Hoa mắt, chóng mặt... ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia

Chỉ còn gần một tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia chính thức bắt đầu, điều này đã khiến cho các cho các sĩ tử phải “cấp tốc” ôn luyện trong những ngày cuối cùng này.

Ngày 1.7.2015, học sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia. Thời gian ôn luyện còn quá ngắn đã khiến cho nhiều trường và học sinh tỏ ra vô cùng lo lắng.

Để giúp học sinh hiểu và làm tốt các dạng đề thi minh họa theo hướng mới ra của Bộ GD&ĐT, các trường ở Hà Nội đang tổ chức cho học sinh ôn thi để có thể đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ, kết quả các đợt thi thử vừa qua chỉ đạt 85-90%, thấp hơn mọi năm, nên trường đang dành toàn bộ những giáo viên giỏi nhất để ôn luyện cho học sinh, giúp các thí sinh có thể đạt kết quả thi cao nhất.

Trường THPT Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) cũng đang tập trung tổ chức ôn tập chương trình các môn theo đề nghị của phụ huynh và các môn học sinh đăng ký thi. Do cấu trúc đề thi năm nay có sự thay đổi nên quá trình ôn luyện luôn được lãnh đạo nhà trường kiểm tra hằng ngày, đảm bảo chất lượng học tốt nhất cho học sinh.

Không chỉ nhà trường lo lắng đến việc ôn luyện cho học sinh, mà ngay cả những sĩ tử đi thi cũng đang dốc toàn bộ thời gian cho ôn luyện.

Hoa mắt, chóng mặt... ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia - 1

Học sinh căng thẳng khi kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần. (ảnh: Minh Đức)

Để ổn định tư tưởng trước những lo lắng về học lực của mình, sĩ tử Nguyễn Thị Hiền, học sinh trường THPT Phong Châu (Phú Thọ) đã quyết định xuống Hà Nội ôn thi.

“Dù không có người thân ở Hà Nội nhưng em vẫn cố gắng thuyết phục bố mẹ cho xuống đây để đăng ký lớp học ôn ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, Hiền nói.

Cùng tâm trạng lo lắng, Nguyễn Hưng Thịnh, học sinh trường THPT Lômônôxốp (Hà Nội) luôn cảm thấy bị áp lực bởi thời gian thi tốt nghiệp đang đến gần. Điều đó đã khiến Thịnh gặp tình trạng hoa mắt, chóng mặt khi ngồi ôn luyện quá dài. Đôi khi, Thịnh có cảm giác sợ học khi ngồi vào bàn ôn tập.

Khác với Thịnh,Chế Minh Anh, học sinh trường Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội)lại tìm tất cả phương pháp để nhồi nhét kiến thức một nhanh nhất có thể. Minh Anh đăng ký thêm cả một lớp học thêm trên mạng để học ở nhà, dù biết tình trạng học đang quá tải.

Với những lo lắng và áp lực của học sinh, TS. Phạm Ngọc Sơn, giảng viên Trường Đại Học Hà Nội, người có kinh nghiệm 16 năm trong việc ôn luyện thi tốt nghiệp và đại học và là người đã từng ra đề thi tốt nghiệp THPT cho Bộ GD-ĐT có những chia sẻ: Do thời gian ôn luyện còn lại không nhiều nên thời gian này, học sinh cần tổng hợp lại toàn bộ kiến thức, để có sự tổng quát nhất và chắc chắn không bỏ sót kiến thức.

Ngoài ra, trong quá trình làm bài thi thí sinh nên đọc qua toàn bộ đề thi, phân loại câu hỏi dễ làm trước và câu khó làm sau. Mỗi câu hỏi sau khi đã làm xong, học sinh cũng nên kiểm tra lại kết quả để chắc chắn đề thi không có sự đánh lạc hướng.

Đề thi năm nay kiến thức chủ yếu nằm trong sách giáo khoa, do vậy học sinh nên chú trọng học kiến thức cơ bản để có kết quả thi tốt nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chiêm Nguyễn ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN