Lo ngại chấm lỏng tay để có sinh viên

Một nhà tuyển sinh khu vực Hà Nội liên lạc với PV Tiền Phong bày tỏ sự lo lắng về chuyện chấm lỏng tay đợt tuyển sinh năm nay. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh đối với những trường không tổ chức thi, phải tuyển sinh nhờ kết quả chấm thi của trường khác hoặc những trường tuyển sinh thêm theo nguyện vọng 2.

Nguồn tin này cho biết, năm trước ngành GD&ĐT đã kiểm tra và phát hiện một số trường tổ chức thi muốn có đủ sinh viên đã chấm thi không chính xác. Theo chuyên gia tuyển sinh này, ngoại trừ những môn thi trắc nghiệm (TN) chấm bằng máy không tiêu cực được, môn tự luận dễ tâng điểm lên.

Năm nay, nhà tuyển sinh này phân tích, cùng là trường ngoài công lập (NCL), có thể do chấm thi nghiêm túc, ĐH Thành Tây, mặc dù mới thành lập, đông thí sinh dự thi nhưng số điểm vượt qua 12,0 điểm chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 10%); trong khi đó, một trường khác thuộc hàng áp chót trong danh sách các trường NCL và không bao giờ tuyển đủ thí sinh thì điểm số của thí sinh lại rất cao. Ông cũng cho biết thêm: có trường công lập đang muốn dành nhiều chỉ tiêu để tuyển NV2 đang phải... suy nghĩ lại.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và công nghệ HN nói: điều đó không thể biết được, các trường chấm theo ba-rem điểm nhưng nghi ngờ thế nào thì Bộ GD&ĐT nên chấm kiểm tra những nơi này. Theo ông Hóa, trừ các trường công lập lấy hết NV1, những trường NCL, ví dụ, có ý kiến đặt câu hỏi, nếu có 6.000 người thi mà lấy tới hơn 3.000 người học thì cần phải xem lại vì các trường NCL thường chỉ lấy được 25-30% là cùng còn lại phải tuyển NV2.

Lo ngại chấm lỏng tay để có sinh viên - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi đại học 2013. Ảnh: Ngọc Châu

Đề xuất phương án bốn chung

Ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng, một trường dành tới 600 chỉ tiêu để tuyển theo NV2 ( điểm dự tuyển NV2 khối A của trường này là từ 17,0 trở lên; riêng ngành xây dựng có sàn xét tuyển NV2 tới 22,0 trở lên; kinh tế - 22,0 điểm trở lên; cầu đường - 21,0 điểm trở lên và các ngành khác từ 17,0 trở lên) giải thích: vì có trường tuyển 25 điểm nên muốn lấy học sinh giỏi thì phải dành chỉ tiêu để tuyển NV2.

Ông Thành cho rằng việc đánh giá lỏng chặt ở các trường ĐH khác nhau cũng không chênh lệch nhiều lắm; vả lại, còn một điều khả quan nữa là sẽ lấy từ trên xuống. Phải tin kết quả trường khác chấm, ông Thành nói, nhất là lại do Bộ GD&ĐT quản lý.

Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long dự đoán: nếu việc chấm lỏng tay là có thật thì đó là mấy trường tốp dưới sợ thiếu thí sinh, thậm chí không thể tuyển được cả NV2 nên mới “tâng” điểm để nhằm mục tiêu tuyển cho đủ quân ngay từ NV1, từ những thí sinh thi vào chính trường họ.

Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Vũ Văn Hóa đề xuất phương án bốn chung: ngoài ba chung của Bộ thêm một chung nữa là chấm thi chung. Theo ông Hóa, Bộ có thiết bị để chấm bài thi TN chung rất nhanh; vì vậy, Bộ nên tổ chức chấm chung tất cả các bài thi TN. Đối với bài thi tự luận, chỉ chiếm 1/3 số bài thi, ông Hóa nói, Bộ GD&ĐT cũng nên tập trung hết tất cả các bài thi lại, tổ chức một đội ngũ chấm tinh nhuệ và chấm chung trong vòng 1 tháng thì sẽ có thể giữ được sự công bằng, khách quan trên toàn quốc.

Làm như vậy, ông Hóa kết luận, vừa có một thước đo chung chính xác, vừa đỡ tốn kém cho các trường.

Bộ GD&ĐT sẽ chấm thanh tra số lượng lớn các bài thi

Về thông tin chấm lỏng tay của một số trường như báo Tiền Phong phản ánh, Bộ GD&ĐT chưa chính thức nhận được qua đường báo cáo. Để đảm bảo khách quan, quy chế tuyển sinh đã quy định các hội đồng tuyển sinh tự chấm kiểm tra 5%. Tuy nhiên, khi công việc tuyển sinh kết thúc, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra độc lập tổ chức chấm kiểm tra một số lượng lớn các bài thi và nếu phát hiện sai phạm như báo Tiền Phong phản ánh, Bộ GD&ĐT sẽ công bố công khai và xử phạt rất nặng.

(Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồ Thu (Tiền Phong)
Điểm thi đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN