Hải Dương: HS vi phạm giao thông, GV mất thi đua

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương sẽ kiểm điểm, phê bình và có biện pháp xử lý đối với hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm nếu để học sinh vi phạm Luật Giao thông, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó giám đốc Sở cho biết.

Phải báo cáo rõ số lượng học sinh, giáo viên vi phạm

Đây có phải là biện pháp mạnh mà Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương thực hiện nhằm giảm tỷ lệ học sinh vi phạm TTATGT? 

Trước đây, hàng năm chúng tôi đều hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật về TTATGT đến các trường trong tỉnh. Tuy nhiên, năm học 2013 - 2014 này, lần đầu tiên Sở GD&ĐT thực hiện Quy định gắn trách nhiệm của hiệu trưởng, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề, các giáo viên chủ nhiệm (GVCN) với vi phạm của học sinh. Chúng tôi cũng quy định các tiêu chí để đánh giá hạnh kiểm, xử lý học sinh vi phạm luật giao thông.

Hiệu trưởng, giám đốc các trường phải lập kế hoạch bảo đảm TTATGT của đơn vị mình trước ngày 10/1 hàng năm, trong đó phải có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATGT. Trước ngày 10/12, các trường phải tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, trong đó phải nêu rõ số lượng cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm và hình thức xử lý báo cáo Sở để tổng hợp báo cáo Ban ATGT tỉnh. 

Hải Dương: HS vi phạm giao thông, GV mất thi đua - 1

CSGT đội 7, CATP Hà Nội xử lý một học sinh đi xe đạp điện không đội MBH trên đường Nguyễn Trãi

Học sinh phải nghỉ học 3 ngày nếu vi phạm lần hai

Theo quy định này, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm sẽ mất danh hiệu thi đua nếu có nhiều học sinh vi phạm?

Đúng vậy, trên cơ sở báo cáo hàng năm, Sở GD&ĐT sẽ không xem xét khen thưởng, trình các cấp khen thưởng các tập thể và hiệu trưởng, giám đốc không có kế hoạch và tổng kết công tác đảm bảo ATGT. Sở sẽ phê bình và có biện pháp xử lý hiệu trưởng, giám đốc các trung tâm nếu để tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT nhiều lần, để mất TTATGT tại khu vực cổng trường trong thời gian dài mà không có giải pháp khắc phục hoặc có ý kiến nhắc nhở bằng văn bản đến lần thứ hai. Lần thứ nhất, Sở nhắc nhở, lần thứ hai sẽ phê bình và lần thứ ba sẽ có biện pháp xử lý cao hơn đối với hiệu trưởng, giám đốc trung tâm. 

"Từ đầu năm đến 30/8/2013, Hải Dương có tới 18 người chết và bị thương vì TNGT dưới 18 tuổi, tương đương 10,8% tổng số nạn nhân chết và bị thương do TNGT trên toàn tỉnh. Con số này đã tăng cao hơn thiệt hại của cả năm 2012”.

Ông Vũ Đức Hạnh
Phó Chánh VP Ban ATGT
tỉnh Hải Dương

Hiệu trưởng sẽ không xem xét khen thưởng đối với GVCN không thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo TTATGT hoặc học sinh vi phạm nhiều lần và để các lực lượng chức năng có thông báo nhắc nhở một lần trong năm. GVCN sẽ bị luân chuyển hoặc không được làm chủ nhiệm nếu không đưa nội dung báo cáo về đảm bảo TTATGT vào các cuộc họp phụ huynh học sinh; không thông báo về gia đình học sinh vi phạm bị xử lý; không hạ hạnh kiểm đối với học sinh vi phạm theo quy định.

Học sinh vi phạm lần thứ nhất, sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng đó, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Vi phạm lần hai sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm và thông báo về địa phương nơi cư trú. Nếu học sinh đã được giáo dục nhiều lần vẫn tái phạm sẽ xếp loại hạnh kiểm yếu; cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục.

Học sinh thường vi phạm ngoài giờ quản lý của nhà trường, bà có cho rằng các mức kỷ luật như vậy với hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm là thoả đáng? 

Các em học sinh vừa là tác nhân vi phạm nhưng cũng là nạn nhân của TNGT, do đó với quy định này, để bảo vệ các em, Sở GD&ĐT muốn gắn trách nhiệm của người đứng đầu các trường và GVCN trong công tác giáo dục tuyên truyền, nhắc nhở học sinh. Chắc chắn, những lỗi vi phạm của các em là có thể khắc phục và giáo dục được.

Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT):

Mong muốn nhân rộng cách làm của Hải Dương

Tôi đánh giá rất cao hoạt động này và mong muốn sẽ nhân rộng cách làm của Hải Dương để mỗi cán bộ, giáo viên sẽ là một tuyên truyền viên, giáo dục học sinh nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

K.H

Thầy Nguyễn Đắc Hồi - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội):

Chắc chắn sẽ có phản ứng từ giáo viên

Cá nhân tôi cho rằng việc áp dụng quy định này là cần thiết nhưng cần có những lộ trình, bước đi phù hợp để không gây sốc cho giáo viên và để tìm ra những cách làm hiệu quả.

Việc áp dụng một cách cụ thể và chi tiết các tiêu chí về tình trạng học sinh vi phạm để xét thi đua chắc chắn sẽ gặp phản ứng từ các thầy, cô giáo bởi trách nhiệm của họ đã khá nặng nề trong khi việc xét thi đua như vậy lại quá khắt khe. Có một thực tế là hầu hết học sinh vi phạm pháp luật ATGT ở bên ngoài nhà trường, các thầy cô giáo không thể theo học sinh ra đường để quản lý.

T.Mạnh

Trần Hương Lan - GVCN lớp 7E Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội):

Chúng tôi đã chịu quá nhiều áp lực rồi

GVCN có rất nhiều nhiệm vụ chuyên môn phải thực hiện. Giáo dục pháp luật về TTATGT và kỹ năng tham gia giao thông cho các em chỉ là một phần trong nhiệm vụ chung của chúng tôi. Tôi cho rằng quy định học sinh vi phạm bị CSGT xử phạt liên quan đến việc bình xét khen thưởng cuối năm của GVCN là không hợp lý. Cả năm chúng tôi phải phấn đấu rất nhiều mới có thể đạt được danh hiệu thi đua, mới được khen thưởng. Nhưng nếu một học sinh trong lớp đi ngược chiều, không đội MBH bị CSGT phạt thì công sức của giáo viên phấn đấu cả năm mất hết. Để giải quyết được thực trạng học sinh vi phạm luật giao thông đang ngày càng phổ biến thì cần phối hợp giữa nhà trường và gia đình, không thể đổ hết trách nhiệm lên giáo viên được.

H.Vân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Hà (Báo Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN