ thu hút thí sinh nộp vào nhưng tỉ lệ “rủi ro” cao do điểm sàn và điểm chuẩn cách nhau khá xa. Do đó thí sinh nên so sánh phổ điểm trung bình của ngành với điểm thi của mình để cân nhắc việc nộp hồ sơ vào các trường này.

_________________________________

Theo quy định, đợt 1 thí sinh chỉ được phép đăng ký tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành. Các đợt bổ sung được đăng ký tối đa ba trường. Thí sinh cần tuân thủ nghiêm quy định này. Nếu nộp vào nhiều hơn hai (hoặc ba trường ở đợt bổ sung) hệ thống chỉ nhận hai (hoặc ba trường) bất kỳ trong số trường thí sinh đăng ký, như vậy thí sinh sẽ mất quyền tự lựa chọn trường. Hơn nữa, có thể mất phí mà không thể đăng ký trực tuyến (do hệ thống rà soát thấy số lượng trường đăng ký đã vượt mức quy định).

Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển từ ngày 1-8 đến hết 20-10 đối với bậc ĐH, ngày 15-11 đối với bậc CĐ với hình thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. Các trường tuyển sinh theo đề án riêng, thời hạn cuối xét tuyển hết ngày 20-10 (bậc ĐH), ngày 15-11 (bậc CĐ).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Điền (Pháp Luật TPHCM)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN