Tăng học phí tại ĐH Kinh tế Quốc dân: Giỏi mà nghèo cũng khó “trèo” qua cổng

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tăng học phí cao khiến không ít sinh viên của trường cảm thấy sốc. Tuy nhiên, việc một giảng viên của trường này (quan điểm cá nhân) đặt vấn đề giáo dục như “hàng hóa”, sinh viên là “khách hàng” và thu cao cũng là chuyện “tiền nào của nấy” đã nảy ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng, để sinh viên nghèo phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí là câu chuyện đau lòng của những người tâm huyết với giáo dục.

Tăng học phí tại ĐH Kinh tế Quốc dân: Giỏi mà nghèo cũng khó “trèo” qua cổng - 1

Quy định học phí cho năm học 2016 - 2017 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có 3 chuyên ngành 17.000.000đồng/năm.

Sốc vì học phí cao “chót vót”

Suốt tuần qua, việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) thông báo mức tăng học phí cho năm học 2016 - 2017 với mức khá cao khiến nhiều sinh viên của trường “sôi sục” trên diễn đàn của nhà trường. Thậm chí, nhiều sinh viên tỏ ra bất bình với cách tăng học phí chóng mặt này. Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng này có thể khiến nhiều gia đình sinh viên gặp khó khăn hơn, thậm chí phải nghỉ học vì không lo đủ tiền đóng học phí. Chưa dừng lại ở than vãn, một số sinh viên còn “dọa” sẽ bỏ học nếu nhà trường thu học phí cao.

Cụ thể, năm học 2016 - 2017 tới, học phí các ngành của sinh viên trường này sẽ tăng gần 30% so với năm học trước. Học phí cao nhất là của K57 (sinh viên năm thứ 2) và K58 (khóa sẽ tuyển sinh năm 2016). Các ngành: Kế toán tổng, Kiểm toán, Kinh tế đầu tư và Kinh tế Quốc tế, Tài chính doanh nghiệp có mức học phí lên 530.000 đồng/tín chỉ, tăng 115.000 đồng/tín chỉ so với năm trước. Học phí của các ngành khác cũng tăng từ 70.000 đồng đến 95.000 đồng/tín chỉ. Như vậy, mức học phí cao nhất của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho năm học mới, cao nhất sẽ là 17 triệu đồng/năm.

Chưa dừng lại ở đó, trên mạng xã hội ngày 21/7 đã lan truyền quan điểm trên Facebook được cho là của thầy Phạm Thanh Long, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trường học là một doanh nghiệp, tri thức là hàng hóa, quan hệ sinh viên - nhà trường là mua - bán, “tiền nào của nấy”... Trong bài viết này nhấn mạnh: “Trường ĐH không cần quan tâm đến gia cảnh sinh viên... Học ĐH chính là một phi vụ đầu tư của các bạn và gia đình… Nếu không hiểu tất cả những điều tôi viết ở trên và vẫn không có tiền đóng học phí, chỉ biết kêu ca, thì các bạn hãy bỏ học thật, đừng dọa, tôi khuyên chân thành đấy”.

Sau khi statust được lan truyền, có ý kiến ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, số khác thì không ủng hộ và cho rằng thầy giáo không đồng cảm với những sinh viên có điều kiện gia đình khó khăn. Hơn nữa, nếu coi giáo dục là hàng hóa, sinh viên là khách hàng phải được đảm bảo hơn về lựa chọn, có quyền được yêu cầu nhà cung cấp “giảm giá”… Thậm chí, có nhiều người ví một số trường ĐH công lập khối kinh tế chỉ dành cho “con nhà giàu”, chẳng khác nào là đi “du học” trong nước.

Giáo dục không thể “tiền nào của nấy”

Đánh giá về quan điểm của thầy Long cho rằng, sinh viên đi học “tiền nào của nấy”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trong quy luật kinh tế thị trường luôn xuất hiện khái niệm này, nhưng bản thân kinh tế ở Việt Nam thì phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong giáo dục thì lại càng không nên đưa theo quy luật thị trường này, bởi giáo dục là đào tạo con người, không giống như hàng hóa, kinh doanh buôn bán. Nếu ví như ăn phở hay bán phở thì lại càng không nên, chẳng lẽ sinh viên đóng học phí thấp thì thầy giáo lại dạy qua loa, thiếu tâm huyết?

“Trên thực tế, có nhiều người hay so sánh đầu tư giáo dục, lương giảng viên, giáo sư ở nước ngoài với trong nước chênh nhau quá xa. Nhưng phải xét trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, chế độ chưa cao nhưng vẫn đảm bảo được cuộc sống, hoàn cảnh đất nước ta còn khó khăn, nên nếu là người thầy cần phải tâm huyết, phải chịu phần thiệt thòi về bản thân mình để đào tạo ra những nhân tài cho đất nước. Cần phải có cái tâm của mình, có lòng thương yêu người khác, thấu hiểu được khó khăn của người học ra sao để giúp đỡ. Chứ không thể mang chuyện so sánh hay đánh giá giáo dục như hàng hóa. Ngày xưa, không có tiền, vẫn dạy tốt và học tốt đó thôi”, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, rõ ràng “lùm xùm” tăng học phí của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là do sinh viên chưa hài lòng, thậm chí bất bình trong chuyện tăng học phí có phần nguyên nhân từ nhà trường, tăng nhanh, tăng cao dẫn đến gây sốc cho sinh viên. Khi tăng học phí, cũng cần nghĩ tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em mất cơ hội được học chỉ vì học phí cao. Vì vậy, Nhà nước đã đưa ra khung, mức trần, mức sàn để quản lý chứ không phải để các trường áp dụng tăng “kịch trần”. Tăng học phí cần tính toán kỹ, dựa trên mặt bằng thu nhập xã hội và có lộ trình dần dần để người học chuẩn bị.

Thu theo đúng… lộ trình

Chia sẻ vấn đề học phí của nhà trường, TS. Lê Việt Thủy, Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, học phí của nhà trường đang áp dụng nằm trong mức Nhà nước cho phép, đúng lộ trình quy định. Theo TS.Lê Việt Thủy, mức học phí này cũng không quá cao, phù hợp chi phí đào tạo chung, tương đương với nhiều trường ĐH tự chủ tài chính khác trong nước. Với mức áp dụng học phí tại trường, có rất nhiều ngành 12 triệu đồng, chỉ có một số ngành 17 triệu đồng/năm. Điều này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh chi phí đào tạo của nhà trường.

Cũng theo TS Lê Việt Thủy, đối với những em sinh viên khó khăn, thuộc diện miễn giảm học phí, nhà trường thực hiện đầy đủ theo các quy định Nhà nước. Ngoài ra, các em không phải đóng thêm bất cứ một khoản tiền nào. Đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa tới mức được miễn giảm học phí của Nhà nước mà đủ điểm vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhà trường vẫn xem xét tặng học bổng hoặc miễn hoặc giảm học phí một phần cho các em. Hiện nay, quỹ học bổng của nhà trường do các cựu sinh viên, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, tài trợ lên tới 50 tỷ đồng cho 4 năm và cũng có rất nhiều tổ chức khác cũng trao học bổng cho sinh viên của trường.

“Hiện nay, trường chỉ có 5 ngành có học phí cao, trong đó có 3 ngành mức học phí 17 triệu đồng/năm. Nhà trường đã phải tính toán chi phí, tuy nhiên mức học phí này vẫn chưa đáp ứng được các chi phí để đảm bảo chất lượng. Khi nhà trường trang bị máy chiếu, điều hòa, quạt mát… thay đổi các cơ sở vật chất. Khoảng một năm nữa, tòa nhà trung tâm của trường đi vào hoạt động, đảm bảo điều kiện học tập cho sinh viên. Đây sẽ là cơ sở vật chất hàng đầu trong các trường ĐH hiện nay. Mức học phí hiện tại sẽ đảm bảo chất lượng, nhà trường cũng công khai để các gia đình, thí sinh lựa chọn, nhất là khi những ngày tuyển sinh đang đến gần. Trường sẽ không để trường hợp nào vì khó khăn mà phải nghỉ học. Sinh viên hoàn toàn có thể xin hoãn nộp học phí”, TS Lê Việt Thủy cho biết thêm.

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm tài chính, áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo (lộ trình từ năm học 2015 - 2016 tới năm học 2017- 2018) như sau: Ngành KHXH, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 1.750.000đồng/tháng; KHTN; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 2.050.000đồng/tháng; y dược là 4.400.000đồng/tháng.

(Trích Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ)

Dù học phí cao, song các trường tự chủ tài chính, cụ thể là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn là lựa chọn của nhiều thí sinh năm nay. Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh ĐH năm 2016 được tổ chức tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (ngày 23/7) và Ngày hội tuyển sinh của trường (ngày 24/7) Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thu hút khá nhiều thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin. Sau đây là một số ý kiến của thí sinh:

- Thí sinh Nguyễn Phương Thảo (ở Quốc Oai, Hà Nội): Năm nay em được 20 điểm khối D, dự định của em là muốn đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Dù em biết học phí của trường là khá cao, nhưng bố mẹ em cũng sẽ cố gắng lo đủ cho em, mặc dù sẽ vất vả hơn. Em chỉ sợ không đỗ vào trường vì trường này lấy điểm khá cao hằng năm.

- Thí sinh Nguyễn Đức Thuận (ở Trực Ninh, Nam Định): Các trường khối ngành kinh tế hiện nay đang có học phí cao như: ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, em cũng rất muốn học tại hai trường này. Tuy nhiên, mức học phí cao quá, cộng với chi phí ăn học, thuê trọ ở Hà Nội cũng khiến em phải suy nghĩ kỹ, có thể sẽ tìm trường khác có khối ngành tương đương, hoặc sẽ phải đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho gia đình nếu vào các trường này.

- Thí sinh Lê Ngọc Hoa (ở Đống Đa, Hà Nội): Học phí cao cũng khiến em khá lo lắng, nhưng nếu tính ra mỗi tháng cũng chỉ 1,7 triệu đồng và sẽ không tăng nhiều lắm theo lộ trình quy định ở các năm tiếp theo. Em cũng sẽ đăng ký dự tuyển vào trường này trong xét tuyển theo nhóm. Thi đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hay ĐH Ngoại thương là mơ ước của nhiều thí sinh chúng em, vì các trường này khá năng động, dạy ngoại ngữ tốt nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN