Hàng trăm giáo viên mất việc, trách nhiệm cơ quan chức năng đến đâu?

Vụ việc sa thải 261 giáo viên đã có kinh nghiệm, thâm niên công tác, nhiều thành tích, đang công tác tại các trường THCS và Tiểu học tại huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đang gây bất bình lớn trong dư luận. Nguyên nhân dường như bắt nguồn chính từ sự vô cảm của các cơ quan chức năng!

Bỗng dưng mất việc

Cô giáo Nguyễn Thị Mến (Trường THCS Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết, ngày 29/4 vừa qua, cô bất ngờ nhận được thông báo của nhà trường dừng hợp đồng với trường hợp của cô. Đang khấp khởi vui mừng vì được nghỉ lễ dài ngày, quyết định dừng hợp đồng khiến cô hoang mang, nhiều đêm thức trắng vì chẳng biết làm gì nếu không đi dạy học. Cô tâm sự: “Tôi nghĩ mình là giáo viên đã dạy lâu năm, có thành tích ở trường nên rất yên tâm khi đi thi viên chức. Nào ngờ…!”.

“Đến nay, với tổng thu nhập từ làm Đoàn, Đội và công tác chuyên môn, tôi được khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng, còn vợ tôi chỉ được gần 3 triệu đồng. Bây giờ, không đi dạy nữa tôi không biết lấy gì để nuôi con, nuôi mình”.

Thầy Đạt tâm sự

Thầy giáo Nghiêm Đình Đạt, 30 tuổi, về công tác tại Trường THCS Văn Môn đã được 6 năm. Ngoài công tác chuyên môn, thầy còn kiêm cả công tác Đoàn, Đội ở trường. Thầy là một trong những giáo viên xuất sắc, được các đồng nghiệp và học sinh đánh giá cao. Về công tác được hơn 3 năm thì thầy kết hôn với cô Lê Thị Loan cũng là giáo viên dạy hợp đồng cùng trường.

Đợt thi vừa qua, mặc dù vừa sinh em bé được ít ngày, cô Loan vẫn phải đi thi tuyển viên chức. Kết quả sau hơn một tháng, cả hai vợ chồng đều nhận được thông báo… trượt. Hiện nay, hai vợ chồng được nhà trường tạo điều kiện cho đến lớp để tiếp tục dạy học và vào điểm cho đến hết tháng 5. Lương của hai vợ chồng được lĩnh nốt tháng 5 này còn các khoản bảo hiểm đã bị cắt từ cuối tháng 4 vừa qua. Các tháng sau nữa sẽ không có lương.

Cùng với gia đình thầy Đạt còn có 2 cặp vợ chồng nữa cùng ở trường Văn Môn bị sa thải trong đợt này. Tổng cộng, toàn trường Văn Môn chỉ có 4 người trên tổng số 24 giáo viên đã ký hợp đồng trước đây đỗ viên chức. Tại các trường khác, nhiều giáo viên đã có hợp đồng lao động hàng chục năm, là giáo viên giỏi cấp tỉnh, đào tạo được nhiều lớp học sinh đạt giải cao trong kỳ thi cấp huyện, tỉnh vẫn bị sa thải.

Hàng trăm giáo viên mất việc, trách nhiệm cơ quan chức năng đến đâu? - 1

Vợ chồng thầy giáo Nghiêm Đình Đạt một tháng nữa không biết nuôi con bằng nguồn thu nhập nào

Có vấn đề trong thi tuyển?

Theo phản ánh của nhiều giáo viên tại Yên Phong, đợt thi tuyển giáo viên vừa rồi họ được thông báo từ đầu năm học 2013-2014. Nội dung thi là các loại Luật Viên chức, Luật Giáo dục và một hai câu hỏi tình huống nhưng không có đề cương ôn tập nên các giáo viên phải tự lên mạng tìm hiểu luật và tự học trong khi vẫn phải cáng đáng công việc tại trường. Đợt thi tuyển được tổ chức vào tháng 11/2013 dưới hình thức… phỏng vấn. 

Theo đó, các giáo viên sẽ bốc thăm câu hỏi và được chuẩn bị trong 15 phút. Hội đồng chấm thi có thể hỏi thêm 1-2 câu hỏi phụ (câu hỏi tình huống) nếu thấy cần thiết. Sau khi thi xong, hội đồng thu cả giấy nháp của thí sinh và mang kết quả về, không thông báo ngay điểm thi.

Khoảng hơn 1 tháng sau, bảng điểm mới được dán công khai cho các thí sinh. Theo cô giáo Lê Thị Loan, một số giáo viên nhận thấy điểm thi của mình không như ý đã đề nghị phúc khảo nhưng không được, vì chẳng có chứng cứ gì, cũng chẳng có bài thi để đối chứng.

Tại Quyết định số 59 của Sở Nội vụ Bắc Ninh phê duyệt kết quả xét tuyển viên chức năm 2013 của UBND huyện Yên Phong, tổng số chỉ tiêu tuyển dụng theo kế hoạch là 612 người, số thí sinh đăng ký dự tuyển lên đến gần 2,4 nghìn người, trong đó có 452 người đang có hợp đồng lao động. Kết quả, số trúng tuyển qua phỏng vấn là 503 người, số lao động hợp đồng không trúng tuyển là 261 người.

Nhận lỗi

Lãnh đạo huyện Yên Phong thừa nhận, từ năm 2008 đến nay huyện chưa tổ chức được đợt xét tuyển giáo viên nào. Do đó, khi tổ chức xét tuyển năm 2013 thì số lượng giáo viên đang hợp đồng tại các trường là gần 500 người. Tuy nhiên, địa phương này cho rằng, việc tổ chức thi tuyển năm 2013 là hoàn toàn đúng các quy định pháp luật hiện hành. Cũng do số lượng thí sinh dự thi quá lớn, huyện không thể tổ chức thi thực hành được (?).

Đặc biệt, từ tháng 4/2013, trước khi thi tuyển, huyện cũng đã có công văn đề nghị Bộ Nội vụ cho ý kiến về các trường hợp này nhưng Bộ không hồi âm. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong ngày 9/5 vừa qua, đại diện Bộ Nội vụ cũng thừa nhận có thiếu sót trong việc chậm ra hướng dẫn đối với huyện Yên Phong. Đồng thời đại diện Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bắc Ninh sớm có báo cáo, tham mưu đề xuất giải quyết dứt điểm số giáo viên hợp đồng không trúng tuyển.

Các giáo viên bị sa thải vẫn chưa hết hoang mang khi nhận được thông tin này. “Chúng tôi chỉ mong các cơ quan sẽ sớm xử lý các trường hợp như của chúng tôi. Chúng tôi cần được đi dạy, kể cả đi dạy hợp đồng cũng được. Đào tạo ngành sư phạm ra mà không được dạy thì chẳng biết làm gì nữa” - thầy giáo Nghiêm Đình Đạt nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Trường (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN