Sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân: Học phí tăng "khủng khiếp", em trụ lại trường sao nổi?

Vừa qua, tâm thư của một sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân trải lòng về những bức xúc xung quanh câu chuyện tăng học phí năm học 2016 – 2017 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân: Học phí tăng "khủng khiếp", em trụ lại trường sao nổi? - 1

Mức thu học phí của ĐH Kinh tế Quốc dân

Xin được trích nguyên văn bức thư:

“Em là K57, em đỗ NEU với số điểm không cao lắm, may mắn trong sàn đấu chứng khoán năm ngoái em đỗ đuọc ngành em thích.

Nhưng khổ nỗi, nhà em thì không giàu có gì, thực ra là nghèo ạ, mẹ em thì bán dép, bố em thợ xây, thỉnh thoảng bố mẹ có chuyển sang nghề khác như bán hoa quả theo mùa nhưng kiểu buôn ấy ạ, đến vườn nhà người ta mua mấy chục cân rồi lên phố bán, cũng chẳng được bao, dưới em còn 1 em trai nữa, nhà em như này đơn giản là do bố mẹ em trước không được đi học, chỉ biết cái chữ và tính toán đơn thuần, em cũng không trách được bố mẹ em, mỗi người mỗi phận, em được sinh ra và nuôi nấng trong gia đình em là may mắn lắm rồi...

Mà chắc thầy cô đi làm cùng biết, làm thợ xây, với bán dép được bao nhiêu, bố với mẹ em đi làm ở quê khách có đông như trên này đâu, tính ra trung bình được gần 5tr/1 tháng. Mà nhà em còn bao nhiêu thứ phải chi, tiền ăn, tiền học của em, tiền học của em em, rồi thỉnh thoảng có công có việc, cũng phải bỏ tiền ra, cuối cùng mỗi tháng may ra tiết kiệm được 1tr là khá nên cũng chẳng mua được đồ đạc gì nhiều...Có lẽ thầy cô ko nghĩ tới rằng sinh viên NEU còn những gia đình như vậy...

Bố mẹ em luôn quyết tâm dù có vất vả, khó khăn đến đâu, cũng cố gắng cho các con ăn học đầy đủ, mà bố mẹ em giờ cũng gần 50 rồi...và em biết, không chỉ riêng bố mẹ em, còn rất nhiều bố mẹ bạn khác ở trường hoàn cảnh như em nữa. 

Em cũng may mắn, lên đây chỉ 2 tháng, em đã bắt đầu kiếm được công việc gia sư, nhưng thực sự gia sư tốt thì mới có thể đi dạy kín tuần, những đứa như em, dạy gia sư rất nhiều nên em bon chen để đc dạy cũng không phải là dễ, ngoài ra em còn làm ca bưng bê, 1 ngày có 4 tiếng thôi ạ, mỗi giờ em được trả 12.000 VNĐ, em cũng không muốn ảnh hưởng nhiều đến thành tích học tập nên em năm nhất mới chỉ đi làm được như vậy nên 1 tháng kiếm được ra hơn 3 triệu 1 chút có tháng thì chỉ gần 3tr, trừ hết tiền ăn uống tiền nhà và phí linh tinh thì em vừa đủ đóng học phí năm vừa rồi...và bố mẹ vẫn phải gửi lên 1 chút để chi tiêu đủ.

Nhưng hôm nay mới biết tin tăng học phí, em thực sự rất buồn, mặc dù vẫn biết có lẽ sẽ tăng 30% nhưng nhìn vào con số tiền/1 tín chỉ, em rất lo lắng, em lo lắng cho bản thân em, tăng 30% nghĩa là ít ra mình phải đi làm lương phải tăng 30% nếu không đủ thì bố mẹ sẽ phải gánh thêm 1 chút...

Thầy cô, nếu thầy cô đặt mình vào vai vế như chúng em, thầy cô có muốn chứng kiến cảnh bố mẹ mình phải vất vả hơn không.

Mong thầy cô xem xét cho chúng em về học phí....”

Thông tin về việc tăng học phí  của Đại học Kinh tế Quốc dân năm học 2016 – 2017 ở mức 530.000/tín chỉ với nhóm ngành kiểm toán, kinh tế đầu tư, kinh tế quốc tế và tài chính doanh nghiệp và mức 375.000/tín chỉ với một số ngành khác đã làm không ít sinh viên trong trường hoang mang, lo lắng. 

Trước đó, năm học 2015-2016 những “ngành hot” nhất tại trường Đại học Kinh tế quốc dân là 450.000/tín chỉ

Nếu áp dụng mức thu học phí này thì một sinh viên học “ngành hot” ước tính phải trả 17 triệu/ 10 tháng học tương đương với 31 tín chỉ. Còn với những ngành bình thường, sinh viên trả 12-14 triệu/10 tháng học.

Em Nguyễn Thị H. – sinh viên K57 khoa Du lịch Khách sạn cho biêt: “Thực sự từ hôm biết tin học phí lại tiếp tục tăng em khủng hoảng lắm. Chẳng biết có nên bỏ học không nữa. Tính ra một năm học của em nộp tầm 22 triệu tiền học phí mà mức học phí này chưa phải cao nhất. Kỳ này là 24 tín chỉ, kỳ sau cũng gần như vậy, chúng em được học nhiều nhất 25 tín chỉ/kỳ. Đó là khi em đã bước sang năm thứ 2. Cả năm thứ nhất chúng em cũng học cũng không dưới 37 tín chỉ. Chúng ta làm thử một phép nhân 37 tín chỉ x 530.000 là hơn 19 triệu (áp dụng mức học phí 530.000/tín chỉ).

Hiện tại em mới đăng ký được 18 tín chỉ và số tiền học đã là 8,1 triệu rồi. Mấy hôm nữa em đăng ký thêm 2 môn nữa vì hôm nay chỉ được đăng ký tối đa 18 tín. Bình thường, chúng em được đăng ký tối đa 25 tín chỉ/ 1 kỳ nhưng ít người đăng ký 50 tín chỉ/năm nhưng cũng không ai đăng ký dưới 35 - 37 tín chỉ/ năm. Ở khoa em xấp xỉ 140 tín chỉ sẽ được tốt nghiệp. Thử tính số tín chỉ với số tiền học phí xem nó khủng khiếp thế nào”.

Ngậm ngùi, em Nguyễn Thị H. nói tiếp: “Bố mẹ em làm nông dân nhà có em với chị gái em. Nông dân thì lấy đâu ra lương, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Chị gái em cũng mới ra trường, còn đang thử việc 2 đứa gần như ăn bám.

Thu nhập 1 tháng của cả gia đình em chắc được tầm 3-4 triệu cả chăn nuôi, trồng trọt. Năm ngoái khi quyết định đăng ký vào trường Kinh tế Quốc dân, biết là mức học phí cao nhưng thực sự chưa nghĩ rằng học phí lại “khủng khiếp” đến thế. Ngay cả khi tăng cũng tăng gần gấp đôi so với các trường khác, đó là chưa kể chúng em suốt ngày phải đi học nhờ nơi khác (học tại trường Trung cấp Công thương Hà Nội tại 57 Vũ Trọng Phụng).

Bố mẹ thương con nên cứ cắn răng, quần quật làm lụng, không đủ thì vay tiền cho con nộp học. Quan trọng là, học phí ở Kinh tế Quốc dân cao nhưng cơ sở vật chất không cải thiện. Học phí tăng, em chưa dám gọi điện về nhà báo với bố mẹ. Có lẽ em sẽ không nói, đi làm thêm bù vào khoản tăng, hi vọng ổn. Năm sau tăng thêm 30% nữa, chắc em đi vay nặng lãi để nộp mất”.

Sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân: Học phí tăng "khủng khiếp", em trụ lại trường sao nổi? - 2

  Phần đăng ký tín chỉ của sinh viên trường Kinh tế Quốc dân

Đồng quan điểm, em Nguyễn Thu H. - sinh viên K56 chuyên ngành Tiếng Anh thương mại, khoa Ngoại ngữ Kinh tế - một trong những khoa phải học nhiều tín chỉ nhất mới được tốt nghiệp chia sẻ: “Em là sinh viên K56 của trường ĐH Kinh tế quốc dân (năm nay lên năm 3) khi nghe được tin học phí (lại) tăng lên như vậy em thấy khá sốc.

Bởi lẽ, em cũng xuất thân ở nông thôn, nơi mà có nhiều gia đình vẫn còn đang gom góp, tiết kiệm tiền mới đủ cho con em đi học đại học. Em biết Kinh tế Quốc dân vốn là ước mơ của rất nhiều học sinh, nhưng với học phí như vậy, có nhiều bạn buộc lòng phải từ bỏ ước mơ vì không sợ đủ tiền trang trải. Còn những sinh viên đã "đâm lao thì phải theo lao", chỉ biết ngồi khóc than.

Các sinh viên khoa em học 181 tín chỉ là được tốt nghiệp. Kỳ này em đã đăng ký học 21 tín, đợi K58 vào em đăng ký thêm 1 môn 2 tín nữa, là 23 tín chỉ”.

Em Đ.T.H - sinh viên K57 khoa Tài chính Ngân hàng chia sẻ: “Gia đình em là một gia đình thuần nông. Cả bố và mẹ đều làm ruộng để kiếm cơm ăn và nuôi con ăn học. Gia đình em hiện tại tại có 2 anh em đang học đại học và 1 em út bắt đầu lên học cấp 3. Nhà làm nông nên thu nhập rất thấp, còn dựa vào thời tiết với giá cả thì trường nên cuộc sống khá bấp bênh, bình quân thu nhập cả nhà may ra được 4-5tr/ tháng.

Hiện tại thì nhà em cũng đang vay vốn sinh viên để cho 3anh em đi học, nếu với mức học phí tăng “khủng khiếp” như thế này thì em cũng không biết sao nữa, khó khăn lại càng khó khăn. E mới học xong năm nhất và trước mắt còn 3 năm nữa, học phí cứ tăng chẳng biết em có “trụ” được tới khi cầm tấm bằng tốt nghiệp không nữa.

Khóc hết nước mắt cũng không làm được gì. Thương đôi vai của bố mẹ ngày càng nặng thêm, lưng ngày càng còng. Sắp tới em sẽ tìm việc làm thêm để phụ vào tiền học phí”.

Sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân: Học phí tăng "khủng khiếp", em trụ lại trường sao nổi? - 3

Được biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Đại học Kinh tế quốc dân giai đoạn 2015-2017. 

Theo đó, trường sẽ chủ động khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế. 

ĐH Kinh tế quốc dân sẽ thu học phí ổn định theo kế hoạch nêu trong đề án với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 9,5 triệu đồng một sinh viên, năm học 2015-2016 tăng lên 11,5 triệu đồng và đến năm học 2016-2017 là 13,5 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN