Ra đề thi trắc nghiệm: Không thể hiểu theo cách khô cứng

Năm 2017, trong kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn duy nhất môn Ngữ văn thi tự luận. Với các môn khác, thi trắc nghiệm sẽ có những thuận lợi và khó khăn cho học sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia một lần nữa khẳng định, thiết kế được đề trắc nghiệm hay, đánh giá được đúng năng lực của học sinh không đơn giản.

Ra đề thi trắc nghiệm: Không thể hiểu theo cách khô cứng - 1

Học sinh trao đổi về bài thi sau khi thi xong. Ảnh: Hồng Vĩnh.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT là một chuyên gia trong lĩnh vực khảo thí hiện nay. Ông cũng là một trong những người đưa khái niệm thi trắc nghiệm khách quan về Việt Nam. Dưới góc độ là một chuyên gia, ông cho rằng chất lượng thi trắc nghiệm phụ thuộc đề thi, đề thi làm tốt thì chất lượng thi tốt. Còn chất lượng thi tự luận phụ thuộc trình độ của người chấm. Chất lượng đề thi có thể chủ động nâng lên được, họ có thể xây dựng ngân hàng câu hỏi, họ có thể xây dựng, thử nghiệm với hàng trăm, nghìn người tham gia.

Còn TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho hay, đề thi trắc nghiệm không thể hiểu theo một cách “khô cứng” giống như “yes” (có) hay “no” (không),  như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ. Thực ra, kết quả thi trắc nghiệm dựa trên một phương pháp luận để đo lường và đánh giá trong giáo dục. Đề thi được xây dựng dựa trên các câu hỏi, câu hỏi đã được thử nghiệm trên chính người học dựa trên độ khó, dễ; và sau đó mới cấu trúc thành đề.

“Ngược lại, với đề thi tự luận lâu nay được làm theo kiểu dựa vào kinh nghiệm của người thầy, tập hợp thầy và tự nghĩ ra đề, người thầy cảm thấy đề phù hợp nhưng không được thử nghiệm trên người học, do đó phổ điểm năm thì lệch phải, năm thì lệch sang trái” - TS Khuyến phân tích.

Băn khoăn môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm 100%

Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tuyên Quang, thầy Vũ Đình Thuần cho rằng, từ 2010, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường đổi mới cách dạy và học theo hướng nâng cao năng lực vận dụng. Nghĩa là phải dạy làm sao để các em có thể vận dụng được kiến thức để giải quyết các vấn đề. Dạy cách thức để từ một kiến thức giải quyết nhiều vấn đề. Do đó, để giúp học sinh có thể “thích ứng ngay” được với những đổi mới của năm 2017, các trường cần gạt bỏ tư duy ứng thí, thi thế nào dạy như thế. Điều quan trọng là trang bị cho các em cách thức vận dụng kiến thức để giải quyết nhiều vấn đề thì dù thi trắc nghiệm hay tự luận đều không thể trở thành khó khăn với các em.

“Đừng lo sợ thi như thế, dạy thế này có hợp không?  Nếu chỉ dạy học sinh mẹo mực thế nào để lấy được điểm mà không trang bị cho các em phương pháp để giải quyết vấn đề thì trường học không khác cách dạy của các lò luyện thi” – thầy Thuần chia sẻ.

Nhưng các chuyên gia giáo dục lại cho rằng môn đáng lo nhất đó là môn Ngoại ngữ. Theo một chuyên gia làm công tác khảo thí lâu năm của ĐH Hà Nội, việc bỏ phần tự luận trong bài thi môn Ngoại ngữ là một điều đáng tiếc.

“Chúng ta đang dạy học sinh cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Khi thi, không có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ để có thể kiểm tra được cả 4 kỹ năng này. Trước đây, khi ra bài thi môn Ngoại ngữ, để kiểm tra kỹ năng nghe, đọc chúng tôi có “cài” phần trọng âm. Để kiểm tra kỹ năng nói, chúng tôi có một bài về sắp xếp các từ thành một đoạn văn. Bây giờ thi trắc nghiệm, không thể “cài” được bất cứ “bẫy” nào để có thể kiểm tra được 4 kỹ năng của các em. Những năm trước, đề thi có thêm phần tự luận để giúp học sinh rèn luyện phần viết. Giờ bỏ hết. Với chất lượng đào tạo tiếng Anh như hiện nay, cùng với yêu cầu của bài thi, quả thật môn Ngoại ngữ đáng lo ngại” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN