Thấy gì sau vụ Thủ khoa về quê “chăn lợn”?

Sự kiện: Giáo dục

Câu chuyện Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp đại học Bùi Thị Hà (Hà Giang) ở nhà phụ mẹ bán hoa, nuôi lợn trong lúc chờ thi biên chế khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng về chính sách tuyển dụng tài năng hiện nay. Trong khi một số Thủ khoa như Hà chấp nhận thất nghiệp, chờ đợi thi vào biên chế, thì ngược lại nhiều Thủ khoa khác đã không lựa chọn vào nhà nước vì... lương quá thấp.

Thấy gì sau vụ Thủ khoa về quê “chăn lợn”? - 1

Các sinh viên hiện nay đang chịu nhiều áp lực cả trong học tập lẫn sau khi tốt nghiệp. Ảnh minh họa: Q.Anh

Thủ khoa đại học về quê “chăn lợn”

Suốt hơn một tuần qua, câu chuyện của Bùi Thị Hà (Hà Giang), Thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ở nhà phụ mẹ bán hoa, nuôi lợn để chờ kỳ thi vào biên chế đã trở thành đề tài “nóng” được tranh luận rất nhiều trên mạng xã hội. Những tranh cãi về “Thủ khoa chăn lợn” dường như chưa có điểm kết thúc khi đằng sau đó là rất nhiều “vấn đề” xung quanh chuyện tuyển dụng, tấm bằng và cả những nỗ lực khát khao muốn làm việc hay không của chính “Thủ khoa chăn lợn”.

Nhiều người cảm thông với Hà, nói về sự lãng phí nhân tài, trách móc tỉnh Hà Giang, thậm chí là Bộ GD&ĐT. Nhưng cũng có những người “thẳng tưng” với Hà rằng em đã thụ động, quen nếp nghĩ lạc hậu “phải bám vào biên chế”, chấp nhận cảnh “chăn lợn” để chờ thời cơ… Thực tế, không phải tới Bùi Thị Hà, người ta mới nghe chuyện chật vật tìm việc của các Thủ khoa. Trong những năm gần đây, hầu như câu chuyện Thủ khoa thất nghiệp, Thủ khoa làm việc phụ giúp gia đình trong lúc chờ việc… luôn xuất hiện, tạo “bão” mạng như một sự thật các tân thủ khoa “vỡ mộng” sau khi rời giảng đường đại học.

Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng?

Bước ra khỏi giảng đường, sau nhiều năm phấn đấu những sinh viên xuất sắc với tấm bằng “đỏ” trên tay và tự hào là Thủ khoa một trường đại học nào đó. Tuy nhiên, họ đã gặp không ít những khó khăn khi xin việc, lựa chọn giữa công việc theo chuyên môn, mức lương. Chia sẻ về khó khăn khi mới ra trường, anh Phan Anh Thư - Thủ khoa “đầu ra” của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (năm 2011) tâm sự: “Suốt quá trình học đại học, tôi luôn nỗ lực để đạt tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc. Để mong muốn cống hiến nhiều hơn, tôi đã chọn làm giảng viên đại học để sau này học lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, mới đầu hệ số lương là 2,34, nhận 85% lương tập sự cũng cảm thấy rất khó khăn”.

Đây cũng là lý do khiến số Thủ khoa tốt nghiệp ĐH làm việc ở các cơ quan nhà nước chiếm một phần rất nhỏ. Nhiều Thủ khoa cho rằng, lựa chọn công việc đó là quan điểm của từng người theo nhu cầu bản thân, nhưng đãi ngộ đối với các Thủ khoa hiện nay cho thấy nhiều bất cập, ra trường cũng không khác gì những sinh viên bình thường khác.

Chỉ ra một số bất cập trong chính sách đãi ngộ đối với các Thủ khoa đại học hiện nay, GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết: “Dù đã cố gắng cải thiện, song chính sách ưu đãi người tài hiện còn quá nhiều bất cập, chưa bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhân tài dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”. Theo tôi, các tài năng tốt nghiệp đại học cần phải được tạo môi trường làm việc thuận lợi, phải có chế độ đặc biệt, nếu theo kiểu lương theo ngạch bậc, vài năm tăng một bậc, không đủ sống sao mà yên tâm công tác, công hiến được? Để không lãng phí tài năng, cần có sự kết hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, địa phương và cả Bộ GD&ĐT cũng phải tham gia”.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, thực tế chứng minh những chính sách tuyển dụng, đãi ngộ tài năng ở nhiều nơi hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Sinh viên tài năng hoặc tìm học bổng du học rồi ở lại, hoặc “đầu quân” cho doanh nghiệp nước ngoài đang là hiện tượng “chảy máu chất xám” làm dấy lên nhiều lo ngại, song đến nay vẫn chưa có cách khắc phục.

Để đánh giá công tác tuyển dụng các Thủ khoa về công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, UBND TPHà Nội mới đây đã giao Thành đoàn Hà Nội chủ trì, phối hợp với hai sở: Nội vụ, GD&ĐT hoàn thiện báo cáo đánh giá hoạt động tuyên dương Thủ khoa xuất sắc, tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố; hiệu quả của việc tuyển dụng Thủ khoa về công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong các năm qua.

Hà Giang: ”Thủ khoa nuôi lợn” quyết định xuống Hà Nội làm giáo viên hợp đồng

“Nếu lần này tỉnh Hà Giang vẫn không “trọng dụng” em thì em sẽ xuống Hà Nội làm giáo viên hợp đồng dù em không muốn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN