Nên bỏ quy định đuổi học

Một cơ hội để sửa chữa, một cơ hội để yêu thương và nhận lấy yêu thương, một cơ hội để được tha thứ..., đó là những gì các em học sinh nên được nhận.

Hiện nay các nhà trường đều áp dụng việc kỷ luật học sinh dựa vào thông tư 08 ban hành tháng 3-1988. Sau này, trong điều lệ trường trung học cũng có quy định về kỷ luật học sinh nhưng vẫn bám vào thông tư 08. Theo thông tư này thì các mức kỷ luật học sinh gồm có khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.

Nhiều thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục bày tỏ quan điểm nên sửa quy định kỷ luật theo hướng bỏ mức “đuổi học” mà thay thế bằng hình thức khác.

“Đuổi học là thô bạo”

Các mức kỷ luật trên đều quy định khá chung. Vì thế mỗi nhà trường cần có bộ quy định xử lý kỷ luật riêng cùng các biện pháp giáo dục đi kèm với hình phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường quan tâm tới việc này một cách thấu đáo. Có một số trường đã vận dụng quy định “đuổi học” vội vã.

“Trừ những học sinh nghiện ma túy, mắc tội hình sự, còn những sai phạm khác đuổi học là thô bạo. Vì đuổi học sinh thì các em đi đâu? Ai sẽ tiếp tục giáo dục? Ai có trách nhiệm với những hành vi sai phạm của các em này sau khi bị đuổi học?” - ông Phan Trọng Ngọ, viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm ĐH Sư phạm Hà Nội, đặt vấn đề.

Nên bỏ quy định đuổi học - 1

Một quyết định đuổi học một năm vì học sinh phạm lỗi vô lễ với giáo viên và sử dụng điện thoại trong giờ học - Ảnh: V.H.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, có những lớp có tới 50% học sinh cha mẹ ly tán hoặc phải sống xa cha mẹ. Nếu đuổi học, nếu chỉ áp dụng những chế tài lạnh lùng, cứng nhắc mà không tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân khiến học sinh mắc lỗi thì các em sẽ không phục, không thay đổi. “Trả về gia đình, trả về địa phương là cách làm phủi sạch trách nhiệm” - thầy Lâm nhận xét.

Không thấy nghiên cứu biện pháp kỷ luật tích cực

Rất nhiều công trình nghiên cứu tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy học, trong đó mới chỉ loay hoay với việc “dạy chữ”. Gần như không thấy những nghiên cứu bài bản về việc giáo dục đạo đức học sinh, biện pháp kỷ luật tích cực đối với học sinh. Có lẽ trong thời gian tới, chúng tôi cũng cần thay đổi hướng lựa chọn đề tài để bổ sung vào khiếm khuyết này.

PGS Phan Trọng Ngọ
(viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm ĐH Sư phạm Hà Nội)

ThS Hà Hữu Thạch - hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2, TP.HCM) - cho rằng khi một học sinh bị đuổi học là nhà trường đã không thành công trong việc giáo dục. Ông Thạch nói vào đầu năm học, trường sẽ phổ biến những điều học sinh cần lưu ý để tránh bị kỷ luật. Trường cũng giải thích những từ ngữ trong thông tư 08 như “phạm lỗi có hệ thống” là như thế nào cho học sinh hiểu. “Trường vẫn áp dụng thông tư 08 về kỷ luật học sinh ban hành năm 1988 của Bộ GD-ĐT. Việc xử lý kỷ luật học sinh là do trường vận dụng theo hướng uốn nắn, giáo dục các em. Trường chưa bao giờ áp dụng hình thức đuổi học một năm với học sinh, nhưng tôi nghĩ rằng điều này vẫn cần thiết với những học trò phạm lỗi nặng, nhiều lần và cần có sự hỗ trợ giáo dục của gia đình, địa phương” - thầy Thạch nói.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Thịnh - hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - cho rằng nên viết lại thông tư cho phù hợp hơn. “Giáo dục là một sự kiên trì - thầy Thịnh đưa ra quan điểm - Nhà trường như một xã hội thu nhỏ nên việc học sinh mắc lỗi này lỗi kia là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu xem học trò như con, những người ở trường là cha mẹ thì dù con lỗi lầm gì đi chăng nữa cha mẹ cũng không thể từ con. Đó là chưa kể cứ mười em phạm vào lỗi bị đuổi học thì chín em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Để các em ở nhà một năm, các em sẽ làm gì, đi đâu và năm sau vào trường các em có học được nữa hay không?”. Thầy Nguyễn Minh Triết - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn, TP.HCM) - cũng cho rằng không nên quá cứng nhắc trong xử lý kỷ luật học sinh, đặc biệt là với những lỗi phải đuổi học. Theo thầy Triết, “cần quy định lại việc xử lý kỷ luật học sinh cho phù hợp hơn”.

Có nhiều cách kỷ luật tích cực, nhẹ nhàng hơn

Cô Hà Thanh, phó hiệu trưởng phụ trách đạo đức Trường THPT Trương Định, Hà Nội, nhận xét: học sinh phạm lỗi nặng phải ra hội đồng kỷ luật nhà trường không nhiều, trong khi học sinh phạm lỗi nhẹ hơn thì phổ biến nhưng lại không có chế tài xử lý. Cô Thanh ví dụ việc học sinh nói xấu thầy cô không phải hi hữu, nhưng chỉ thành to chuyện khi được tung lên mạng như trường hợp em học sinh ở Quảng Nam. Tuy nhiên, không phải cứ chờ đến khi các em đưa lên mạng mới xử lý theo kiểu cực đoan là đuổi học mà cần có biện pháp linh hoạt, mềm dẻo và kiên trì trong cả quá trình, từ khi các em mới chỉ mắc lỗi nhỏ.

Theo cô Hà Thanh, Trường Trương Định đang duy trì rất nhiều hình thức kỷ luật học sinh như cho học sinh mắc lỗi quét sân trường, chăm sóc vườn trường, cạo bã kẹo cao su bám ở hành lang, hoặc tham gia một đợt lao động trong dịp nghỉ hè...“Có hôm thấy các em quét sân trường không đúng cách, tôi trực tiếp hướng dẫn. Cách phạt học sinh như thế vừa để các em hiểu cần phải trả giá cho việc làm sai của mình nhưng cũng không khiến các em thấy bị tổn thương, bị dồn đến đường cùng. Đã có em làm được bài văn rất xúc động từ chính đợt “phạt lao động” của mình” - cô Hà Thanh chia sẻ

Cô Đặng Ngọc Trâm, phó hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Có em học sinh nổi tiếng quậy phá, vô kỷ luật của Trường Đinh Tiên Hoàng đã được giáo viên chủ nhiệm “phạt” bằng cách cử em làm “sao đỏ” với vai trò kiểm tra, nhắc nhở kỷ luật các bạn. Chỉ một thời gian sau em học sinh này không những không quậy phá mà thay đổi rất nhiều về thái độ học tập, nề nếp”.

Ứng xử của thầy chính là cách giáo dục trò

Trường THPT Phan Huy Chú là một trong số rất ít trường trung học tại Hà Nội duy trì việc để học sinh đánh giá giáo viên trong 10 năm qua. Bộ câu hỏi cho học sinh được thay đổi từng năm, cặn kẽ từ cách dạy của giáo viên, phong cách, ứng xử như thế nào, điều gì các em mong muốn ở thầy, cô của mình, điều gì khiến các em thất vọng. Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng nhà trường, cho chúng tôi xem nhiều tập nhận xét của học sinh đã được giữ bí mật danh tính cho tới khi các em ra trường. Trong phiếu, nhiều học sinh đã khá thẳng thắn nhưng không vô lễ, hỗn hào. “Đây là một kênh để giáo viên tự điều chỉnh bản thân, cũng là kênh để hiểu học trò. Bởi tôi nghĩ đối xử của học trò như thế nào cũng tùy thuộc thầy cô. Đừng vội lên án học sinh hỗn láo và đuổi các em ra khỏi trường mà cần bình tĩnh. Sự tha thứ, độ lượng và gương mẫu của người lớn là động lực để trẻ con thay đổi” - cô Nhiếp cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩnh Hà - Hồ Ngọc - Hà Bình (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN