Nghỉ hè, ép con học hay cho chơi xả láng?

Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian hiếm hoi nhất trong năm trẻ em có cơ hội được sống đúng với tuổi thơ.

Nghỉ hè, ép con học hay cho chơi xả láng? - 1

Trẻ em Việt Nam hiện nay đang có quá ít thời gian dành cho bản thân mình

Đó là lời khuyên của chuyên gia tâm lý trước xu hướng nhiều bậc cha mẹ hiện nay đều muốn “quẳng” con cái vào các khóa học hè vừa để rảnh việc trông coi, vừa để “nhồi nhét” kiến thức trước năm học mới.

Nghỉ hè... siêu tốc

Dù mới chớm kỳ nghỉ hè song Nguyễn Thị Hà Thanh, học sinh lớp 8 của một trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, em đã nghỉ hè xong từ tuần trước, sau chuyến đi du lịch 4 ngày cùng gia đình tại Quảng Ninh. Bắt đầu từ ngày 28/5, cô bé đã phải bước vào kỳ học hè với thời khóa biểu kín mít.

Tuần 3 buổi, Thanh theo học tiếng Anh tại trung tâm Anh ngữ, 2 buổi học Toán, 1 buổi học Văn cùng gia sư tại nhà. Ngoài ra, em còn có thêm 1 buổi cuối tuần cho hoạt động ngoại khóa cùng giáo viên tiếng Anh bản ngữ do 1 nhóm phụ huynh tổ chức mà mẹ Thanh là “chủ trò”. Nhóm học này là để giúp em có thể tăng cường khả năng giao tiếp, phát âm chuẩn. Thanh cho biết: “Sang năm là cuối cấp, mục tiêu bố mẹ đặt ra là em phải thi đỗ chuyên Anh của Trường Hà Nội Amsterdam. Bố mẹ nói bắt đầu từ hè này ôn luyện để chuẩn bị, nếu đỗ vào trường, hè sang năm bố mẹ sẽ thưởng cho một chuyến du lịch nước ngoài để... đền bù”.

Tương tự, năm nay bé Trần Huyền Châu (6 tuổi, TP Hải Dương) cũng không được nghỉ hè vì tháng 9 tới đây Châu sẽ vào lớp 1. Ngay từ khi chưa “tốt nghiệp” mầm non, Huyền Châu đã được mẹ lên một thời khóa biểu học viết chữ, tính toán và làm quen với tiếng Anh tại 1 trung tâm gia sư. Giá cho mỗi buổi học 2 tiếng/môn là 120.000 đồng. Một tuần Châu học 6 buổi. Mẹ bé Châu, chị Phan Thị Kim Hằng cho biết: “Muốn con vào trường điểm thì phải đọc thông viết thạo trước. Các bậc phụ huynh cùng lớp ai cũng cho con đi học cả. Con mình không học không được. Biết chữ rồi, vào lớp 1 con học sẽ nhàn hơn. Một lớp hơn 40 cháu, cô làm sao mà quan tâm đến con mình được?”.

Nắm bắt tâm lý cần một chỗ để yên tâm gửi con dịp hè và “tăng tốc” bổ sung kiến thức trước năm học mới, nhiều Trung tâm gia sư cũng nhanh chóng tung ra các khóa học hè với giá cả tương đối đắt đỏ và nhiều “chiêu” tiếp thị mới nhằm tiếp cận phụ huynh. Nguyễn Thị Hoa - nhân viên tư vấn tại 1 trung tâm gia sư ở phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Giá cả cho 1 giờ học kèm gia sư từ 80.000 đồng - 150.000 đồng tùy theo từng lớp, cấp học và gia sư là sinh viên hay giáo viên. Hè này trung tâm phải tuyển thêm hàng loạt cộng tác viên là sinh viên chỉ để gọi điện thoại “mò” phụ huynh có nhu cầu”.

Đừng “đánh cắp” mùa hè của con

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, việc “nhồi nhét” kiến thức cho con vào dịp hè không chỉ là việc làm không cần thiết mà còn có nguy hại đến tinh thần và sức học tập của con trong năm học mới.

Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt cho rằng, trẻ em Việt Nam hiện nay đang có quá ít thời gian dành cho bản thân mình. “Trước đây, các em chỉ học nửa ngày, hè được nghỉ tròn 3 tháng, thời gian còn lại các em được tự vui chơi cùng bạn bè, phụ giúp cha mẹ việc nhà, việc đồng áng. Trẻ thành phố cũng có những hoạt động vui chơi cùng nhau trong khu phố, đây chính là lúc các em học được những kỹ năng sống một cách rất tự nhiên. Không phải tham gia bất kỳ một khóa học tốn kém nào cả. Còn bây giờ thì khác, học sinh phải học 2 buổi/ngày, ngày nghỉ thì học thêm.

Chính vì vậy, kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian hiếm hoi nhất trong năm các em có cơ hội được sống đúng với tuổi thơ của mình. “Đừng “đánh cắp” khoảng thời gian ngắn ngủi quý giá ấy của các con. Hãy để cho các con một cái đầu “trống rỗng”, được nghỉ ngơi, không phải dung nạp thêm những kiến thức văn hóa, thứ mà các con phải học cả 9 tháng rồi. Ngay cả máy móc hoạt động cũng cần có lúc nghỉ. Mùa hè là dịp để đầu óc trẻ có thời gian tái tạo lại năng lượng, tạo hứng thú cho năm học mới”, bà Lan Anh nói.

Còn theo TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội): “Nếu các con suốt năm phải học không có ngày nghỉ, sức chịu đựng có hạn, đến lúc con sẽ mệt mỏi, bỏ bê học hành, học kém đi, sợ học. Vì vậy, hãy tôn trọng thời gian nghỉ hè của con. Thực hiện một mùa hè không sách vở, chỉ có những trải nghiệm”.

Cũng theo TS. Hương, nên cho trẻ tham gia các hoạt động đào tạo kỹ năng sống và đạo đức trong dịp hè. Các hoạt động này không yêu cầu các em dùng đến trí não nhiều. Nếu các con đã lớn thì cha mẹ cần tạo điều kiện cho con làm việc nhà hoặc làm thêm, tham gia tình nguyện... Những hoạt động này sẽ giúp các con trưởng thành tốt hơn.

Đồng tình với việc không “nhồi nhét” các kiến thức văn hóa cho học sinh dịp hè, thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh, Giáo viên Trường Tiểu học Ninh Phong (TP Ninh Bình) cho rằng, nên cho các em tham gia những khóa học ngắn với những môn rèn luyện sức khỏe, bồi dưỡng năng khiếu: “3 tháng hè, trẻ hoàn toàn có thể học để biết bơi thành thạo, tham gia 1 khóa học võ, học vẽ, học hát, múa.... Tùy thuộc vào năng khiếu và sở thích của con có thể khuyến khích con tham gia, tuyệt đối không ép buộc”, thầy Tuấn Anh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Anh (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN