Thấy gì qua những con số của 'chuyến tàu' phong GS, PGS?

Sự kiện: Giáo dục

Với những số liệu được công bố công khai trên báo chí và trang thông tin của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, dù rất khó có thể rút ra kết luận gì về chất lượng ứng viên đạt GS và PGS năm 2017 so với các năm trước nhưng phần nào cho thấy bức tranh chưa mấy sáng sủa về đội ngũ học thuật nước nhà.

1. Tỷ lệ bị ứng viên bị loại

Thấy gì qua những con số của 'chuyến tàu' phong GS, PGS? - 1

Tổng số ứng viên GS và PGS năm 2017 là 1537; với 1226 ứng viên được công nhận đạt qua hội đồng các cấp, tỷ lệ ứng viên đạt là 79,8%, cao hơn tỷ lệ này năm 2016 3,3%. Như vậy tỷ lệ bị loại của năm 2017 thấp hơn so với 2016 (20,2% so với 23,5%). Tiếc là tỷ lệ bị loại cao hay thấp không phải là chỉ số phù hợp cho thấy chất lượng ứng viên đạt các chức danh này qua các năm do bản chất của lựa chọn này là quy chiếu tiêu chí, chứ không quy chiếu nhóm chuẩn. Tức là các ứng viên được đánh giá so với chuẩn cụ thể định sẵn, chứ không phải cạnh tranh lẫn nhau để sàng lọc.

Ở đây, vẫn còn một câu hỏi đặt ra là tiêu chí để bỏ phiếu bầu ở các hội đồng là gì. Liệu có một quy định ngầm/bất thành văn nào về tỷ lệ loại ứng viên hay không khi con số này trong vòng 5 năm trở lại đây chạy trong khoảng 20-26%.

2. Số bài báo ISI/Scopus trung bình trên đầu ứng viên đạt (giả định bài báo ISI/Scopus được đồng thuận là thể hiện chất lượng xuất bản và NCKH)

Thấy gì qua những con số của 'chuyến tàu' phong GS, PGS? - 2

Năm 2017 có 1226 UV được công nhận đạt cả hai chức danh GS và PGS. Tổng số bài báo ISI/Scopus là 5316. Các con số này năm 2016 lần lượt là 712[1] và 2504. Tỷ lệ bài báo trên mỗi ứng viên được công nhận qua hai năm lần lượt là 4,3 bài/ứng viên năm 2017 và 3,5 bài/ứng viên năm 2016. Nếu nhìn qua con số này sẽ tưởng rằng có thể khẳng định chất lượng ứng viên đạt hai chức danh năm 2017 cao hơn năm 2016, thực tế lại không hẳn vậy.

Hãy xem con số ứng viên đạt có bài báo ISI sẽ thấy toàn bộ 5316 bài báo năm 2017 dồn vào 588 ứng viên, tương đương xấp xỉ 48%. Suy ra có tới 52% ứng viên có số bài báo ISI/Scopus bằng Không. Con số này năm 2016 là 63%.

Trong trường hợp có sự "cực đoan" trong dữ liệu, thông thường giá trị trung bình (mean) không được sử dụng vì nó không phản ánh thực tế. Thay vào đó, những người ta có thể xem xét các giá trị khác như trung vị (median) và yếu vị (mode). Do không có đầy đủ số liệu bài báo của toàn bộ ứng viên, việc tính toán các giá trị này không thực hiện được, nhưng có thể tạm suy đoán nhiều khả năng các giá trị này bằng 0. Khi ấy sẽ không thể kết luận chất lượng của năm nào cao hơn năm nào mà chỉ thấy con đường hội nhập quốc tế rất xa xôi.

Ở đây, xin được lưu ý một lần nữa rằng số bài báo trung bình trên mỗi đầu ứng viên đạt KHÔNG phải là chỉ số phù hợp phản ánh chất lượng. Có thể xem một ví dụ cực đoan thế này: Một trường đại học có 100 giảng viên, trong đó 1 giảng viên có 500 bài báo và 99 giảng viên còn lại không có bài báo nào. Nếu tính trung bình, mỗi giảng viên trường này có 5 bài báo, nhưng rõ ràng không thể kết luận trình độ xuất bản và năng lực nghiên cứu của trường này rất tốt.

Trên thực tế trong số các ứng viên đạt năm 2017 có những người có tới 150-160 bài báo ISI/Scopus.

3. Số ứng viên không đạt 

Ngoài những có số mà tự thân chúng nói lên nhiều điều như ở trên, công luận còn dành sự chú ý tới nhóm những ứng viên bị loại. Báo chí và dư luận trong giới học thuật trên mạng xã hội đưa ra một số trường hợp có xuất bản rất tốt với hàng chục bài ISI/Scopus, chỉ số H-index cao mà 'trượt' GS và PGS năm nay. Có đúng họ có thành tích tốt như vậy không, và vì sao họ bị loại? Những câu hỏi này đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của các hội đồng xét duyệt các cấp. Một lần nữa, người viết nhấn mạnh sự cần thiết phải công khai cơ sở dữ liệu ứng viên, hồ sơ ứng viên và kết quả chấm điểm và xét duyệt của toàn bộ 1537 ứng viên.

4. Tổng số ứng viên đạt và Mức tăng số ứng viên được công nhận

Năm 2017 có 1226 ứng viên được công nhận đạt chuẩn chức danh GS và PGS, tăng 1,7% so với năm 2016, và là con số cao nhất từ trước đến nay. Với những con số ở trên, có thể thấy ứng viên năm 2017 không xuất sắc vượt trội so với các năm trước. Trước những e ngại về chất lượng đội ngũ GS và PGS, chính những e ngại này đã thúc đẩy việc nâng chuẩn GS và PGS, lý do gì cần phải duyệt phong chức danh GS và PGS ồ ạt cho một số lượng lớn gần gấp đôi số ứng viên như vậy? Có phải các trường đại học và viện nghiên cứu đang thiếu hụt nghiêm trọng và cần gấp một lượng giáo sư, phó giáo sư cho hoạt động của mình trong năm 2018?

Biết rằng số ứng viên 2017 về cơ bản đều đáp ứng chuẩn hiện hành và rằng việc phong chức danh cho những người đạt chuẩn là không bất thường. Điều bất thường nằm ở chỗ tại sao mở rộng thời gian nhận hồ sơ tới 6 tháng?

Theo nhiều ý kiến của các học giả trong nước, để có thể kiểm soát chất lượng triệt để hơn, có thể dừng việc xét phong năm 2017 cho đến khi ban hành chuẩn mới và xét phong theo chuẩn mới. Nếu tính đến mức tăng ngân sách để chi trả lương và phúc lợi cho hàng ngàn GS và PGS sẽ/sắp được phong, đến ngân sách dành cho thực hiện đề tài các cấp mà khi có chức danh GS và PGS họ có thể được giao thực hiện, nếu họ không mang lại chất lượng xứng đáng, thiệt hại sẽ không phải là nhỏ.

Việc công bố công khai dữ liệu ứng viên sẽ rộng đường cho công luận phản biện, giúp làm sáng tỏ bản chất của các loại chứng chỉ (chứng minh năng lực ngoại ngữ), các loại tạp chí chất lượng kém, thường gọi là tạp chí giả, các hình thức 'mua' xuất bản, các hình thức đạo văn, nguỵ tạo số liệu, nguỵ khoa học.

129 hồ sơ giáo sư, phó giáo sư thuộc diện phải xem xét lại

Chiều 27/2, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã tổ chức phiên họp báo cáo kết quả rà soát chức danh giáo sư, phó...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Ngọc (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN