Người đề xuất bỏ “Chí Phèo” ra khỏi SGK nói gì sau khi bị phản đối?

Sự kiện: Giáo dục

“Một nhân vật khi bế tắc là uống rượu rồi chửi bậy, đốt quán, xin đểu, bí bách quá thì rút dao giết người rồi tự sát. Với hình tượng như thế thì trẻ sẽ học được gì?”, anh Nguyễn Sóng Hiền lý giải.

Vài ngày gần đây, đề xuất bỏ tác phẩm “Chí phèo” ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 của anh Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh ngành giáo dục, ĐH Newcastle (Australia) đang gây ra nhiều tranh cãi.

Người đề xuất bỏ “Chí Phèo” ra khỏi SGK nói gì sau khi bị phản đối? - 1

 Anh Nguyễn Sóng Hiền, tác giả của đề xuất đang gây nhiều tranh cãi

Hầu hết các ý kiến chuyên gia và giáo viên dạy THPT cho rằng, anh Sóng Hiền đang nhầm tai hại, dẫn đến việc không thể hiểu hết về hình ảnh Chí Phèo trong văn chương.

Trước ý kiến phản đối gay gắt của các chuyên gia, anh Nguyễn Sóng Hiền lý giải, tác phẩm không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh lớp 11.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền khẳng định, nhân vật Chí Phèo, xét về mặt giáo dục sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của các em học sinh lớp 11.

“Một nhân vật khi bế tắc là uống rượu rồi chửi bậy, đốt quán, xin đểu, bí bách quá thì rút dao giết người rồi tự sát. Với hình tượng như thế thì trẻ sẽ học được gì? Ở lớp 11, sự phát triển tâm sinh lý của các em khá phức tạp. Các em thường thích thể hiện mình, thích nổi loạn và dễ bị tiêm nhiễm những điều xấu nhanh hơn điều tốt”.

Anh Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, học sinh lớp 11 chưa đủ nhận thức để đặt mình vào hoàn cảnh lúc đó.

“Học sinh có đủ nhận thức để đặt mình vào đó không? Tôi không tin là học trò đủ nhận thức để nhìn thấy được tính nhân văn và sự tốt đẹp của Chí Phèo. May ra chỉ có những người thật sự yêu thích tác phẩm này” anh Hiền nói.

Vì vậy, anh Hiền cho rằng, giáo dục phải gắn liền với cuộc sống, phản ảnh thực tế cuộc sống.

Tác giả đề xuất bỏ tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi chương trình SGK lớp 11 cũng khẳng định, về giá trị nghệ thuật của tác phẩm, anh không phủ nhận. Tuy nhiên, nếu như để tác phẩm “Chí Phèo” ở chương trình lớp 11 là không nên.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, học sinh lớp 11 đã học tác phẩm “Chí Phèo” là quá sớm khi gieo rắc vào đầu học sinh những khái niệm: xin đểu, đập phá, cưỡng bức, cùng quá thì cầm dao giết người.

Từ đây, tác giả của đề xuất này cũng liên tưởng tới những cảnh bạo lực học đường, giết người, cướp của, cưỡng hiếp mà đối tượng đa số là tuổi vị thành niên... anh Sóng Hiền cũng cho rằng, những hành vi ấy có thể ít nhiều bị tác động bởi giáo dục thông qua hành động của nhân vật Chí Phèo.

Tác giả đề xuất bỏ tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi sách giáo khoa cho biết, ở phương tây tác phẩm “Nàng bạch tuyết và Bảy chú lùn” cũng bị cấm giảng dạy cho các em vì nhiều học giả cho rằng mụ phù thủy quá độc ác. Ko nên tiêm nhiễm những cái ác quá sớm cho lớp trẻ”.

Anh Hiền góp ý: Các nhà biên soạn và thiết kế chương trình cần cân nhắc thấu đáo và đánh giá một cách toàn diện khi đưa bất kỳ một tác phẩm hay nội dung nào vào giảng dạy. Cần phải xem xét xem nó có phù hợp với tâm sinh lý học sinh không? Có tác động tiêu cực tới nhận thức của các em hay không?

Đề xuất bỏ “Chí Phèo” ra khỏi SGK: Không lẽ đọc ”Truyện Kiều” xúi giục các cô gái bán mình?

Đó là câu hỏi được nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đặt ra sau khi có đề...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN