Học ngành nào để tránh thất nghiệp?

Kỳ tuyển sinh năm 2016, nhiều trường đại học mở thêm nhiều ngành mới theo hướng thực dụng hơn.

Ngành mới là những chuyên ngành hoàn toàn mới hoặc được tách ra từ những ngành trước đây, được cho là sát hơn với nhu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời người học dễ định hướng nghề nghiệp.

Nhiều ngành mới có tính thực dụng

Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ mở thêm hai ngành mới, đó là thương mại điện tử và dược. Đáng chú ý, ngành thương mại điện tử là một ngành thuộc nhóm quản trị kinh doanh nhưng khi học xong, người học sẽ được cung cấp các phương pháp phân tích và điều hành hệ thống kinh doanh trên Internet.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM mở thêm tới 15 ngành mới gồm: công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (tách từ ngành công nghệ kỹ thuật điện tử); công nghệ chế tạo máy (công nghệ kỹ thuật cơ khí); công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin (khoa học máy tính); marketing, kinh doanh quốc tế (quản trị kinh doanh); quản lý tài nguyên và môi trường (công nghệ kỹ thuật môi trường).

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết kỳ tuyển sinh năm 2016 trường sẽ mở thêm bốn ngành mới gồm: y sinh, ngôn ngữ Anh, công nghệ vật liệu và ngành dự kiến logistics. PGS-TS Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết năm nay trường cũng sẽ giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm khoảng 10% và tăng chỉ tiêu các ngành ngoài sư phạm, trong đó có những ngành rất mới như ngôn ngữ Hàn, tâm lý học giáo dục và công tác xã hội. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tám ngành mới trình độ ĐH là: thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thanh nhạc, piano, marketing, đạo diễn điện ảnh truyền hình, quay phim, diễn viên kịch điện ảnh.

Học ngành nào để tránh thất nghiệp? - 1

Các sàn giao dịch việc làm luôn thu hút hàng ngàn sinh viên ra trường chen chân tìm kiếm cơ hội việc làm. Ảnh: P.ĐIỀN

Kinh tế, tài chính “nóng” trở lại

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng sau một thời gian phát triển nóng, các ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh bão hòa và chùng xuống khoảng 1-2 năm nay. Hiện tại chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành này đang tăng cao trở lại. Ông Nghĩa đánh giá thực tế nhu cầu xã hội vẫn cần nhân lực ngành kinh tế-tài chính. Tuy nhiên, khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành này ở các trường ĐH-CĐ tiếp tục phình to mà không chú ý đến chất lượng đào tạo và dư địa của ngành này là bao nhiêu thì sẽ rất bất lợi cho người học khi tìm việc.

Trong khi các ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, nông nghiệp và ngành khoa học cơ bản (toán-lý-hóa) nhu cầu nhân lực xã hội cũng khá lớn nhưng sinh viên đăng ký vào học lại hạn chế, dẫn đến nhu cầu nhân lực mất cân đối, cung không đủ cầu. Với ngành khoa học cơ bản, các sinh viên không chỉ nghiên cứu mà có thể đi dạy và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác, nhu cầu xã hội rất cần.

“Bây giờ các trường phải đặt trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo, thay vì chạy theo số lượng mà phần lớn rơi vào nhóm kinh tế, tài chính” - PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa thẳng thắn.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh thuộc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, cho biết tại các chương trình tư vấn tuyển sinh gần đây, số câu hỏi của các em không còn dồn về khối ngành kinh tế, tài chính như các năm trước mà chia ra ở nhiều ngành và có tính chất vùng miền khá rõ rệt. Cụ thể, thí sinh thường hỏi về nhóm ngành công nghệ, nông lâm, thủy sản. Riêng các em ở khu vực ĐBSCL thường hỏi về ngành chế biến thủy sản, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Ngược lại, các thí sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận thường hỏi về việc làm ngành du lịch, khai thác biển…

Cung nhân lực đại học gấp đôi cầu

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, các trường ĐH-CĐ hằng năm cung cấp cho thị trường lao động TP hơn 70.000 lao động có trình độ ĐH và 50.000 lao động có trình độ CĐ. Trong hai năm 2014-2015, số lượng nhân lực được đào tạo ĐH-CĐ tăng hơn gấp hai lần (120.000/50.000 hằng năm) so với năm 2010 về trước. Trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ ĐH-CĐ chỉ có khoảng 60.000 chỗ làm việc/năm. Đây là một bất cập lớn trong cơ cấu đào tạo.

Theo ông Tuấn, sau khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, tám ngành nghề mà lao động có kỹ năng, tay nghề cao được phép di chuyển trong khu vực đồng thời có tính cạnh tranh cao là kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. Trong giai đoạn 2015-2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình cũng sẽ tăng nhanh ở mức 28%. Tuy nhiên, những người tìm việc mà thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt được cơ hội việc làm đó. “Điểm yếu của lao động Việt Nam chính là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Đây chính là một thách thức lớn cho các cơ sở đào tạo trong thời gian tới” - ông Tuấn chia sẻ.

___________________________________

Các thống kê dự báo từ năm 2015-2020 đến 2025, nhu cầu TP.HCM bình quân mỗi năm cần 270.000 lao động. Trong đó, nhu cầu lao động có trình độ ĐH và trên ĐH chỉ hơn 40.000 (tức 15%), trong khi nhu cầu lao động trình độ từ trung cấp nghề đến CĐ tới 135.000 (tức hơn 50% tổng cầu).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Điền (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN