Sĩ tử trầm cảm vì "ngộ chữ"

Dù mùa thi chưa bước vào giai đoạn “nóng” nhất, song không ít sĩ tử vì quá lo lắng đã phải vào viện điều trị bệnh trầm cảm, căng thẳng trước mùa thi. Thậm chí, không ít học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh còn tìm đến bói toán nhằm “xoay chuyển tình thế”, để có được kết quả tốt nhất…

Bỗng dưng… sợ học

Cách đây một tuần chị Nguyễn Thị Nụ, ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã phải đưa con gái đang học lớp 12 đến bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khoẻ vì những biểu hiện bất thường. Chị Nụ kể: “Như thường lệ, sau bữa cơm tối con gái tôi thường vào phòng riêng để học ôn, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Đang ngồi nói chuyện, bỗng vợ chồng tôi thấy tiếng cười, khóc lảm nhảm vọng ra từ phòng riêng của cháu. Mới đầu, tôi nghĩ cháu bật ti vi, ngủ quên nên vội vàng lên phòng bảo cháu vặn nhỏ tiếng lại. Không ngờ, vừa bước vào phòng tôi thấy cháu đang vò đầu, bứt tai, quần áo xộc xệch, dáng điệu rất ngây ngô nhảy múa trong phòng. Thấy cháu có biểu hiện bất thường, vợ chồng tôi đã đưa cháu ra Hà Nội để kiểm tra. Bác sĩ cho biết cháu bị mắc chứng rối loạn thần kinh tạm thời do quá lo lắng và căng thẳng. Cả nhà tôi không có ai tiền sử bệnh này, trước đây cháu hoàn toàn bình thường, học rất giỏi, vậy mà từ hôm vào viện đến giờ lúc nào cũng thẫn thờ, không chịu nói chuyện với ai, chỉ nhìn chăm chăm một điểm, lúc dữ tợn, lúc thất thần. Cũng tại vợ chồng tôi ép cháu học nhiều quá nên mới ra nông nỗi này…”.

Dường như, tình trạng học sinh, sinh viên mắc chứng trầm cảm, căng thẳng do phải chịu sức ép từ chính bản thân và sự kỳ vọng của người thân trong gia đình trước những kỳ thi ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt khi mùa thi đang đến gần. Bên cạnh những em do học nhiều, dẫn đến não hoạt động quá tải, rối loạn tâm thần thì không ít em lại mắc chứng… sợ học. Tốt nghiệp phổ thông năm 2011, Nguyễn Văn Thắng, 19 tuổi, quê ở Nam Định được cha mẹ định hướng thi vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Thi trượt, Thắng ngại tiếp xúc với mọi người, chỉ ngồi lì trong nhà. Không chịu từ bỏ, bố mẹ Thắng tìm mua các loại thuốc bổ “ép” Thắng uống để tiếp tục luyện thi. Không biết do ngộ chữ hay ngộ thuốc bổ mà Thắng cứ nhìn thấy sách vở là lại hoảng loạn, nói năng lảm nhảm. Khi được bố mẹ đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia thăm khám thì Thắng đã ở trong tình trạng khá nặng. “Các bác sĩ nói bệnh của cháu sẽ phải mất khá nhiều thời gian để điều trị và lấy lại cân bằng”, mẹ Thắng cho biết.

Thậm chí, trước áp lực phải “tỉnh táo” để ôn luyện, không ít sĩ tử đã dại dột tìm đến các loại thuốc an thần, hay loại thuốc có tên Amphetamine, một loại ma túy kích thích thần kinh đã bị cấm sử dụng, mà không biết loại thuốc này có thể khiến hệ thần kinh của người dùng bị ảnh hưởng.

Sĩ tử trầm cảm vì "ngộ chữ" - 1

Nhiều sĩ tử và cả các bậc phụ huynh còn tìm đến thầy bói để giúp các thí sinh vượt qua kỳ thi. (Ảnh minh họa).

Uống bùa để có kết quả cao

Bên cạnh đó, nhiều sĩ tử và cả các bậc phụ huynh còn tìm đến thầy bói để giúp các thí sinh vượt qua kỳ thi. Được một người bạn thân khuyên “sắp thi rồi, cậu cũng nên đi xem một quẻ, dự liệu trước kết quả, để còn chủ động”, Thảo Trang, học sinh lớp 12, một trường THPT ở quận Đống Đa quyết định đi xem thầy. Thầy phán: “6 môn thi tốt nghiệp tương đương với 6 lá bùa. Thầy sẽ làm cho 6 lá bùa hộ mệnh, đến trước ngày thi mang ra đốt rồi lấy tro hòa vào nước uống, đảm bảo thi đỗ 100%”. “Từ hôm nghe thầy phán kết quả kỳ thi tốt nghiệp sắp tới của em sẽ chẳng đâu vào đâu nếu không làm bùa khiến em vô cùng lo lắng. Chắc em phải bảo mẹ đi đặt lễ nhờ thầy giải hạn, bởi thầy nói nếu cố gắng thì vẫn có khả năng xoay ngược tình thế…”, Trang lo lắng.

Không chỉ sĩ tử mà nhiều phụ huynh cũng tìm đến “thầy” để nghe lời khuyên như làm lễ giải hạn, làm bùa... để giúp con em mình vượt qua kỳ thi suôn sẻ. Nghe bạn bè cùng cơ quan mách ở Nam Định có ông thầy cao tay, chị Nguyễn Thanh Hoà, ở phường Đức Giang, quận Long Biên sắm sửa đồ lễ chu đáo với hy vọng “trăm sự nhờ thầy”. “Chi phí đi lại và lễ lạt cộng lại cũng tốn bạc triệu, nhưng không hy sinh cái nhỏ thì việc lớn khó thành. Tương lai cả đời của con tôi đặt cả vào kỳ thi đại học. Học hành là một chuyện, vận số lại là chuyện khác. Nếu đã không biết thì thôi, nhưng bây giờ nghe thầy nói phải làm lễ mà lại không làm, có gì không may xảy ra, mình lại hối hận cả đời…”, chị Hoà tâm sự.

Theo bác sĩ Trần Thị Thu Hà - bệnh viện Bạch Mai, để có tâm lý ổn định trong mùa thi, học sinh, sinh viên cần có phương pháp học tập, ôn tập thật hợp lý. Việc tự đặt mình vào thế khó, buộc phải đạt điểm cao ở những môn học không thuộc sở trường chỉ khiến thần kinh bị căng thẳng, gây rối loạn tâm lý, giảm trí nhớ, thậm chí mất trí nhớ. Nếu các em có các biểu hiện như mất ngủ kéo dài, ánh mắt thất thần, nhức đầu, tính tình thay đổi, hành vi kỳ quặc... gia đình nên đưa con em mình đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị. Tuyệt đối, các bậc phụ huynh và sĩ tử không nên tự ý dùng các loại thuốc “tỉnh táo” như Amphetamine hoặc thuốc “bổ não” như Citicholin, Piracetam, Glyceryl phosphorylcholin vì các thuốc này hoàn toàn không có tác dụng tăng cường trí nhớ, thậm chí có những tác dụng phụ không như mong muốn.

Tiến sĩ Hoàng Cẩm Tú - Trung tâm Tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên đưa ra lời khuyên dành cho học sinh, sinh viên trước mùa thi:

Để tránh “tẩu hỏa nhập ma”, xen kẽ giữa quá trình ôn thi, các em nên có những phút chợp mắt hoặc nghe nhạc, cần kết hợp giữa học tập với các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội... Yếu tố môi trường cũng có tác động rất lớn đến tâm lý học tập, nếu ở nhà quá ồn ào, các em nên tìm những chỗ yên tĩnh hơn để học. Mỗi em nên tự xây dựng cho mình một thời gian biểu hợp lý để vừa bảo đảm kế hoạch ôn tập, vừa giữ gìn sức khỏe giúp các em bước vào kỳ thi với phong độ thư thái, tự tin. Giấc ngủ là một hình thức nghỉ ngơi quan trọng sau một ngày làm việc, giúp các em lấy lại sức lực, giúp đầu óc sảng khoái, tinh thần minh mẫn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp các em có thêm sức khoẻ. Bữa ăn cần có đủ chất, đặc biệt là có đủ protein, vitamin và chất khoáng. Nên chọn thịt nạc, thịt gà, cá, đậu, các loại rau quả tươi… đặc biệt phải hợp vệ sinh để tránh bị ngộ độc thức ăn, tiêu chảy trong mùa hè.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Bảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN