Một học sinh “gánh”... 3 chương trình tiếng Anh

Theo lộ trình của Đề án Ngoại ngữ quốc gia (gọi tắt là đề án Ngoại ngữ 2020), năm học 2018-2019, 100% học sinh từ lớp 3 sẽ được học ngoại ngữ theo chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, đến nay các thành phố lớn như Hà Nội, số lượng giáo viên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều học sinh đã đồng thời phải gánh tới 3 chương trình tiếng Anh...

Hầu hết học sinh trong các trường học của Hà Nội hiện nay đang phải cùng lúc theo học nhiều chương trình tiếng Anh khác nhau như Chương trình tiếng Anh của Bộ, chương trình tiếng Anh liên kết và chương trình tại các trung tâm mà phụ huynh cho con em học thêm…

Chị Nguyễn Thị Hòa, phụ huynh của một học sinh lớp 8 cho hay, con chị hiện đang theo 3 chương trình học tiếng Anh gồm chương trình của Bộ GD&ĐT, chương trình liên kết với trường và chương trình học thêm ở trung tâm. Bỏ thêm tiền triệu mỗi tháng để con đi học tiếng Anh ngoài chương trình nhưng chị Hòa không biết con mình đang học gì, học đến đâu vì vợ chồng chị đều kém tiếng Anh. Chị Hòa chỉ biết, đến kỳ đóng tiền học thêm tiếng Anh liên kết mỗi tháng 220.000 đồng và đưa đón con đi học ở các trung tâm theo thời khóa biểu.

Băn khoăn chất lượng

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến năm 2015-2016 có khoảng 70% số trường triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới. Mục tiêu đến năm 2018-2019, tất cả học sinh từ lớp 3 của Hà Nội sẽ được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, đa số các trường tại Hà Nội đều đang dạy chương trình chính thống với khoảng 1-2 tiết/tuần, còn lại liên kết thêm với các trung tâm Anh ngữ ở ngoài để tăng thời lượng tiết học. Các trung tâm được trường liên kết cũng rất đa dạng, số tiền phụ huynh phải đóng cũng khác nhau, dao động từ 100.000 đồng - 600.000 đồng/tháng.

Hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, trường có nhiều năm thực hiện chương trình dạy tiếng Anh liên kết với trung tâm. Với thời lượng 2 tiết/tuần, mỗi học sinh chỉ phải đóng thêm 150.000 đồng/tháng. “Chương trình học do giáo viên bản ngữ đứng lớp, học sinh được rèn cách phát âm chuẩn và phong thái tự tin trong giao tiếp khiến học sinh rất hứng thú”, bà hiệu trưởng nói. Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, chương trình học liên kết rất có lợi cho học sinh bởi với chương trình của Bộ GD&ĐT học sinh học nặng ngữ pháp, không giao tiếp được nhiều.

Điều đáng nói, dù chương trình liên kết dạy học tiếng Anh là chương trình tự nguyện, tuy nhiên ở hầu hết các trường hiện nay, đa số học sinh đều đăng ký theo học chương trình này. Một phụ huynh khác chia sẻ, lớp học hơn 50 học sinh nên dù có giáo viên bản ngữ, cả buổi con cũng không được gọi đến tên. Vì thế, mất cả nửa ngày thứ 7 đưa con đến trường học chương trình liên kết nhưng gia đình vẫn phải ngậm ngùi nộp tiền cho con học thêm ở trung tâm bên ngoài để con được theo lớp ít học sinh, chất lượng hơn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN