Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017: Băn khoăn đề trắc nghiệm

Chiều 24/6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Tại buổi họp báo, vấn đề được báo chí quan tâm nhất, đó là liệu độ khó-dễ có đồng đều giữa 24 mã đề thi trắc nghiệm ở mỗi môn thi?

Báo cáo tổng kết kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay kỳ thi có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi; huy động gần 90.000 cán bộ tham gia; trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ là gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016 hơn 20.000 người. Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; đặc biệt có 514.084 (59.32%)  thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử (từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử).

Nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi).

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017: Băn khoăn đề trắc nghiệm - 1

Thí sinh tại TPHCM trao đổi bài sau buổi thi. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Độ khó có đồng đều?

Trao đổi với lãnh đạo Bộ tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến mức độ khó đồng đều giữa các mã đề. Vì theo phản ánh của nhiều giáo viên, giữa 24 mã đề của mỗi môn thi, độ khó không đều nhau. Trả lời vấn đề này ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, trưởng ban đề thi quốc gia khẳng định, so sánh độ khó dễ của câu này với câu kia  rất khó, phải làm toàn bộ đề thi mới biết độ khó của mỗi đề thi như thế nào. “Chỉ khi phân tích điểm trung bình của mã đề thi này với mã đề thi khác mới phân tích được đề khó dễ khác nhau thế nào” – ông Sái Công Hồng khẳng định. Ông Hồng cho biết thêm : Khi xây dựng ngân hàng thi chuẩn hóa, tất cả các câu hỏi, được thử nghiệm với chính học sinh lớp 12. Trong tháng 3, tháng 5, chúng tôi có chọn  mẫu thử nghiệm trên 50 trường, với khoảng trên 20.000 học sinh lớp 12 để  tiếp tục làm công đoạn thứ hai là chuẩn hóa cân bằng độ khó giữa các đề thi.

Đối với các đề thi trắc nghiệm khách quan có 24 mã đề khác nhau được xuất phát từ 4 đề gốc. Các mã đề thi được hình thành và đảo theo khối.  tức là một đề thi được phân thành 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao nên chỉ đảo trong 4 cấp độ đó. Vì vậy có một cụm các câu hỏi có tính tương đương nhau về mặt cấp độ. Nên không có chuyện đảo từ câu 1 xuống câu 40. Thông thường những câu hỏi cấp độ 4 nằm ở phía cuối của đề thi. Nếu đảo chỉ đảo trong phạm vi cùng cấp độ.

Một vấn đề nữa mà dư luận băn khoăn đó là đề thi môn Ngữ văn. Dư luận cho rằng phần đọc hiểu  chưa chuẩn và đề thi ngữ văn năm nay khá an toàn, chỉn chu, không sáng tạo. Ông Sái Công Hồng cho hay tổ ra đề thi môn văn  khẳng định ra đề chính xác. Đề thi môn Văn gồm hai phần riêng biệt. Mục đích phần I của đề là đọc hiểu.

Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục khẳng định, trật tự của các điểm thi an toàn, không có lộn xộn. Việc tổ chức các bài thi trắc nghiệm đã triệt tiêu động lực tiêu cực của thí sinh. Vì thời gian làm bài ngắn khó có thể quay cóp. 

Áp lực từ bài thi tổ hợp

Bài thi tổ hợp trong 1 buổi thi 3 môn là khá vất vả, áp lực đối với nhiều thí sinh. Bước ra khỏi phòng thi, thí sinh Ngọc Trâm (trường THPT Nguyễn Trãi, TPHCM) không khỏi lo lắng vì bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) khá dài. Trâm cho biết, sau khi làm bài xong mỗi môn, giám thị thu lại đề thi và giấy nháp. Riêng phiếu trả lời giám thị yêu cầu thí sinh phải lập sấp lại và đặt bút xuống bàn. “Em khá áp lực với bài thi này bởi sau khi thi môn Lý xong, em tiếp tục thi tiếp môn Hóa và khi chưa kịp “hoàn hồn”, lấy lại sức thì tiếp tục chiến đấu với môn Sinh. Do đó, em rất mệt khi ra khỏi phòng thi”, Trâm kể.

Tương tự, ở bài thi KHXH, tuy không phải tính toán nhưng với  lượng kiến thức dày đặc về các sự kiện, kiến thức tổng quát của các môn xưa nay được mệnh danh là học thuộc lòng mỗi khi đi thi như Sử, Địa cũng khiến nhiều thí sinh “xây xẩm mặt mày”.

Đánh giá về bài thi tổ hợp, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THTP Thành Nhân, TPHCM cho rằng: “Đề thi từng môn tuy không khó nhưng gộp 3 môn lại thi trong 1 buổi thi khá là áp lực với thí sinh. Đề thi năm trước có 50 câu làm bài trong thời gian 90 phút còn năm nay, đề thi chỉ giảm 10 câu nhưng thời gian giảm tới 40 phút. Bên cạnh đó, nhiều em làm bài khá tốt song thi 1 lúc 3 bài thi khiến nhiều em bị áp lực, dễ dẫn đến mất tự tin ở bài thi sau nếu bài thi trước làm không tốt. Không ít em tỏ ra mệt mỏi vì đầu óc phải làm việc liên tục trong 3 tiếng đồng hồ”.

Một thí sinh dự thi tại Điểm thi trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TPHCM cho biết, do không được mang đề thi ra khỏi phòng nên thí sinh này đã xin phép giám thị chép lại đáp án vào tay để về đối chiếu đáp án Bộ công bố. “Việc không cho thí sinh mang đề ra khỏi phòng thi dù đã hết giờ làm bài là có phần vô lý và thiệt thời cho thí sinh trong việc dò đáp án, đối chiếu làm phúc khảo sau này”, thí sinh này bức xúc nói.

Tại  buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết, ngày 14/7 sẽ công bố điểm sàn. Năm nay là năm cuối cùng Bộ GD&ĐT đưa ra điểm sàn đối với các trường ĐH lấy kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Từ năm 2018 trở đi, sau khi đáp ứng một số điều kiện Bộ GD&ĐT yêu cầu, các trường tự công bố điểm sàn cho trường mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng (Tiền phong)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN