Khuất tất tài chính, bổ nhiệm ở Trường Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng

Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng có dấu hiệu khuất tất tất tài chính, bổ nhiệm cán bộ sai quy trình.

Khuất tất tài chính, bổ nhiệm ở Trường Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng - 1

Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng

Theo nội dung đơn mà cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổ phó Tổ Thanh nhạc - Nhạc cụ, Trường VHNT Đà Nẵng khiếu nại đến Thanh tra UBND và Sở VH, TT&DL TP Đà Nẵng, nhà trường đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sai quy trình, đồng thời có dấu hiệu làm hợp đồng khống để rút tiền ngân sách.

Lấy phiếu tín nhiệm sai quy trình

Cô Huyền cho biết, ngày 23/10 vừa qua, nhà trường đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm chức danh Tổ trưởng Tổ Thanh nhạc. Trong Tổ gồm 6 thành viên nhưng số phiếu phát ra chỉ 5 phiếu, không phát phiếu cho cô Huyền. Đến ngày 4/11, cô gửi đơn khiếu nại lên Ban giám hiệu thì lúc đó nhà trường mới thông báo kết quả lấy phiếu, đúng thời điểm cô đang giảng dạy trên lớp.

Sau đó, ngày 16/11, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường là bà Nguyễn Thị Hội An trả lời rằng, căn cứ Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2015 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập nên việc không phát phiếu cho cô Huyền là đúng, không thông báo kết quả kiểm phiếu cũng là đúng quy trình (!?).

Tiếp nhận đơn của cô Huyền, Phó chánh Thanh tra Sở VH, TT&DL TP Đà Nẵng Lê Tấn Hùng cũng thừa nhận một cách chung chung rằng: Nhà trường thực hiện quy trình bổ nhiệm không đảm bảo các quy định thì tập thể lãnh đạo đơn vị có thể họp, rút kinh nghiệm và củng cố lại công tác bổ nhiệm cán bộ. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm cán bộ phải đầy đủ thành phần là cán bộ chủ chốt tại đơn vị.

Trong quá trình thực hiện, đơn vị sử dụng “mẫu phiếu tín nhiệm” là không phù hợp. Đồng thời, tập thể lãnh đạo nhà trường đã không thông báo rõ ràng chủ trương thăm dò tín nhiệm ở mức độ cấp phòng dẫn đến tình trạng gây bức xúc, không thỏa mãn đối với cô Huyền. Đây là sự việc do đơn vị chưa cẩn trọng trong công tác hành chính tổ chức. Thanh tra Sở báo cáo với lãnh đạo Sở có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo Trường Trung học VHNT rút kinh nghiệm và thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ theo đúng các thủ tục và quy định hiện hành.

Đến nay, sau gần 2 tháng, Trường VHNT Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện lại việc lấy phiếu tín nhiệm cho cô Huyền, mặt khác còn đưa lên trang tin nội bộ nội dung hoàn toàn trái với nội dung và kết luận ban đầu làm cô căng thẳng, hoang mang và viết đơn xin từ chức.

Lập khống hợp đồng để rút tiền ngân sách?

Cô Huyền còn cho biết, ngày 23/10, tự nhiên trong tài khoản ATM của cô báo có số dư 14 triệu đồng chuyển từ Kho bạc Nhà nước quận Hải Châu. Hôm sau, Phòng Tài vụ nhà trường gọi cô lên, bắt cô nộp lại số tiền đó cho trường và bảo cô ký hợp đồng khống việc thực hiện dàn dựng chương trình 70 năm thành lập ngành Văn hóa để hợp thức hóa. Họ đưa cho cô Huyền bảng danh sách nhận tiền dàn dựng chương trình gồm 10 người với số tiền 159 triệu đồng, nhưng thực nhận chỉ có 7,9 triệu đồng. Cô Huyền thấy mình không thực hiện chương trình này thì không thể lấy tiền (cô Huyền đã nộp trả lại 14 triệu đồng cho nhà trường) và nhất quyết không chịu ký hợp đồng khống.

Làm việc với PV về nội dung trên, bà Nguyễn Thị Hội An, Hiệu trưởng Trường VHNT Đà Nẵng cho rằng, có việc trên là do nhà trường đã... chuyển nhầm tên cô Phạm Thị Mỹ Hiền thành Nguyễn Thị Thu Huyền (?!). Khi PV yêu cầu xem hợp đồng công việc của cô Mỹ Hiền, thì thấy hợp đồng ghi tên Phạm Thị Mỹ Hiền (địa chỉ thôn Nghi Hạ, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) ngày 7/8; thanh lý hợp đồng ngày 8/9 và giấy nhận tiền mặt 14 triệu đồng về khoản: Dựng ca, phối khí, tổ chức tập luyện là ngày 8/9. Vậy thì sao lại gọi là nhầm trong khi tài khoản cô Thu Huyền báo về số tiền 14 triệu đồng là ngày 23/10? (tức là 1,5 tháng).

Trong suốt buổi làm việc, bà An luôn miệng: “Chị xuất phát là diễn viên múa nên công tác quản lý chị chỉ nắm chung chung chứ không thể nắm hết chi tiết được. Bộ phận tài chính lại càng không thể bao quát hết. Nghệ sỹ làm quản lý mà. Đây là lần đầu tiên chị tiếp xúc với báo chí như thế này. Chị run quá. Các em hỏi chị như chị là tội phạm không bằng” (!)

La làng, vu khống phóng viên

Tại buổi làm việc với Báo Giao thông và một số cơ quan báo chí khác chiều 15/12, khi được hỏi việc lấy tiền về rồi mới ký hợp đồng công việc, không làm cũng ký khống để lấy tiền là đúng hay sai, bà Nguyễn Thị Hội An luống cuống, la làng bằng cách bốc máy điện thoại gọi điện cho nguyên Tổng Biên tập báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc vừa nghỉ hưu: “Anh Lộc ơi, cứu em với. Báo Giao thông, báo Tiền Phong, báo Lao động đang hù dọa em, đang ức hiếp em. Em sợ quá…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Hằng Nga ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN