Lo thất lạc hồ sơ, thí sinh đi hàng trăm km để đăng kí xét tuyển

Lãnh đạo một số trường Đại học ở Hà Nội cho biết, thí sinh vẫn bỏ qua phương án gửi bưu điện hay đăng ký trực tuyến, đi hàng trăm km đến trường nộp hồ sơ.

Lo thất lạc hồ sơ, thí sinh đi hàng trăm km để đăng kí xét tuyển - 1

Thí sinh đến ĐH Bách Khoa Hà Nội đăng ký xét tuyển

Năm nay, mặc dù Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH được nhận hồ sơ bằng một trong 3 hình thức: trực tiếp, trực tuyến và qua đường bưu điện. Tuy nhiên, tại Hà Nội, dù mưa rất to vào sáng ngày 3/8 nhưng số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường vẫn tấp nập.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, theo ông Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, trường đã nhận được 2.000 hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp đăng ký vào ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ông Điền cho biết, phần lớn thí sinh nộp hồ sơ trong những ngày đầu thường có số điểm cao, trung bình mỗi môn 8 điểm (xét cả khối thi là 24 điểm).

Để thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển, trường sẽ tư vấn trực tiếp cho các em đến hết ngày 12/8 (kết thúc xét tuyển đợt 1). Hệ thống đăng ký trực tuyến sẽ làm việc đến hết ngày 11/8.

Cô Lê Thị Yến, nhân viên hỗ trợ tuyển sinh chia sẻ: Phương thức đăng kí xét tuyển năm nay có lợi cho các thí sinh khi các em chỉ cần đăng kí một lần với 4 ngành thuộc 2 trường đại học khác nhau. Khi không đậu lựa chọn này các thí sinh sẽ được xét ngay vào lựa chọn tiếp theo mà không cần phải mất quá nhiều công sức.

Tại đây, nhiều thí sinh ở các tỉnh xa tranh thủ bắt xe khách lên Hà Nội từ sáng sớm để kịp buổi đăng kí xét tuyển, bạn Nguyễn Văn Việt (Ninh Bình) nói: “Em và thầy giáo mình bắt xe khách từ Thái Bình từ 4h sáng, đến 7h mới lên tới Hà Nội để đến Đại học Bách khoa Hà Nội đăng kí xét tuyển.”

“Với số điểm 23, em vẫn có thể gặp rủi ro nếu không chọn lựa kĩ các ngành đăng ký. Để cho yên tâm, em phải lên tận trường để nghe tư vấn chọn ngành đăng ký.”, Việt nói.

Trong buổi đăng ký xét tuyển đầu tiên, nhiều thí sinh bỡ ngỡ với cách làm hồ sơ đăng kí nên xảy ra nhiều sai sót, có thí sinh phải sửa đi sửa lại hồ sơ vì thiếu sót. “Mình làm hồ sơ đăng ký xét tuyển từ sáng sớm đến giờ vẫn chưa nộp được vì cứ viết sai hoặc thiếu. Mấy lần đem vào nộp nhưng bị trả lại vì thiếu thông tin.”, bạn Khổng Thị Quỳnh, Lạng Sơn chia sẻ.

Tại Đại học Thủy lợi, GS.TS. Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, dù mưa gió nhưng từ sáng sớm, hàng nghìn thí sinh và người nhà đã có mặt tại Đại học Thủy lợi để nghe ngóng thông tin về đăng ký xét tuyển vào trường năm 2016. Đến nay, trường đã thu 600 hồ sơ nộp trực tiếp.

Để phục vụ cho buổi tư vấn tuyển sinh, nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em có thể tham khảo các trường trong và ngoài nhóm GX, nhằm thuận lợi hơn khi đăng ký vào các trường đại học, đặc biệt là Đại học Thủy lợi.

Tại Đại học Lâm nghiệp, PGS. TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng ĐH Lâm Nghiệp cho biết, tính đến thời điểm trưa ngày 3/8, trường đã nhận được 1.000 hồ sơ (chỉ tiêu tuyển sinh là 3.000). Trong số đó, một nửa thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.

Theo PGS.TS Trần Văn Chứ, nhiều học sinh đến trường để tìm hiểu thông tin, sau đó ngày hôm sau mới quyết định nộp hồ sơ. Những em có số điểm trên 20 sẽ mạnh dạn nộp vào chương trình tiên tiến hoặc chất lượng cao của trường ĐH Lâm nghiệp hợp tác với nước ngoài. Còn lại, phần lớn số hồ sơ trường nhận được là 16-17 điểm.

Lo thất lạc hồ sơ, thí sinh đi hàng trăm km để đăng kí xét tuyển - 2

Thí sinh đi hàng trăm km cùng bố mẹ đến đăng ký xét tuyển tại ĐH Y Hà Nội.

Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp dự đoán, một số ngành hot của trường như Quản lý Tài nguyên thiên nhiên, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế, điểm chuẩn có thể tăng lên 1 điểm.

Tại Đại học Y Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết, đến thời điểm này trường đã nhận được hơn 400 bộ hồ sơ của thí sinh. Nhiều thí sinh ở các tỉnh xa cũng đến tận trường để nộp vì sợ hồ sơ thất lạc.

Thí sinh Bùi Thị Hường được 26,4 điểm cũng đội mưa đi từ 5h đi từ Ninh Bình đến nộp hồ sơ vào ngành bác sĩ đa khoa.

“Mong muốn của cháu và gia đình là học ngành y, với số điểm này cháu quyết định nộp vào ngành yêu thích. Nhưng sợ thất lạc hồ sơ nên tôi và cháu lên tận trường để nộp cho chắc ăn”,  phụ huynh của em Hường chia sẻ.

Bộ GD-ĐT khuyên thí sinh lên website của trường để biết thông tin, tránh việc đi lại mất thời gian và tốn kinh phí. Với hình thức đăng ký nào, dữ liệu của thí sinh cũng sẽ được cập nhật về phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Do đó, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN